Một số hiệu trưởng Hà Nội đề xuất cho học sinh đi học từ tháng 8 không hợp lý

15/05/2022 06:21
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra học sinh chỉ học tốt khi có thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Mất đi thời gian nghỉ ngơi hợp lý giống như mất đi tuổi thơ.

Ngày 6/5, trên báo Tiền Phong có đăng tải bài viết “Hà Nội kiến nghị nên cho học sinh tựu trường năm học mới từ tháng 8/2022” của tác giả Hà Linh, tuy chỉ là kiến nghị của một số hiệu trưởng ở Hà Nội nhưng khiến dư luận “dậy sóng”, nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất trên.

Bài viết nêu “Một số hiệu trưởng tại Hà Nội cho rằng, năm học 2021-2022 bị gián đoạn hoạt động dạy học trực tiếp, chất lượng bị ảnh hưởng do đó, năm học tới cần cho trường học mở cửa từ tháng 8 để các trường có thêm thời gian ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi bước vào năm học mới.”[1]

Tôi cho rằng trong giai đoạn dịch Covid phức tạp vừa qua, cả thầy và trò đã vừa gồng mình chống dịch vừa dạy học trực tuyến lẫn trực tuyến mệt nhoài, giờ đây cần thời gian nghỉ hè để ổn định tâm lý, tinh thần và chuẩn bị bước vào năm học mới, nên đề xuất học sinh đi học từ tháng 8 của Hà Nội người viết cho rằng là đề xuất không hay.

Dưới đây là một số lý do mà người viết cho rằng đề xuất cho học sinh học từ tháng 8 là đề xuất không hợp lý, thậm chí phản tác dụng.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Thứ nhất, nên khai giảng và bắt đầu học từ 5/9

Trước đây có tình trạng học sinh bắt đầu đi học từ tháng 8, khai giảng từ tháng 9 là không phù hợp, gặp nhiều bất cập.

Các em học sinh mất đi quãng thời gian nghỉ ngơi, trải nghiệm quý giá sau thời gian học tập mệt mỏi.

Nên trong 2 năm học qua, việc khai giảng và học từ ngày 5/9, khiến giáo viên và học sinh hết sức vui mừng, cả nước đồng tình hoan nghênh.

Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra học sinh chỉ học tốt khi có thời gian học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Mất đi thời gian nghỉ ngơi hợp lý giống như mất đi tuổi thơ tốt đẹp.

Theo đó, ngày 5/9/1945 - 3 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các em học sinh nhân khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập mới. Ngày khai giảng 5/9 được chọn là "Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường".

Học sinh tựu trường, khai giảng và bắt đầu học từ ngày 5/9 vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn vừa phù hợp tâm sinh lý, phù hợp sự phát triển của trẻ theo khoa học.

Thứ hai, mỗi năm học có 35 tuần thực học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT, ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Trong đó, kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần); đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông), có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần).

Thầy và trò bắt đầu dạy từ tháng 9 đến 31/5 là đảm bảo 35 tuần thực học theo quy định, nếu bắt đầu từ tháng 8 có thể thực hiện trên 35 tuần thì trái quy định về thời gian làm việc, phải chi trả thêm giờ, thêm buổi không cần thiết.

Thứ ba, thầy và trò đã mất mát quá lớn trong mùa dịch

Dịch Covid thời gian qua đã lấy đi nhiều thứ của ngành giáo dục, một số giáo viên đã ra đi mãi mãi không về, thời gian dịch bệnh giáo viên phải gồng mình chống Covid vừa phải trang bị phương tiện thiết bị dạy học trực tuyến, trực tiếp, nhiều giáo viên F1, F0 vẫn phải dạy để tăng cường, củng cố kiến thức cho các em học sinh.

Các em học sinh cũng phải vô cùng vất vả trong việc học trực tuyến rất khó khăn, việc tiếp thu bài vẫn còn hạn chế, một số em bị sang chấn tâm lý trong quá trình học trực tuyến.

Tại Hà Nội khi dịch bệnh phức tạp thì vẫn kết hợp dạy trực tuyến, trực tiếp khiến giáo viên và học sinh mệt nhoài, vô cùng vất vả.

Thứ tư, học sinh cần nghỉ ngơi hơn là lao đầu vào học

Do dịch bệnh nên nhiều địa phương đã kéo dài thời gian học, có nơi đến giữa tháng 6 thậm chí cuối tháng 6 mới được nghỉ hè.

Nếu học từ tháng 8 có thể khiến “lợi bất cập hại”, học sinh sẽ tiếp tục mất đi khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe, tâm lý.

Thực tế, giai đoạn hiện nay việc tiếp thu của học sinh có hạn chế có phần đúng nhưng nó chỉ là tạm thời, việc học là lâu dài, suốt đời, có thể các em tiếp thu không bằng các năm trước nhưng chỉ cần một thời gian ngắn nghỉ ngơi, khi vào "guồng" thì các em sẽ lại học tốt như xưa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tinh giản một số nội dung không cần thiết, học sinh phổ thông chỉ cần học trọng tâm, trọng điểm kết hợp với việc ổn định tâm lý, tinh thần để các em tiếp thu tốt hơn trong tương lai.

Không thể học kiểu nhồi nhét, không phải cứ học nhiều học sinh sẽ học giỏi, điều đó không đúng, định hướng chương trình mới không chỉ chú trọng kiến thức mà còn chú trọng kỹ năng sống, trải nghiệm, đạo đức, lý tưởng sống,… nên học nhiều, học sớm không những không tốt mà còn có thể có tác dụng ngược.

Mọi người rất mong chờ được đến thời gian nghỉ hè để được nghỉ ngơi, hồi phục lại sức khỏe, tâm lý sau thời gian vô cùng vất vả cho cả thầy và trò.

Do đó, đề xuất cho học sinh đi học từ tháng 8 của Hà Nội, người viết cho rằng không phải đề xuất hay, không cần thiết, kiến nghị Hà Nội cần xem xét lại và các địa phương khác không nên áp dụng theo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tienphong.vn/ha-noi-kien-nghi-nen-cho-hoc-sinh-tuu-truong-nam-hoc-moi-tu-thang-8-2022-post1436328.tpo

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam