Một số giám đốc sở bị khởi tố cũng vì lóa mắt trước tiền bạc mà đồng ý làm sai

27/10/2021 06:59
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Chúng ta cần nhìn nhận đúng nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, trong đó có nguyên nhân từ sự lạm dụng quyền lực, và quyền lực về bổ nhiệm cán bộ.

Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến đấu thầu các thiết bị giáo dục, thiết bị y tế. Từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên,… đến Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc bệnh viện Tim đều có những sai phạm liên quan đến đấu thầu các thiết bị. Đối với bệnh viện Bạch Mai liên tục hai giám đốc bệnh viện bị khởi tố là câu chuyện hết sức đau lòng đối với ngành y nói riêng và đối với xã hội nói chung.

Vấn đề xã hội quan tâm và đặt ra câu hỏi rằng hãy để các nhà chuyên môn giỏi làm chuyên môn, quản lý cần người quản trị chuyên nghiệp, không nhất thiết giỏi chuyên môn. Nếu không thì danh sách cán bộ vướng vòng lao lý sẽ còn dài, bệnh nhân mất bác sĩ giỏi, học sinh, sinh viên mất thầy giỏi và Nhà nước thì mất tiền.

Bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: NVCC.

Bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Túy - Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên, chia sẻ quan điểm:

“Nguyên nhân theo tôi là do cơ chế, ở nước ta quan chức phải được đề cao, ai cũng muốn được làm lãnh đạo, ngay như nhiều người học hàm giáo sư, phó giáo sư về nghiên cứu khoa học nhưng lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo về kinh tế tài chính.

Làm quản lý và làm khoa học khác nhau, đừng cố gắng lấy danh giáo sư, tiến sĩ với mục đích ra làm cán bộ quản lý. Họ coi làm cán bộ là mục đích, là chỉ dấu của tài năng và đãi ngộ. Làm cán bộ thì có quyền có lợi và có lộc, ai cũng phấn đấu lên chức.

Cái cách tuyển, cử người làm quản lý, quản trị vĩ mô của nước ta, chúng ta cần nhìn nhận đúng những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng tham nhũng, trong đó có nguyên nhân từ sự lạm dụng quyền lực, là quyền lực về bổ nhiệm cán bộ, hòng mưu cầu lợi ích cá nhân, đưa ra các chính sách để bảo vệ cho lợi ích nhóm, che chắn và bảo vệ lẫn nhau. Điều này rất nguy hiểm

Tại sao thời gian vừa qua hàng loạt quan chức bị vướng vòng lao lý? Thứ nhất: Cơ chế đấu thầu chưa rõ ràng, việc công khai minh bạch chưa được thực hiện nghiêm túc, thông tin về giá vật tư đấu thầu chưa tốt mặc dù đã hội nhập quốc tế, nhiều mặt hàng “đặc thù” lại được chỉ định thầu, đưa ra giá nào phải mua giá đó.

Nhưng điểm mấu chốt của hàng loạt những sự việc đáng tiếc vừa qua lại do lòng tham của con người, lóa mắt trước những đồng tiền “lại quả” mà nhắm mắt đồng ý làm sai, có trường hợp những quan chức đó đã cấu kết, lập các công ty “sân sau” để cố tình làm sai, tham nhũng”.

Có nhiều ý kiến cho rằng bắt đầu từ cơ chế, tiêu chuẩn cứng hiệu trưởng, giám đốc phải tiến sĩ, phó giáo sư,… Nhưng thực tế có những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ giỏi chuyên môn nhưng rất mù mờ về quản lý, về vấn đề này, bà Túy nói:

“Theo tôi, việc này cũng chưa hẳn là đúng, bởi bản thân những người đã lên đến chức vị quản lý cao đều đã được học, vậy phải xem những người đó có học thật hay không?

Thứ nhất, muốn đề bạt lên đến chức giám đốc sở thì anh phải qua bao nhiêu lớp học quản lý như Quản lý Nhà nước, Quản lý hành chính công, lớp Cao cấp chính trị, rồi thi Chuyên viên chính,…Theo tôi, những người này họ không học những cái đó một cách nghiêm túc, hoặc bằng “cách” nào đó để có được bằng tốt nghiệp”.

Nên tách chuyên môn với việc quản lý?

