Một kế toán có kiêm nhiệm công việc nhiều trường được không?

08/10/2018 07:00
Mai Hoa
(GDVN) - Công việc của kế toán như một số người nói “chỉ bằng tớ làm cố”. Vậy nên những trường học như thế, biên chế một kế toán có thật sự hợp lý không?

LTS: Đặt ra câu hỏi "Một kế toán có kiêm nhiệm công việc nhiều trường được không?", cô giáo Mai Hoa đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tôi có người bạn học ngoài quê, tốt nghiệp trung cấp kế toán ra trường xin việc vào làm ở một trường tiểu học cách nhà vài cây số.

Bạn khoe rằng “một tuần mình chỉ có mặt trên trường một vài buổi, chủ yếu trình diện rồi về nhà kinh doanh (nhà bạn mở đại lý bán hàng xây dựng).

Ngạc nhiên vì điều đó, bạn giải thích “hiệu trưởng đồng ý là ok. Mình đem việc về nhà tranh thủ làm, miễn giáo viên đến tháng không chậm lương, không chậm trễ các chế độ khác theo quy định là được”.

Bạn tôi làm được điều đó chẳng qua là công việc kế toán trường học  khá nhẹ nhàng so với nhiều ngành nghề khác.

Nhân viên kế toán trường học (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: baohaiduong.vn).
Nhân viên kế toán trường học (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa: baohaiduong.vn).

Qua tìm hiểu một số nhân viên kế toán, công việc của họ là kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi tài chính, các nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính kế toán…

Nói theo lý thuyết là thế, chứ công việc chính của kế toán trường học chủ yếu chỉ làm lương, làm các chế độ cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường, theo dõi các khoản thu chi…

Công việc tháng nào cũng gần như tháng ấy mà không có biến động nhiều như kế toán một số công ty khác.

Kế toán vừa làm vừa chơi

Hiện trường học có 5 lớp hay có tới 50 lớp thì vẫn chỉ có một kế toán đảm nhận. Theo quy định, kế toán làm việc bằng giờ hành chính (đúng 8 tiếng như nhiều ngành nghề khác).

Thế nhưng kế toán bậc tiểu học hiện nay đang vi phạm quy định về thời gian). 7 giờ sáng họ có mặt, 10 giờ 10 phút học sinh tan trường, kế toán cũng về luôn.

Buổi chiều 2 giờ học trò vào lớp, kế toán cũng mới bước tới trường. Nhưng, 4 giờ 30 phút học sinh ra về thì kế toán cũng ra về.

Tính ra một ngày, kế toán ở những trường tiểu học làm chưa tới 6 tiếng đồng hồ/ngày.

Một kế toán có kiêm nhiệm công việc nhiều trường được không? ảnh 2Ít việc, ngồi chơi không, cần tinh giản ngay

Rồi 2 tháng hè, khi giáo viên và học sinh nghỉ hè, hầu như kế toán cũng không lên trường nữa. Hàng tháng, họ chỉ hoàn thành bảng lương, phụ cấp cho giáo viên xem như đã hoàn thành nhiệm vụ.

Trường 40-50 lớp còn đỡ nhưng có trường chỉ dưới 10 lớp thậm chí có 5 lớp. Công việc của kế toán như một số người nói “chỉ bằng tớ làm cố”. Vậy nên những trường học như thế, biên chế một kế toán có thật sự hợp lý không?

Được biết một số kế toán vì quá nhàn hạ nên đã kí thêm hợp đồng với một số trường có nhân viên kế toán nghỉ thai sản hoặc bị bệnh.

Người lại kí hợp đồng với một số cơ sở sản xuất bên ngoài mang việc về làm ngay trong các giờ hành chính.

Cần bố trí kế toán kiêm nhiệm nhiều trường

Hiện nay, khá nhiều tỉnh thành thực hiện việc tinh giản biên chế. Đặc biệt trong ngành giáo dục, nhiều nơi chỉ mới áp dụng tinh giản giáo viên 10% mặc dù nhiều địa phương giáo viên còn thiếu. Ngành giáo dục đang bỏ qua lực lượng kế toán trường học đang khá nhàn rỗi.

Cần giảm biên chế lực lượng kế toán và nên quy định trường bao nhiêu lớp mới có một kế toán đương nhiệm? Những trường có quy mô nhỏ thì 2-3 trường mới nên bố trí một kế toán.

Cũng cần giao khoán việc cho kế toán (kiểm tra bằng hiệu suất kết quả công việc) hơn việc quản lý bằng giờ hành chính. Có thế mới khuyến khích được khả năng làm việc của họ một cách hiệu quả.

Và ngành giáo dục địa phương cũng sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí trả lương không hề nhỏ.

Mai Hoa