Mở trường quốc tế dạy học sinh Việt Nam, đặc quyền chỉ dành cho nhà đầu tư ngoại

06/09/2019 13:37
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính phủ kêu gọi huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục, liệu các nhà đầu tư Việt Nam có được tham gia thị trường giáo dục quốc tế?

Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2006 và được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11/1/2007. Báo Nhân Dân ngày 17/9/2010 có bài viết "Giáo dục Việt Nam bước vào hội nhập" [1], bài báo cho biết:

Đã chủ trương hội nhập, vì sao Bộ Giáo dục chưa thừa nhận trường quốc tế?
Đã chủ trương hội nhập, vì sao Bộ Giáo dục chưa thừa nhận trường quốc tế?

Phải thừa nhận thị trường giáo dục! Đó là nhìn nhận của nhiều đại biểu trong và ngoài nước tại diễn đàn quốc tế về giáo dục Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 11, 12/12/2010 với chủ đề “Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục đại học Việt Nam”.

Năm 2013, Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Nghị quyết xác định 1 trong 7 quan điểm chỉ đạo là:

Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường giáo dục Việt Nam đang bùng nổ [2]. 

Nhu cầu học chương trình quốc tế và thị trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam ngày một lớn

Xin được lưu ý rằng, cho đến nay Nhà nước chưa chính thức thừa nhận mô hình / loại hình hoặc quy định về danh xưng "trường quốc tế", nhưng nhu cầu cho con em học chương trình quốc tế và được cấp bằng quốc tế của người Việt Nam là có thật và ngày càng tăng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tới thăm mô hình Trường Quốc tế Học viện Anh quốc do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tới thăm mô hình Trường Quốc tế Học viện Anh quốc do Tập đoàn Nguyễn Hoàng đầu tư tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại.

Theo tác giả Nguyễn Việt Hùng / Báo Trí Thức Trẻ ngày 6/8/2018, trong bản báo cáo "Học tập cho tương lai" của tập đoàn tài chính HSBC hai năm vừa qua, hơn 110.000 du học sinh Việt Nam có mặt tại 47 quốc gia trên thế giới, trong đó trên 90% du học sinh là tự túc với mức học phí từ 30.000 đến 40.000 USD mỗi năm. 

Như vậy, ước tính người Việt Nam mỗi năm chi hơn 3 tỷ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế [3]. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng đã từng đề cập đến hiện thực này trước Quốc hội [4].

Khoảng 20.000 học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường quốc tế ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. 2018 được dự báo là năm bùng nổ các hệ thống trường quốc tế mới tại Việt Nam sau khi nghị định mới nhất đã "mở rộng" cửa cho các trường quốc tế trong việc thu hút học sinh.

Nếu hiểu "trường quốc tế" tại Việt Nam là các cơ sở giáo dục được phép giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam thì có thể tìm thấy các quy định về quản lý nhà nước tại Nghị định số 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 và mới được thay thế bằng Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018.

Tác giả Thu Thảo / Báo Tuổi trẻ ngày 21/7/2017 có bài Vì sao các trường quốc tế ngày càng hấp dẫn?, cho biết, tính đến hết năm 2016, có 309 dự án đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 767 triệu USD. Trong đó, đầu tư trường giảng dạy chương trình quốc tế vẫn đang là xu hướng.

Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này
Muốn huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục, cần dẹp bỏ các mô hình này

Phổ biến nhất hiện nay là chương trình IB (của Tổ chức Tú Tài Quốc tế - International Baccalaureate Organization) với đầu ra là chứng chỉ IB và chương trình Cambridge (của Hội đồng Khảo thí Quốc tế Đại học Cambridge - CIE) với đầu ra là các chứng chỉ IGCSE và A-Level đều có giá trị toàn cầu vĩnh viễn. [5]

Mở trường quốc tế là đặc quyền của nhà đầu tư nước ngoài?

Chúng tôi đã phân tích các cơ sở giáo dục nào tại Việt Nam được giảng dạy chương trình quốc tế (nước ngoài), cấp bằng quốc tế (nước ngoài) theo quy định trong 2 văn bản này trong bài viết, Đã chủ trương hội nhập, vì sao Bộ Giáo dục chưa thừa nhận trường quốc tế?

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài" mới được thành lập "trường quốc tế" tại Việt Nam, tuyển sinh học sinh người Việt Nam nếu hiểu theo nghĩa được phép giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế.

Theo Khoản 7, Điều 2, Chương 1, Nghị định 73/2012/NĐ-CP, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài, cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Khoản 1, Điều 2, Chương 1, Nghị định 86/2018/NĐ-CP, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy có thể thấy, theo quy định hiện hành tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP, muốn mở trường quốc tế (dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài cho học sinh người Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam), phải là các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư Việt Nam không có phần. Muốn tham gia thị trường cung cấp dịch vụ giáo dục quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước, các nhà đầu tư trong nước phải chăng buộc phải lách luật hoặc núp bóng các nhà đầu tư nước ngoài?

Ngày 17/4/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ông Gareth Ward cho biết, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư Anh mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, như mở trường quốc tế từ bậc từ mầm non đến phổ thông. Ảnh: moet.gov.vn.
Ngày 17/4/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ông Gareth Ward cho biết, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư Anh mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, như mở trường quốc tế từ bậc từ mầm non đến phổ thông. Ảnh: moet.gov.vn.

Trong khi đó, ngày 4/6/2019, Chính phủ ra Nghị quyết số 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025.

Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một trong những giải pháp cơ bản của năm học mới là Bộ sẽ triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP nói trên;

Bộ Giáo dục xác định giải pháp huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho giáo dục, liệu các nhà đầu tư Việt Nam có được tham gia thị trường cung ứng dịch vụ giáo dục quốc tế cho học sinh Việt Nam, hay đây vẫn là đặc quyền của các nhà đầu tư quốc tế?

Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích những bất cập trong việc quản lý nhà nước với các "trường quốc tế" hiện nay, đồng thời nêu ra một số khuyến nghị chính sách nhằm góp phần cung cấp giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 nói riêng, chủ trương hội nhập quốc tế về giáo dục theo Nghị quyết số 29-NT/TW nói chung.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/12782002-.html

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tang-ty-le-hoc-sinh-vn-tai-truong-quoc-te-len-gan-50-456914.html

[3]http://ttvn.vn/kinh-doanh/sap-bung-no-cac-he-thong-truong-quoc-te-moi-tai-viet-nam-sau-quy-dinh-mo-rong-cua-cho-cac-truong-quoc-te-trong-viec-thu-hut-hoc-sinh-nguoi-viet-5201868104051368.htm

[4]https://baodautu.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-moi-nam-nguoi-viet-bo-ra-3-4-ty-usd-de-du-hoc-nuoc-ngoai-d82812.html

[5]https://tuoitre.vn/vi-sao-cac-truong-quoc-te-ngay-cang-hap-dan-1356022.htm

Hồng Thủy