Một đơn vị kiến thức mà học sinh phải học, phụ huynh phải trả tiền nhiều lần!

11/09/2019 06:33
NHẬT DUY
(GDVN) - Phụ huynh đóng tiền cho con học thêm để được nghe lại, làm sáng tỏ lại phần lớn “những điều đã rõ” thì uổng phí công sức vô cùng!

Dạy thêm, dạy tăng cường đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhà trường và một bộ phận thầy cô giáo ở nhiều trường phổ thông. Chính vì thế, ngoài việc học chính khóa thì nhà trường lên kế hoạch dạy tăng cường buổi 2, giáo viên dạy thêm cho học sinh ở nhà.

Trong khi, theo thiết kế bài học của sách giáo khoa thì mỗi tiết học được gói gọn trong 45 phút, chỉ có một số bài là thiết kế 90 phút nhưng nhiều học sinh được học đến 3 lần, thậm chí còn nhiều hơn.

Tất nhiên, phụ huynh sẽ phải trả tiền cho những buổi học tăng cường và học thêm ở nhà thầy cô với mức giá rất cao so với mức học phí chính khóa hiện nay.

Nhiều học sinh phổ thông vẫn tất bật với chuyện học thêm (Ảnh minh họa: vov.vn)
Nhiều học sinh phổ thông vẫn tất bật với chuyện học thêm (Ảnh minh họa: vov.vn)

Thực tế, học phí các trường phổ thông công lập hiện nay đang rất thấp so với mức phí học thêm ở trường và ở nhà thầy cô giáo. Cấp tiểu học nhà nước miễn học phí, cấp trung học cơ sở thì năm 2020 tới đây cũng sẽ được miễn.

Giá học phí hiện nay các địa phương đang thu ở cấp trung học cơ sở rơi vào khoảng 20- 120 ngàn đồng (tùy khu vực sinh sống), giá học phí cấp trung học phổ thông có nhích hơn 1 chút nhưng nhìn chung thì học phí không phải là quá cao.

Bởi thực tế chỉ có học sinh khu vực thành phố là đóng ở mức cao hơn, học sinh nông thôn, miền núi thì thường dao động khoảng trên dưới 50 ngàn đồng/ tháng. Nếu học sinh đi học chỉ học chính khóa và đóng học phí thì phụ huynh sẽ khỏe vô cùng.

Thế nhưng, học phí cho học chính khóa chỉ là một khoản rất nhỏ trong tổng số tiền mà phụ huynh phải chi trả hàng tháng cho con em mình. Việc học thêm hàng tháng của nhiều học sinh bây giờ được tính bằng tiền triệu cho một số môn học mà các em tham gia học thêm.

Điều mà mọi phụ huynh đều thấy được là khi thiết kế bài học thì đương nhiên người viết sách thường lường trước mọi việc, đã dạy thực nghiệm nhiều lần để tính toán thời gian cho một bài học.

Thực tế, nhiều bài học, giáo viên và học sinh đã giải quyết gọn gàng cả phần lý thuyết và bài tập trên lớp. Vậy nhưng, nhiều nhà trường đưa ra ý kiến dạy tăng cường buổi 2 đối với một số môn học được xem là môn chính.

Một đơn vị kiến thức mà học sinh phải học, phụ huynh phải trả tiền nhiều lần! ảnh 2Khi học trò trở thành nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm

Vẫn là những thầy cô dạy chính khóa đảm nhận lớp học này. Giáo viên sẽ dạy gì trong lớp dạy tăng cường ở buổi 2. Họ sẽ dạy lại những điều mà chính mình đã nói với các em trên lớp.

Điều trái khoáy nữa là dạy tăng cường vẫn chưa đủ nên một số giáo viên lại muốn dạy thêm cho học sinh ở nhà. Dạy ở nhà thì thường là giáo viên hướng dẫn học sinh soạn bài và dạy trước bài học.

Vô tình, những em không học thêm thì đương nhiên sẽ bị cô giáo gọi trả bài, phát biểu nhiều hơn. Những bài tập sẽ không “nhanh nhạy” như những học sinh học thêm ở nhà thầy cô.

