Một số góp ý của Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc về chương trình giáo dục tổng thể

19/05/2017 07:58
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Đức Ngọc
(GDVN) - Kiến thức, kỹ năng chỉ là phương tiện để “Dạy và Học cách học” và giáo viên cần được đào tạo phù hợp với định hướng “một chương trình-nhiều sách giáo khoa".

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Đức Ngọc, nguyên Phó ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong bài viết này, tác giả chia sẻ đóng góp một số ý kiến của mình về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo tôi, để có thể thuyết phục được các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và các nhà nghiên cứu giáo dục, văn bản chương trình tổng thể nên cấu trúc lại, bổ sung, hoàn thiện các điểm sau đây:

1- Làm rõ bối cảnh thời đại về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và phát triển khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước hiện nay và trong vòng 10-20 năm tới dẫn đến phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông đáp ứng thời đại như thế nào và theo hướng nào.

2- Làm rõ mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông:

- Mục tiêu giáo dục phổ thông (phỏng theo UNESCO của Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân) giáo dục để:

1) Để hiểu biết và để làm người, 
2) Để có một nghề và có việc làm,
3) Để làm cho mình và mọi người hạnh phúc,
4) Để có năng lực đóng góp cho đất nước và nhân loại phát triển bền vững.

Từ đó khẳng định được các phẩm chất và năng lực người tốt nghiệp phổ thông đã đề xuất trong chương trình tổng thể đáp ứng mục tiêu giáo dục nêu trên.

Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc chỉ ra một số điểm cần làm rõ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. (Ảnh minh họa: Congly.vn)
Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc chỉ ra một số điểm cần làm rõ trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. (Ảnh minh họa: Congly.vn)

3-Làm rõ việc phân định giáo dục: mục tiêu, nội dung, yêu cầu giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm để khẳng định mục tiêu, nội dung, yêu cầu cho giai đoạn này là hoàn thành giáo dục cơ bản.

Trên cơ sở đó định hình tên các môn học cho phù hợp và hệ thống.

4-Làm rõ nội dung, yêu cầu của giai đoạn giáo dục nghề nghiệp phổ thông 3 năm, để khẳng định mục tiêu, nội dung và yêu cầu cho giai đoạn này là tạo nguồn nhân lực phổ thông cho trong và ngoài nước theo 4 lĩnh vực:

1)-Làm được việc phổ thông trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
2)-Làm được việc phổ thông trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn
3)-Làm được việc phổ thông trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ
4)-Làm được việc phổ thông trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Từ đó triển khai kế hoạch giáo dục nghề nghiệp phổ thông cho phù hợp và khả thi. 

Nếu xác định rõ mục tiêu giáo dục hướng nghiệp như trên thì chúng ta sẽ tạo được nguồn nhân lực hội nhập, giải quyết công ăn việc làm cho người tốt nghiệp phổ thông đang ngày càng đông đảo.

5-Nên tổ chức giáo dục định hướng nghề nghiệp phổ thông giao cho mỗi trường trung học phổ thông một lĩnh vực, có tổ chức như vậy, đầu tư nguồn lực (phương tiện và giáo viên theo lĩnh vực) mới khả thi trong việc “giáo dục phân ban/phân hóa” thành công và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp phổ thông, tránh được phân ban đã từng thất bại. 

6-Làm rõ bản chất thời đại của giáo dục phổ thông là giáo dục năng lực nhận thức (tiếp thu tri thức) và năng lực tư duy (vận dụng và phát triển tri thức đã tiếp thu được) về các tri thức tự nhiên, xã hội, văn hóa nghệ thuật và kỹ thuật công nghệ ở trình độ phổ thông của thời đại.

Để từ đó hình thành phẩm chất (thể chất và tâm hồn) và năng lực (kỹ năng kỹ xảo thực hiện các công việc phổ thông theo lĩnh vực), chuẩn bị tiềm năng cho từng người phát triển theo năng khiếu hay sở thích riêng của mình ở các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. 

Nhận rõ bản chất này, từ đó mới bồi dưỡng được đội ngũ giáo viên thực hiện giáo dục phẩm chất và năng lực đã xác định của chương trình giáo dục phổ thông mới theo nguyên tắc “Dạy và Học cách học”. 

Từ đó, cũng nhận ra rằng kiến thức, kỹ năng chỉ là phương tiện để “Dạy và Học cách học”, có bồi dưỡng như vậy, mới có đội ngũ giáo viên phù hợp với định hướng “một chương trình-nhiều sách giáo khoa”. 

Và dù nội dung, sách giáo khoa mới chưa ra kịp thì vẫn có thể triển khai dạy phẩm chất và năng lực theo định hướng đổi mới qua dạy nhận thức và dạy tư duy cho người học, tức là “Dạy và Học cách học”.

Một số góp ý của Phó Giáo sư Lê Đức Ngọc về chương trình giáo dục tổng thể ảnh 2

Nhóm tác giả Việt Cường nêu quan điểm về dự thảo chương trình giáo dục mới

7-Trong phần định hướng đánh giá giáo dục của chương trình tổng thể có định hướng:

Học sinh hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”. 

Như vậy, nội dung chương trình giáo dục (gồm nội dung chung và địa phương), chất lượng hoạt động giáo dục của mỗi trường trung học phổ thông khác nhau đáng kể, vẫn sẽ được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo qui định, kết quả là văn bằng tốt nghiệp sẽ có chất lượng khác nhau đáng kể.

Một trong các giải pháp để khắc phục điểm này, chương trình tổng thể dự kiến triển khai “Việc đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục”. 

Bản chất các cuộc thi “diện rộng” là đánh giá trình độ học vấn (thí dụ: Thi PISA là đánh giá trình độ học vấn người học ở lứa tuổi 15, tương ứng với kết quả giáo dục cơ sở). 

Vậy hãy gắn đánh giá trình độ học vấn với một văn bằng theo cấp học. Với bản chất văn bằng là thông tin cơ bản để phân công lao động xã hội (kể cả học tiếp). 

Nên nó còn là động lực quan trọng để nhà trường đảm bảo và không ngừng nâng cao chất giáo dục, còn chính người học có động cơ không ngừng nỗ lực học tập. 

Vì vậy, có nên chăng, bên cạnh các trường được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ta chuyển tổ chức kỳ thi diện rộng thành cuộc “Thi cấp bằng Tú tài quốc gia” để có thông tin đáng tin cậy cho người học tìm việc hay xin học nghề theo tiêu chuẩn tuyển chọn của cơ sở đào tạo. 

Tránh sẽ phải có một cuộc thi từng làm rối loạn và tốn kém nguồn lực không đáng có cho/của các cơ sở tuyển chọn sau này.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Đức Ngọc