Móc cống cũng cần chuyên nghiệp, thế hệ "ba con 9" bao giờ trở lại?

13/06/2015 08:16
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, chính sách miễn giảm học phí Sư phạm đã hết tác dụng. Bộ Giáo dục đã từng đề nghị cách làm mới, nhưng Quốc hội không đồng ý.

Trước lo lắng của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Chung về chất lượng đầu vào ngành Sư phạm ngày càng thấp, gây ra ảnh hưởng chung tới chất lượng giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, khoảng 15 năm trước đây bằng chính sách miễn giảm học phí, các trường Sư phạm đã thu hút được những thế hệ học sinh rất ưu tú. Trong ngành gọi là thế hệ ba con 9 (3 x 9 = 27 điểm) thì mới vào được trường Sư phạm.

Sau này do kinh tế phát triển, thu nhập của người dân tăng lên, chính sách miễn giảm học phí đó không đủ sức thu hút nữa.

Ông Luận cho hay: “Chúng tôi cũng đã có lần đề xuất với Quốc hội là không thay đổi chính sách miễn giảm học phí các trường Sư phạm bằng cách cho các cháu vay, rồi lúc nào các cháu vào làm việc trong ngành sư phạm thì xóa nợ ấy. Còn các cháu học Sư phạm nhưng làm ngành khác thì không được. Nhưng lúc đó Quốc hội thảo luận và quyết định tiếp tục duy trì đóng học phí”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục đề nghị Quốc hội quan tâm tới ngành Sư phạm. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp tục đề nghị Quốc hội quan tâm tới ngành Sư phạm. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Tại nghị trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói thẳng, chính sách của chúng ta miễn giảm học phí Sư phạm đã hết tác dụng. Lúc này cộng với chính sách cho vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ, các loại học bổng khác… các cháu có điều kiện tính toán lựa chọn nhiều hơn chứ.

“Vị trí việc làm, thu nhập, tương lai sau khi tốt nghiệp mới mang tính quyết định sự lựa chọn của các cháu. Chúng tôi xin đặt lại vấn đề này để Quốc hội xem xét”, Bộ trưởng Luận kiến nghị.

Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị với Quốc hội quan tâm, hỗ trợ triển khai quyết định chiến lược theo Nghị quyết 29 của Trung ương và chế độ tiền lương ưu đãi ở bậc cao nhất với cán bộ giáo viên ngành sư phạm.

“Chúng tôi nghĩ rằng nếu được quan tâm như thế thì sẽ có thêm sức hút vào các trường sư phạm”, ông Luận bày tỏ.

Câu chuyện tuyển chọn người tài cho ngành Sư phạm là vấn đề vô cùng bức thiết của xã hội trong gần 10 năm trở lại đây, khi mà chất lượng đầu vào của ngành này ngày càng thấp.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại là một người đã gắn bó cả cuộc đời với ngành Sư phạm đã phải thốt lên rằng: “Trong thế kỷ 21 này, ngành nào cũng có biến đổi và biến đổi nhanh chóng, nhưng có một ngành mãi vẫn lạc hậu và không thay đổi gì hết, đó là sư phạm”.

Nếu đặt ra câu hỏi: Trước quá nhiều chuyện xấu xí của nền giáo dục, chúng ta phải chọn vấn đề gì cần phải làm trước để mở đường cho một cuộc cải cách?

Hẳn bất cứ ai có hiểu biết về giáo dục đề sẽ trả lời: Cái lõi của sự đổi mới, không gì hơn được, đó chính là người thầy. Nếu người thầy năng lực không tốt, không mẫn cán mà nói vui là không chịu được áp lực "lái tàu cao tốc" thì hệ lụy là sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh.

Giáo sư Đại chia sẻ: "Đi đến đâu tôi cũng kể lại câu chuyện ông bố Kennedy mở lớp dạy cho trẻ con và nói rằng, dòng họ Kennedy sẽ làm tổng thống nước Mỹ. Nếu không làm Tổng thống nước Mỹ mà làm bất cứ nghề gì, kể cả đó là nghề móc cống thì cũng là người móc cống giỏi nhất nước Mỹ. Điều đó có nghĩa là xã hội đòi hỏi sự chuyên nghiệp hóa, nhưng chúng ta hiện nay không có tính chuyên nghiệp gì cả.

Khi nghiên cứu về tâm lý học, tôi thấy rất tự ái về nghề, vì rằng ai cũng làm giáo viên được cả, kể cả thất cơ lỡ vận có chữ là dạy được. Do đó, tôi muốn biến cái nghiệp vụ sư phạm thành công việc chỉ có thầy giáo mới làm được, ngoài ra không ai làm được".

Nhiều năm nay ngành Sư phạm không còn thu hút được những thí sinh tài năng. ảnh minh họa, Giáo dục Việt Nam.
Nhiều năm nay ngành Sư phạm không còn thu hút được những thí sinh tài năng. ảnh minh họa, Giáo dục Việt Nam.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra giải pháp thu hút nhân tài cho ngành Sư phạm:

“Trước hết, cần đổi mới ở khâu tuyển sinh. Lâu nay, biện pháp miễn học phí cho sinh viên, học viên sư phạm đã tỏ ra hết hiệu lực, không hấp dẫn được học sinh giỏi như trước nữa; bởi vì được miễn vài triệu đồng học phí, lúc ra trường phải chạy hàng trăm triệu đồng mới có một chỗ dạy học thì thầy cô lương ba cọc ba đồng lấy tiền đâu để bù vào khoản tiêu cực phí ấy?

Chi bằng họ chọn nghề khác, tuy lúc ra trường vẫn phải chạy việc nhưng khả năng kiếm thêm, bù lại vẫn nhiều hơn. Để hấp dẫn người giỏi vào ngành sư phạm, theo tôi, Nhà nước cần xác định được tương đối chính xác nhu cầu giáo viên để không đào tạo tràn lan và đảm bảo công ăn việc làm cho giáo sinh lúc ra trường. Xác định điều này hoàn toàn không khó khi đã có số liệu về trường, lớp, môn học, số trẻ sinh ra mỗi năm

Sau khâu tuyển sinh là phương thức đào tạo. Công tác đào tạo ở các trường sư phạm phải gắn với đơn vị sử dụng lao động. Giáo sinh chỉ nên dành tối đa 60% thời gian học ở trường sư phạm, còn 40% thời gian học ở trường phổ thông. Có như vậy thì đào tạo mới gắn liền với thực tế, giáo viên mới giỏi được”.

Ngọc Quang