Theo bà Túy: “Nếu được như vậy theo tôi là văn minh, nên tách bạch riêng 2 việc thì mới tốt được. Anh quản lý không nhất thiết phải giỏi về chuyên môn, việc của quản lý là điều hành, sắp đặt mọi công việc để làm cho bộ máy vận hành thật tốt. Việc còn lại của chuyên môn là thực hiện thật tốt các công việc chuyên môn.

Trong khi ngành Giáo dục phải là tấm gương về đạo đức, những cán bộ trong ngành phải là người mẫu mực, gương mẫu nhưng chính họ đã lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong đấu thầu thiết bị dạy học. Đây sẽ là những thí dụ tiêu cực mà xã hội nhìn và mất niềm tin. Đó là những trường hợp điển hình về vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức thì làm sao mà có thể lãnh đạo sự nghiệp trồng người?

Có vị tướng giỏi được phong Anh hùng, nhưng sau khi được đưa về làm chủ tịch thành phố thì vi phạm pháp luật, giờ trong vòng lao lý vì không đủ tâm thế đối diện với cám dỗ của đồng tiền...Một thầy thuốc tim mạch tài giỏi thì đưa về làm quản lý một bệnh viện, giờ bị khởi tố có thể liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật.

Giá như ông cứ đi theo con đường chuyên môn với trí tuệ và bàn tay tài hoa thì người bệnh được nhờ nhiều lắm đấy. Và dĩ nhiên, sẽ sống ung dung, sung sướng một cách trong sạch với nghề được người dân kính nể, được học trò kính trọng, mà không cần phải tham ô, hối lộ hay làm ăn gian dối. Nhưng, ông đi vào đường quan, để ra nông nỗi phải vào vòng lao lý.

Trước đó có bao nhiêu vụ cử người không đúng chuyên ngành ở những vị trí cao, không bị tiền quyền cám dỗ thì cũng là người vô tình gây những hậu quả thiệt hại cho quốc gia. Căn bệnh tham nhũng đã ngấm sâu, len lỏi vào mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực, dù tài năng mà thiếu đức tính tự trọng, thiếu bản lĩnh thì không thoát khỏi vòng xoáy của tiền bạc và quyền lực.

Thế mới biết tham vọng làm quan có sức mạnh khủng khiếp. Nó có thể biến một người bình thường, thậm chí năng lực kém trở thành danh giá, quyền lực, nhưng cũng có thể biến một người thầy tài giỏi, một chuyên gia xuất sắc thành tội đồ trong chốc lát”.

Theo bà Túy: “Cái sai của chúng ta là đưa người giỏi chuyên môn lên làm quan, đưa nhà khoa học giỏi lên làm quản lí, mà đây là quản lí hành chính công, nó đòi hỏi người có tài, có tầm nhìn bao quát, đưa ra những chiến lược phát triển lâu dài, chứ đây không phải là “ghế” ngồi để hưởng thụ bổng lộc, để lợi dụng chức vụ mà tham nhũng.

Theo tôi cần có giải pháp, hướng hiện nay chúng ta đang làm là kiêm nhiệm, nhưng theo tôi thấy nhiều người chưa được đào tạo đến nơi đến chốn, cần phải trang bị tốt kiến thức cho họ, ví dụ: Là một giám đốc sở, ngoài học về tư tưởng lập trường thì cũng cần được trang bị kiến thức về quản lý kinh tế, là chủ tài khoản phải thế nào để kế toán không “qua mặt”, rồi phải biết đọc quyết toán, xem dự toán để biết mua sắm trang thiết bị, xây dựng công trình thế nào?

Hoặc chúng ta nên tách riêng một người làm quản lí bao quát chung, và để người giỏi chuyên môn làm đúng công việc của họ, bởi xã hội ngày càng phát triển và chịu sự tác động rất lớn của cơ chế thị trường, hãy để mọi người làm đúng với chuyên môn của mình, tránh việc cái gì cũng biết nhưng không giỏi.

Rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, nhật bản, Úc,…đã thực hiện việc bổ nhiệm bộ trưởng, người điều hành mà không cần đến chuyên môn, ví dụ: Bộ trưởng Giáo dục không nhất thiết phải là nhà giáo, hay y tế, xây dựng,… mà họ vẫn làm tốt đấy thôi, tôi nghĩ chúng ta nên học hỏi theo họ về vấn đề dùng người này”.

Tùng Dương