Mỗi lời nói của thầy cô có thể là linh đan, cũng có thể trở thành liều thuốc độc

11/06/2021 06:40
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong một tiết học, cô giáo đến bên Ng., ra hiệu Ng. đứng lên, ngắm nghía rồi nói “Mặt gì mà bị mụn ... nhìn phát gớm, vậy mà còn đặt tên là ... Ng.”.

Người viết từng được phụ huynh nhờ đến nhà vận động giúp con họ đi học. Nhà anh D. (đề nghị không nêu tên) vốn hiếm, chỉ được một đứa con, đặt tên cháu là Ng.

Ng. ngoan, chịu khó học, thi đỗ vào trường trung học phổ thông thuộc trường tốp đầu của huyện nhà, cả nhà anh D. rất phấn khởi, tự hào với bà con lối xóm. Niềm vui ngắn chẳng tày gang, học được hơn 1 tuần Ng. nằng nặc đòi bố mẹ nghỉ học.

Nhận lời anh D., người viết hỏi thăm bạn bè học cùng lớp 10 và bạn cũ của Ng. nguyên nhân tại sao Ng. lại đòi nghỉ học để có phương án giúp gia đình.

Khi biết nguyên nhân, bản thân người viết cũng không tin đó là sự thật, đúng là lời thầy cô có thể đưa học sinh vào cõi mộng mơ, lời thầy cô cũng chẳng thua thuốc độc.

Trong một tiết học, cô giáo đến bên Ng., ra hiệu Ng. đứng lên, ngắm nghía rồi nói “Mặt gì mà bị mụn ... nhìn phát gớm, vậy mà còn đặt tên là ... Ng.”.

Ng. bị mụn bọc trên mặt từ lớp 9, gia đình đã chạy chữa rất nhiều nơi, nhưng không hề thuyên giảm, không muốn nói là ngày càng nặng thêm. Từ ngày bị mụn, Ng. vô cùng tự ti, mặc cảm, mất hẳn tự tin vốn có của mình, có thời gian em trốn học, không đến trường.

Được thầy cô giải thích, động viên, Ng. lấy lại bình tĩnh, học lại bình thường hết cấp 2 với chứng nhận loại Giỏi. Thế nhưng, sau “liều thuốc độc” của cô giáo rót vào mình trong tiết học, Ng. không chịu nổi, đã quyết định bỏ học.

(Ảnh minh hoạ: thptvanhien.edu.vn)

(Ảnh minh hoạ: thptvanhien.edu.vn)

Không ít giáo viên cứ “vô tư” xúc phạm đồng nghiệp và học trò

Mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết “Cô giáo Bình Thuận trầm cảm nhập viện vì tin nhắn "dập cho chết" của đồng nghiệp” của tác giả Trần Phương, bài báo đã khiến nhiều người bất bình về hành vi ứng xử của một số giáo viên ở tổ Ngữ Văn - Giáo dục công dân trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ (Thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận).[1]

Bạn đọc có tên KHIÊM bình luận “Tôi thấy buồn trong ngành giáo dục có những cô giáo như vậy, mà là giáo viên dạy văn nữa chứ (lời hay ý đẹp đâu rồi vậy 2 cô) chà đạp đồng nghiệp, dùng từ ngữ thiếu văn hóa trong ứng xử.

Thiết nghĩ nếu vẫn để 2 cô giáo kia vẫn đến lớp đào tạo ra một thế hệ... thì như thế nào. Khi đi học tôi còn nhớ như in lời nói của 1 Người Thầy "Nếu các em là một công nhân nếu sản xuất ra một đôi giày bị lỗi thì bỏ đôi giày vào trong thùng rác,... còn một người thầy dạy sai thì hỏng cả 1 thế hệ, chẳng lẽ bỏ..”.

Mới đây nhất, dư luận lại hết sức bất bình trước hành vi của một giáo viên dạy Ngữ văn khác từng dạy hợp đồng ở trường Trường Trung học cơ sở Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội), lập group chat với những học sinh.

Trong group chat đã có những lời châm biếm ngoại hình của nữ sinh có tên H.L như: "béo như ***", "như khúc giò", "cảm thấy thương cái ghế vì mông cô bạn quá to"...[2]

Không chỉ bậc trung học, ngay cả Đại học, giảng viên bị đồng nghiệp khủng bố bằng cách nhắn tin không phải không có. [3]

Những vụ việc mà dư luận “điểm danh, chỉ mặt” như trên chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trong thực tế, không ít giáo viên đã, đang “vô tư’ xúc phạm đồng nghiệp và học trò bằng những câu, từ rất không có ... văn hóa.

Đã đến lúc xử phạt giáo viên xúc phạm đồng nghiệp, học trò làm gương

Khoản 2 Điều 27. Nhiệm vụ của giáo viên Thông tư số: 32/2020/TT-BGDĐT ghi rõ:

“2. Trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh; thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp”.

Điểm d Khoản 1 Điều 29. Quyền của giáo viên, nhân viên 1. Giáo viên, nhân viên có những quyền sau đây: Được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể.

Khoản 2 Điều 35. Quyền của học sinh: Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này. [4]

Học sinh và giáo viên được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và thân thể. Giáo viên nói, nhắn tin với nội dung không tôn trọng học sinh, đồng nghiệp là vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật.

Đã đến lúc cần xử lý, xử phạt giáo viên xúc phạm đồng nghiệp, học trò để giáo dục, răn đe những giáo viên khác.

Việc xử phạt minh bạch giáo viên xúc phạm đồng nghiệp, học trò sẽ làm cho giáo viên không dám, không muốn vi phạm, xúc phạm đồng nghiệp, học trò.

Dân gian có câu “lời nói, đọi máu”. Những lởi nói vô tình của thầy cô có thể tước đoạt mạng sống, ước mơ, niềm hy vọng, tương lai cả cuộc đời của học trò và đồng nghiệp.

Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục phát huy năng lực, phẩm chất cho người học, vì thế, mỗi lời nói, câu viết của thầy cô với học sinh và đồng nghiệp phải được cân nhắc.

Là giáo viên không thể nói, viết vô tội vạ, thiếu văn hóa. Lời thầy cô chẳng thua thuốc độc, vì thế xin hãy cân nhắc khi nói, viết, nói với học trò, đồng nghiệp.

“Cái miệng nó xinh thế, chỉ nói lời hay thôi”, không chỉ đúng với học trò mà giáo viên chúng ta cũng cần ghi nhớ. Nói lời hay giúp học trò, giúp đồng nghiệp hạnh phúc, nhưng cũng là giúp chính mình hạnh phúc, góp phần phát huy năng lực, phẩm chất cho học trò.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-binh-thuan-tram-cam-nhap-vien-vi-tin-nhan-dap-cho-chet-cua-dong-nghiep-post218100.gd

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/on-ao-thong-tin-co-giao-van-lap-group-che-nu-sinh-nguc-nhu-bat-oto-2021060918172149.htm

[3] https://thanhnien.vn/doi-song/nhan-tin-khung-bo-dong-nghiep-200419.html

[4] Thông tư Số: 32/2020/TT-BGDĐT.

Sơn Quang Huyến