Một ngày của giáo viên mầm non

19/06/2020 06:06
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghề mầm non không thể làm thêm việc gì được, dạy thêm thì càng không, làm công việc khác cũng không còn sức lực vì suốt cả ngày đã bị vắt kiệt sức.

Nỗi vất vả của giáo viên mầm non là không thể kể xiết, mở đầu câu chuyện với chúng tôi cô giáo Hồ Thị Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nói như thế.

Cô Hồ Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh tác giả)

Cô Hồ Thị Mỹ Linh - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Tân Xuân (Ảnh tác giả)

“Mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con mà đôi lúc đã phải than trời, kêu đất thậm chí cãi nhau. Trong khi, các cô giáo mầm non mỗi ngày phải giữ đến vài chục em, ăn uống khó, việc vệ sinh lại chưa ý thức.

Thế nên, các cô vẫn phải làm, phải dọn dẹp, chăm sóc, phải luôn yêu thương mà không phải con của mình mới thấy thương và khâm phục thế nào”.

Dù thế, vẫn có người chưa thật sự hiểu về nghề cô nuôi dạy trẻ để có sự thấu hiểu và cảm thông với họ.

Một ngày của giáo viên mầm non thế nào?

Quy định của nhà trường thì 6 giờ 45 phút các cô phải có mặt ở trường để đón trẻ. Thế nhưng, giáo viên thường đi sớm hơn để mở phòng cho thông thoáng, dọn vệ sinh phòng ốc để trẻ đến sẽ không có thời gian dọn dẹp nữa.

Cô giáo Đoàn Thị Lệ Minh cho biết, những đứa trẻ sạch sẽ không sao, có những em ít được sự quan tâm của gia đình thì giáo viên còn phải lau người, tắm rửa, thay đồ cho các con được sạch sẽ, thơm tho mới vào học được.

Giờ học của trẻ mầm non có hoạt động chuyển tiết ngoài trời, hoạt động góc, giáo viên phải chuẩn bị đồ dùng, phương tiện để những hoạt động học tập đạt kết quả.

Hơn 10 giờ, các cô lại chuẩn bị công tác vệ sinh cho trẻ ăn trưa. Hướng dẫn trẻ làm vệ sinh trước khi vào ăn.

Ngồi ăn, em nào khó ăn, ăn chậm giáo viên phải dùng dụ dỗ để các con ăn ngon miệng.

Cũng có em bất cẩn làm đổ đồ ăn vào người, em ho đồ ăn văng vào mặt mũi các cô, em lại đi vệ sinh ngay tại chỗ…các cô lại tự tay lau dọn mà chẳng thể than thở cùng ai.

Các con ăn xong, lại hướng dẫn đánh răng, xúc miệng và kê giường cho các con ngủ. Ngày nào cũng thế, khi những đứa trẻ yên giấc cũng là lúc kim đồng hồ chỉ vào con số 12 giờ.

Đây là giờ các cô mới được ăn. Thế nhưng, ăn xong các cô phải ngồi canh cho trẻ ngủ và để đỡ lãng phí thời gian, các cô tranh thủ làm đồ dùng dạy học ngay thời điểm này.

Khoảng 1 giờ 45 phút, gọi các con dậy cho làm vệ sinh cá nhân và ăn xế rồi bắt đầu đến hoạt động buổi chiều.

Nội dung học chủ yếu ôn lại kiến thức buổi sáng. Chiều đến tiếp tục cho trẻ làm vệ sinh để trả trẻ vào lúc 4 giờ 30 phút.

Thế nhưng, có phải phụ huynh nào cũng đón con đúng giờ? Có hôm nhận được điện thoại phụ huynh gọi đến nói bận việc nhờ cô trông con giúp. Thế là dù mệt, dù nóng ruột với biết bao công việc nhà thì các cô cũng không thể thả trẻ ở trường.

Có cô về đến nhà đã giờ lên đèn, ăn vội chén cơm lại chuẩn bị giáo án, đồ dùng dạy học cho buổi học sau.

Dạy trẻ mầm non chủ yếu là dùng hình thức trực quan sinh động nên đồ dùng dạy học một tiết khá nhiều. Mặc dù được nhà nước cung cấp đồ dùng dạy học nhưng vẫn phải làm thêm những đồ dùng thiết thực để học sinh dễ tiếp thu.

Ngoài những công việc ấy, các cô còn phải thay nhau chà, rửa nhà vệ sinh chung còn khu vệ sinh trong lớp trực tiếp các cô phải làm hằng ngày.

Một số cô giáo mầm non buồn rầu cho biết: “Nhiều ông chồng không thông cảm thì gia đình chỉ luôn cãi vả vì vợ chẳng giúp gì việc nhà.

Thế nên, ai lấy vợ là giáo viên mầm non phải xác định làm luôn việc nhà để giúp vợ vì các cô đi suốt ngày từ sáng sớm trở về nhà đã muộn và tối đến còn bao nhiêu việc”.

Nếu có điều ước

Một lớp Mầm cho trẻ 3 tuổi khoảng 25 em, lớp Chồi 30 em, lớp Lá 35 em nhưng mỗi lớp chỉ 2 giáo viên nên phải lo tất, vừa dạy học, vừa vệ sinh phòng ốc và chăm nom trẻ.

Thế nên, cô Hồ Thị Mỹ Linh cho biết: "Nếu được tôi mong muốn 1 lớp sẽ được biên chế 3 cô, 2 cô dạy chính và 1 cô bảo mẫu.

Mỗi buổi sáng, cô bảo mẫu sẽ đi sớm dọn dẹp thông thoáng phòng ốc để chuẩn bị đón học sinh và các cô dạy chính sẽ đến đón trẻ chuẩn bị cho việc học.

Vào giờ ăn, cô bảo mẫu sẽ chuẩn bị các phương tiện, dụng cụ đồ ăn giúp các cô dạy chính cho trẻ ăn."

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần quan tâm đến chế độ tiền lương của giáo viên mầm non.

So với mức lương hiện nay, lương của các giáo viên mầm non rất thấp trong khi công việc làm cật lực. Nhà nước có chế độ đãi ngộ thì giáo viên mới yên tâm công tác.

Nghề mầm non không thể làm thêm việc gì được, dạy thêm thì càng không, làm công việc khác cũng không còn sức lực vì suốt cả ngày đã bị vắt kiệt sức.

Bởi thế, nếu không được nhờ chồng làm kinh tế riêng thì đa phần đời sống của các giáo viên mầm non là vô cùng khó khăn, thiếu thốn.

Phan Tuyết