Một gia đình người Thái quyết đổi đời cho con bằng việc học

29/07/2019 06:05
Phan Tuyết
(GDVN) - Giờ thì nhiều người dân nơi đây sẽ nhìn thấy, để thay đổi cuộc sống nghèo khó, cơ cực không có con đường nào khác ngoài sự rèn luyện, sự cần mẫn trong học tập.

Mấy ngày nay, gia đình anh Lang Văn La và chị Lang Thị Nguyên (người dân tộc Thái) tại thôn Quăn 1, xã Thanh Sơn, huyện như Xuân, tỉnh Thanh Hóa không ngớt người vào, ra chúc mừng hai đứa con sinh đôi (Lang Văn Trường và Lang Văn Sơn) đạt số điểm khá cao trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2018-2019 vừa qua.

Gia đình em Lang Văn Trường (Báo giáo dục thời đại)
Gia đình em Lang Văn Trường (Báo giáo dục thời đại)

Người anh song sinh La Văn Sơn thi đạt 25.25 điểm, La Văn Trường đạt 29.25 điểm (sau khi đã cộng điểm ưu tiên).

Nhiều người ngưỡng mộ gia đình anh chị có con học giỏi, chăm ngoan cũng không lạ.

Bởi, nơi vùng cao heo hút này, đặc biệt là việc học của nhiều học sinh vùng dân tộc thiểu số cũng ít nhận được sự quan tâm của gia đình.

Nhiều trẻ lớn lên lại tiếp tục theo nghiệp ba, mẹ làm nương, rẫy. Có em lại xây dựng gia đình rất sớm.

Anh Lang Văn La cho biết, mình đã không sai khi quyết tâm chọn con đường học tập để đổi đời cho các con.

Hai anh em song sinh Sơn - Trường ngoài việc chăm chỉ học còn đam mê bóng đá (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hai anh em song sinh Sơn - Trường ngoài việc chăm chỉ học còn đam mê bóng đá (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nỗi vất vả, cơ cực của gia đình

Anh La cho biết, hai vợ chồng ít học (học tới lớp 7) ở nhà làm nông. Bởi thế, công việc hằng ngày để duy trì cuộc sống luôn vô cùng vất vả.

Rời nhà lên nương rẫy từ sáng sớm, trở về nhà cũng đã tối mịt. Thế mà, cuộc sống vẫn khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Ngày nương rẫy hết việc, hai vợ chồng lại đi làm keo, làm mía nhưng thu nhập cũng chỉ được 150 ngàn/ngày.

Về nhà, phải lao vào chăm sóc vườn rau, chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt…

Nếu tính thu nhập bình quân từ những công việc này, một tháng anh chị nói cũng chỉ thu được ngót nghét 1 triệu đồng.

Dù công việc bận rộn, không lúc nào ngơi tay nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn đã là mừng lắm.

“Hy sinh đời bố, cũng cố đời con”

Một gia đình người Thái quyết đổi đời cho con bằng việc học ảnh 3
Bí quyết học tập của học sinh người dân tộc Thái với 10 điểm môn Lịch sử

“Không muốn đời con khổ như mình” anh Lang nói thế, nên hai vợ chồng anh luôn tạo điều kiện tối đa để hai anh em ăn học.

Anh cười và nói: “Hy sinh đời bố, cũng cố đời con”.

Rồi anh cho biết, dù cuộc sống có khó khăn vất vả đến đâu nhưng vợ chồng anh cũng nhất quyết cho con đi học tới cùng.

Không bắt con phải đi làm việc kiếm tiền như nhiều gia đình khác.

Thế nhưng, thương bố mẹ, ngoài giờ lên lớp, về tới nhà, hai anh em Sơn-Trường luôn giúp bố mẹ chăm vườn rau, cho lợn, gà ăn và chuẩn bị cơm nước cho gia đình rồi mới ngồi vào bàn học.

Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, 12 năm liền hai anh em đều là học sinh khá, giỏi của trường.

Thành quả ấy, Trường cho biết phần nhiều do công dạy dỗ của thầy cô và sự nỗ lực rất lớn của bản thân.

Không một ngày đi học thêm, chủ yếu là tự học. Hai anh em mua thêm sách để tham khảo, học miệt mài mỗi ngày từ 7 giờ đêm đến tận 2 giờ sáng.

Lên trường, ngoài việc chăm chú nghe thầy cô giảng bài, học thật kĩ kiến thức sách khoa, các em luôn tìm thầy cô để được giải đáp những thắc mắc.

Ước mơ của hai anh em là khoác trên mình màu xanh áo lính. Trường cho biết các em đã yêu hình ảnh anh bộ đội từ khi còn khá nhỏ.

Sự tảo tần hy sinh của ba mẹ, sự phấn đấu rèn luyện của hai em đã đem về trái ngọt.

Cuộc sống của hai anh em song sinh chắc chắn sẽ không còn vất vả, khốn khó như ba mẹ các em ngày nào.

Giờ thì nhiều người dân nơi đây sẽ nhìn thấy, để thay đổi cuộc sống nghèo khó, cơ cực không có con đường nào khác ngoài sự rèn luyện, sự cần mẫn trong học tập.

Phan Tuyết