Từ đó, cô thầy cho rằng học sinh đó học chưa tốt và có nhã ý với phụ huynh, với học sinh cần phải học thêm mới nắm được kiến thức bài học. Thế là học thêm, mà học thêm thì đương nhiên kết quả học tập…sẽ cao hơn.

Nhưng, trớ trêu ở chỗ là nhiều học sinh học thêm thì điểm kiểm tra, điểm tổng kết rất cao, đến khi kiểm tra tập trung hay thi vượt cấp lại thấp lè tè dưới mặt đất. Nhiều học sinh bị điểm liệt, thậm chí  là điểm 0 như chúng ta đã thấy trong kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương và kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu học sinh không học thêm thì không thể vào các lớp chọn, trường chuyên và đương nhiên cũng khó vào được các trường đại học danh tiếng.

Những ý kiến này cũng đúng nhưng lại cũng không đúng. Nếu chúng ta dẹp được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay trên cả nước sẽ có một sự cạnh tranh công bằng giữa các học sinh với nhau.

Học sinh chỉ cần học chính khóa và chỉ những em nào thực sự yếu kém thì nhà trường tổ chức phụ đạo thêm.

Chúng ta cũng thừa biết rằng việc cạnh tranh vào các trường trung học phổ thông hiện nay ở gần hết các địa phương không phải là quá lớn. Chỉ có một số trường ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số trường chuyên của các tỉnh là có tỉ lệ chọi cao.

Đa phần các trường còn lại lấy điểm rất thấp mà còn không có thí sinh. Nhiều trường lấy bình quân chưa đến 1 điểm/ môn như trong kỳ thi tuyển sinh 10 vừa qua đã nói lên điều này.

Một đơn vị kiến thức mà học sinh phải học, phụ huynh phải trả tiền nhiều lần! ảnh 3Học thêm càng nhiều, gánh nặng đè lên vai phụ huynh càng lớn

Việc xét tuyển vào đại học bây giờ cũng không còn gay gắt như hàng chục năm trước đây. Trong số 63 tỉnh thành hiện nay có mấy tỉnh không có trường đại học và cao đẳng đâu?

Nhiều tỉnh có nhiều trường đại học nên dẫn đến tình trạng một số trường đại học “đói” thí sinh khi xét tuyển đầu vào.

Nhiều trường phải “vơ bèo vạt tép” cho thấy việc thí sinh vào đại học bây giờ không có gì là quá khó khăn. Nhiều trường thì xét học bạ nên cửa vào đại học bây giờ cực rộng.

Vậy, học thêm nhiều để làm gì? Học sinh tiểu học không hề phải trải qua một kỳ thi nào.

Học sinh cấp trung học cơ sở chỉ trải qua 1 kỳ thi tuyển sinh 10 ở cuối lớp 9 nên việc nhà trường và giáo viên mở lớp dạy thêm cho học sinh dù có ngụy biện như thế nào đi chăng nữa thì lý do chính đáng nhất vẫn là đem lại nguồn thu cho nhà trường và giáo viên mà thôi.

Vì thế, nếu có dạy thêm, học thêm chỉ cần tổ chức vào học kỳ II của lớp 9 và lớp 12 là đủ. Xét đến cùng thì cũng chừng ấy chỉ tiêu đã được cấp trên phê duyệt, ấn định. Vậy nên điểm cao, điểm thấp thì số lượng lấy đầu vào các trường cũng chỉ có vậy thôi.

Ban giám hiệu, thầy cô giáo đừng ép, đừng nêu ra quá nhiều lý do để mở lớp dạy thêm ở trường, ở nhà khi cảm thấy không cần thiết. Cùng một đơn vị kiến thức mà dạy đi, dạy lại thì thầy cô sẽ tự giẫm lên những bước chân của chính mình.

Học trò thì cũng chừng ấy kiến thức, chừng ấy bài tập nên nghe nhiều lần cũng nhàm chán lắm mà xem thường việc học. Phụ huynh thì phải đóng tiền cho con học thêm để được nghe lại, làm sáng tỏ lại phần lớn “những điều đã rõ” thì uổng phí công sức vô cùng!

NHẬT DUY