Mong lắm dự thảo chính sách tiền lương mới, xóa bỏ bất cập chia hạng giáo viên

01/06/2021 06:36
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do lương mới bãi bỏ lương cơ sở, cũng không còn hệ số lương nên cách tính sẽ hoàn toàn khác so với hiện nay.

Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương đã có Nghị quyết 27/NQ-TW về cải cách chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2021).

Như vậy, theo đúng lộ trình của Nghị quyết 27, lương cơ sở (hiện nay là 1,49 triệu đồng/ tháng) sẽ bị bãi bỏ từ năm 2021 nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, điều kiện kinh tế nhiều thử thách, nên việc thực hiện lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27 thời điểm này đã được lùi lại đến ngày 01/7/2022.

Trong khi đó, lương cơ sở là một trong những căn cứ để tính mức hưởng lương, thưởng và nhiều loại trợ cấp cho người lao động.

Nếu bỏ lương cơ sở, các khoản lương, thưởng và trợ cấp của người lao động sẽ bị thay đổi.

Giáo viên rất mong chờ dự thảo lương mới. (Ảnh minh họa: CTV)

Giáo viên rất mong chờ dự thảo lương mới. (Ảnh minh họa: CTV)

Từ 01/7/2022, sẽ trả lương theo vị trí việc làm

Theo tinh thần Nghị quyết 27, nếu không có gì thay đổi thì việc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, lương được trả theo mức độ phức tạp của nghề nghiệp, vị trí việc làm.

Đây là một thay đổi hoàn toàn mới so với việc trả lương hiện nay, sẽ có những bảng lương cụ thể, rõ ràng trong thời gian tới theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Việc trả lương hiện nay là hệ số lương x lương cơ sở cộng với các khoản phụ cấp (nếu có).

Do lương mới đã bãi bỏ lương cơ sở, cũng không còn hệ số lương nên cách tính sẽ hoàn toàn khác so với hiện nay.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong đó có giáo viên thì dự kiến sẽ có 2 bảng lương dành cho lãnh đạo (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng,…) và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ (giáo viên).

Việc trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc sẽ xóa bỏ những bất cập lương hiện nay như: người lớn tuổi sẽ hưởng lương cao (do hệ số lương cao, phụ cấp ưu đãi, thâm niên theo lương,…), nhiều trường hợp lãnh đạo có lương thấp hơn nhân viên, phụ cấp của giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục thấp hơn hiệu trưởng,…

Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì hiện nay chưa có quy định cụ thể, cũng chưa có được hình dung cơ bản về lương mới sẽ như thế nào?

Giáo viên rất mong chờ Dự thảo lương mới từ 01/7/2022

Sắp tới từ 01/7/2022, lương sẽ được trả mới hoàn toàn nhưng hiện nay thông tin quy định hay dự thảo về lương mới người lao động, cán bộ công chức, viên chức đều chưa có thông tin gì.

Đối với giáo viên hiện nay được trả lương theo hạng chức danh nghề nghiệp theo các Thông tư 21, 22, 23, 24/ 2015 và đang thực hiện việc trả lương cũng theo hạng chức danh nghề nghiệp nhưng theo các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên việc trả lương chia hạng “đạo đức”, chia hạng giáo viên bộc lộ quá nhiều bất cập, không khắc phục được hạn chế của việc trả lương hiện nay.

Đến nay, cũng chưa thể bổ nhiệm lương giáo viên theo lương mới, các hướng dẫn cụ thể về xếp lương cũng chưa được ban hành, những bất cập về thăng hạng, giáng hạng,… cũng chưa được giải quyết.

Giáo viên hạng I, II không có bằng chứng nào chứng tỏ họ làm việc hiệu quả hơn giáo viên hạng III.

Nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng từ 2012 đến nay không được thăng hạng nay lại phải xếp lương ở hạng thấp, đợi 9 năm sau mới được thăng hạng là quá bất công.

Bên cạnh đó còn những hạn chế đã được phân tích trong những bài viết trước đây.

Do đó, trả lương mới theo Nghị quyết 27/NQ-TW theo vị trí, việc làm, hiệu quả là rất cần thiết, nhất là đối với giáo viên.

Nên mọi người trong đó có lực lượng giáo viên đều rất mong muốn được biết lương mới sẽ được trả như thế nào (dự thảo lương mới từ 01/7/2022).

Hiện nay việc trả lương mới từ 01/7/2022 đã cũng gần kề, nên có Dự thảo các bảng lương mới để các cấp các ngành, chuyên gia, người lao động biết và đóng góp ý kiến.

Thật ra nếu đúng lộ trình thì lương mới đã được thực hiện từ 01/7/2021, nên tôi tin Chính phủ và các ban ngành đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về việc trả lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2022.

Nên đến thời điểm này, Bộ Tài chính nên phối hợp các ban ngành nên công khai dự thảo lương mới cho toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến.

Tình hình kinh tế còn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nên người dân quan tâm không phải là lương cao hay thấp, tăng như thế nào mà là lương mới phải phù hợp, đã gọi là cải cách thì phải xóa bỏ bất công, bất hợp lý.

Ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Thủ tướng cho rằng, “đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải là điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa” [1]

Như đã trình bày ở trên, đợt cải cách lần này là vô cùng quan trọng, vừa đảm bảo lương theo vị trí việc làm (ở vị trí cao hơn thì được hưởng lương cao hơn), hiệu quả công việc (làm việc chất lượng cao được trả lương cao), xóa bỏ những tồn tại, bất cập của lương hiện hưởng, đối với giáo viên cũng xóa bỏ việc trả lương theo hạng gây bức xúc cho giáo viên nên hy vọng lương mới phải đảm bảo công bằng xã hội.

Cũng từ 01/7/2022 sẽ chính thức bỏ phụ cấp thâm niên nhà giáo, nên giáo viên rất mong chờ được biết lương mới sẽ được chi trả như thế nào để đảm bảo vừa công bằng, vừa hợp lý vừa không thấp hơn lương hiện nay.

Một lần nữa mọi người ai cũng rất mong được biết dự thảo lương mới từ 01/7/2022 để góp ý để bảng lương mới hoàn thiện, công bằng khi đi vào thực hiện, xóa bỏ bất công, bất cập của việc trả lương hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.moha.gov.vn/tin-noi-bat/thu-tuong-cai-cach-tien-luong-khong-phai-la-dieu-chinh-doi-chut-42926.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM