Mùa khát ở Na Cô Sa

05/12/2019 06:19
Trần Phương
(GDVN) - "Lúc thì nhiều nước quá nhưng không có cái để đựng, đến mùa khát thì tìm từng mó nước để về sinh hoạt cũng chẳng đủ. Thầy cô giáo phải rất cố gắng mới đủ nước"

Đó là tâm sự của thầy giáo Phạm Văn Quân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa khi mùa thiếu nước nữa lại về.

Ở Na Cô Sa, sau tháng 11, các con suối bắt đầu cạn khô, các mó nước trong núi cũng chẳng còn nhiều nước như những ngày tháng 8 tháng 9.

Mùa thiếu nước, gần 1.000 em học sinh bán trú của 2 trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở của xã Na Cô Sa lại đối mặt với tình trạng thiếu nước.

Với khối lượng học sinh bán trú ăn ở, sinh hoạt nội trú nhiều như vậy nên khối lượng nước sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các em là rất lớn.

Sau giờ học, học sinh ở Na Cô Sa phải đi tìm đến những khe nước ở tận trong những khe đá sâu trong núi. Ảnh: LC
Sau giờ học, học sinh ở Na Cô Sa phải đi tìm đến những khe nước ở tận trong những khe đá sâu trong núi. Ảnh: LC

Mặc dù hệ thống đường nước đã phòng Giáo dục và đào tạo huyện Nậm Pồ đầu tư song do nguồn nước được lấy từ khe suối quá xa, nước ở đầu nguồn cạn kiệt nên tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, liên tục.

Mùa cạn về, muốn có nước, các em phải lấy từ những nguồn trong khe núi cách trường 5km nhưng vẫn không đủ.

Trường Na Cô Sa nay đã xóa tranh tre, thành trường chuẩn cấp độ 1
Trường Na Cô Sa nay đã xóa tranh tre, thành trường chuẩn cấp độ 1

“Nhiều khi phải huy động cả các thầy cô giáo dùng xe máy, tận dụng đủ mọi thứ có thể chứa được nước đưa về cho các em sinh hoạt. Mọi thứ phải thật tiết kiệm. Tận dụng, nguồn nước thừa cuối cùng sẽ được dùng để tưới hoa, tưới rau.

Các thầy cô giáo ở tại trường cũng phải sinh hoạt rất tiết kiệm, phần lớn nhường cho học sinh...”, thầy giáo Quân chia sẻ về cách dùng nước trong mùa khô ở Na Cô Sa.

ở Na Cô Sa, những ngày này, sau giờ học các em học sinh bán trú lại đi ra những khu vực suối cách trường 2km lấy nước tắm gội, giặt rũ áo quần.

Có thể nói, tình trạng thiếu nước sạch đã trở thành một thách thức với sự nghiệp trồng người nơi địa đầu Tổ quốc.

Dẫu biết rằng, đây là việc làm không dễ dàng nhưng để các thầy cô giáo, học sinh yên tâm bám trường, bám lớp rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, nhà hảo tâm trong việc xây dựng thêm những công trình nước sạch, đáp ứng sự mong mỏi của thầy cô và học sinh.

Một tin vui đã đến với thầy và trò 2 trường ở xã Na Cô Sa khi có một nhà hảo tâm đã tặng mỗi trường một giếng khoan.

Thế nhưng, nỗi lo về các thiết bị chứa nước lại là một bài toán khó với thầy và trò bởi bể nước quá nhỏ và chất lượng nước cần phải lọc thêm mới đảm bảo sinh hoạt.

Ðặc biệt, khi thiếu nước, nỗi lo lớn nhất với thầy cô giáo là sức khỏe của học sinh, bởi khi các em sử dụng nước bẩn có thể mắc các bệnh về da và lây lan rất nhanh.

Hình ảnh học sinh ở Na Cô Sa đi "tìm nước" trong mùa khô:

Có những lúc các em học sinh phải đi "săn" nước đêm bởi có nhiều khe đã cạn. Ảnh: LC
Có những lúc các em học sinh phải đi "săn" nước đêm bởi có nhiều khe đã cạn. Ảnh: LC
Những khe suối hiếm hoi còn nước thì chỉ đủ cho tắm, giặt. Ảnh: LC
Những khe suối hiếm hoi còn nước thì chỉ đủ cho tắm, giặt. Ảnh: LC
Từng đoàn, từng đoàn đem theo xô, chậu, sau tắm giặt là một xô nước mang về trường. Ảnh: LC
Từng đoàn, từng đoàn đem theo xô, chậu, sau tắm giặt là một xô nước mang về trường. Ảnh: LC
Sau giờ học là những giờ đi tìm nước, con đường đi qua những nương lúa cạn. Ảnh: LC
Sau giờ học là những giờ đi tìm nước, con đường đi qua những nương lúa cạn. Ảnh: LC
Mùa khô, những con suối cạn cũng là đường đến trường. Ảnh: LC
Mùa khô, những con suối cạn cũng là đường đến trường. Ảnh: LC
Cô và trò khẩn trương giặt rũ chăn màn trước khi mùa khô đến. Bởi bể nước của trường sớm trơ đáy trong mùa khô. Ảnh: LC
Cô và trò khẩn trương giặt rũ chăn màn trước khi mùa khô đến. Bởi bể nước của trường sớm trơ đáy trong mùa khô. Ảnh: LC
Trần Phương