Mô hình Đại học Quốc gia hiện đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm

11/07/2021 06:36
Phó giáo sư Lưu Tiến Hiệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu phát triển thành một Đại học Quốc gia đúng nghĩa, phải tập trung nhiều vào nghiên cứu, đào tạo sau đại học, nhất là mang tính chất liên ngành.

LTS: Bỏ qua giai đoạn Nho Giáo với Quốc Tử Giám, mô hình đại học đa lãnh vực ở Việt Nam trải qua gần 100 năm lịch sử không suôn sẻ nếu không muốn nói rất truân chuyên.

Đọc loạt bài về mô hình đại học quốc gia ở Việt Nam trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hôm nay, Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp có gửi tới tòa soạn quan điểm của ông về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp.

Mô hình đại học dưới ảnh hưởng của Pháp

Trường đa lãnh vực đầu tiên ra đời năm 1917 là Trường Cao đẳng Đông Dương gồm 7 ngành. Sau đó được đổi tên thành Viện Đại học hỗn hợp Việt-Pháp, rồi Viện Đại học Hà Nội, rồi Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, và cuối cùng đổi tên là Viện Đại học Saigon khi Viện Đại học Huế được thành lập (1957).

Viện Đại học Saigon gồm các Trường Đại học Luật khoa, Trường Đại học Y khoa, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Văn khoa, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Dươc khoa, Trường Đại học Nha khoa và Trường Cao đẳng Kiến trúc.

Trường Đại học Kỹ thuật, Trường Đại học Nông Lâm Súc, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật không thuộc Viện Đại học này, mà đứng độc lập.

Tuy gọi các đơn vị thành viên là Trường Đại học, nhưng danh xưng sử dụng là Khoa (Faculté) và các khái niệm Hội đồng Khoa, Trưởng Khoa vẫn dùng trong văn bản tiếng Việt, Pháp, Anh. Như vậy Viện Đại học Saigon là một cơ cấu tích hợp gồm 3 cấp: Viện + Khoa + Bộ môn [1] theo cơ cấu tổ chức và đào tạo hoàn toàn theo mô hình Pháp..

Mô hình đại học dưới ảnh hưởng của Liên Xô

Ở Miền Bắc sau năm 1954 khi ảnh hưởng của mô hình đại học Pháp được dần thay thế bằng mô hình đại học Liên Xô với sự ra đời của các trường đại học đơn lãnh vực như Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, Trường Đại học Sư phạm…

Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp (ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư Lưu Tiến Hiệp (ảnh: NVCC)

Ở Miền Nam sau 1975 mô hình này cũng dần thay thế mô hình Viện Đại học. Tuy nhiên có mô hình Đại học Tổng hợp chỉ bao gồm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Xã hội nhân văn.

Trường đại học đơn lãnh vực đáp ứng tốt nhu cầu của một nền kinh tế có kế hoạch. Sinh viên học ngành gì, khi tốt nghiệp làm việc ở đâu đều được quy hoạch nên sinh viên đâu cần thay đổi ngành học, đâu cần học liên ngành, tốt nghiệp được trường bố trí việc làm. Khi đó các ngành học càng ngày càng có chuyên môn hẹp, nếu được làm việc vào đúng ngành hẹp đó thì rất phù hợp nhưng sinh viên ra khỏi ngành hẹp đó rất khó bươn chải, thậm chí trở thành thất nghiệp.

Mô hình đại học theo mô hình của Mỹ

Ở Miền Nam trước năm 1975 do ảnh hưởng của Mỹ, một Viện Đại học công lập thứ hai được quy hoạch ở Saigon lấy tên là Viện Đại học Bách Khoa Thủ Đức.

Viện Đại học này được thiết lập theo mô hình của Mỹ, cụ thể là California State Polytechnic University, nhằm đào tạo đa lãnh vực mang tính chất thực hành. Viện này sẽ sáp nhập những Trường Đại học không thuộc Viện Đại học Saigon như Trường Đại học Kỹ thuật, Trường Đại học Nông nghiệp, Trường Đại học Giáo dục (Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức), mở thêm Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Kinh - Thương, Trường Đại học Thiết kế Thị - Thôn, Trường Đại học Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Cao cấp (College of Graduate Studies).

Tuy tên là Bách Khoa nhưng nội hàm của Bách Khoa này khác hẳn Trường Đại học Bách Khoa bây giờ. Cấu trúc của Viện là một thể thống nhất, các trường thành viên chỉ là một Khoa (College Mỹ tương đương Faculty Anh) mà không phải là một trường đại học độc lập.

Khuôn viên của Viện Đại học này chính là khuôn viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bây giờ. Tuy nhiên Viện này giải thể sau 1975. Nếu Viện Đại học này thành lập, đây sẽ là mô hình đại học đa ngành, đa lãnh vực của một University [4].

Mô hình Đại học Quốc gia tại Việt Nam

Lịch sử hình thành hai trường Đại học Quốc gia sau 1975 đã được trình bày ở nhiều bài báo [2], [3], [5], từ đó đến nay đã có nhiều bài góp ý về sự chậm phát triển của mô hình này. Mô hình này đã đi trật hướng của mô hình University mà những nhà thiết kế ban đầu mong đợi [3] nên qua thời gian, những nhược điểm càng bộc lộ.

Ngoài những điều kiện ban đầu không phù hợp của các trường đơn ngành thành viên khi các trường này tập hợp lại thành hai Đại học Quốc gia, tôi còn có thể kể ra đây 2 yếu tố mà theo tôi cũng là hai điều kiện quan trọng đã không hiện hữu khi Đại học Quốc gia ra đời.

Tôi còn nhớ sau 1975 tôi có dịp tiếp xúc với nhiều thầy cô từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào dạy ở Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nhiều lần muốn trao đổi với các thầy từ miền Bắc về mô hình University của các nước Anglo-Saxon. Nhưng đều thất bại vì các thầy nghĩ làm gì có chuyện một trường Đại học Bách khoa lại có chung một Hiệu trưởng với Trường Đại học Y, Trường Đại học Luật.

Tôi có thể võ đoán khi suy rộng ra các giảng viên ở các trường khác, lúc đó phần lớn từ các trường Miền Bắc, chắc cũng có chung tâm trạng như vậy. Các thầy cô đã quá quen thuộc hàng chục năm với mô hình đơn lãnh vực, mô hình này đâu có vấn đề gì lớn và lại được các nước xã hội chủ nghĩa áp dụng. Cái gì tốt sao lại phải thay đổi, tạo nên ức chế tâm lý, dẫn đến không toàn tâm toàn ý với mô hình mới. Đấy là chưa nói đến các cấp lãnh đạo nay bị mất quyền lực [3].

Một yếu tố tưởng ít quan trọng nhưng lại rất cần thiết để tạo lực kết nối các trường đại học thành viên là Đại học quốc gia là không có một khuôn viên chung như các University trên thế giới. Ví dụ Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thì các trường thành viên vẫn rải rác khắp thành phố, sau này có khuôn viên lớn ở Thủ Đức nhưng vẫn còn những trường lưu lạc ở địa điểm cũ và không biết bao giờ mới tập trung tất cả lên Thủ Đức. Một không gian tách rời khó tạo nên lực kết nối.

Sự phát triển của Đại học Quốc gia

Thời gian trôi qua, sinh viên và tập thể sư phạm tăng nhanh. Các giảng viên và nhà quản lý đại học đã bước sang thế hệ thứ hai, thứ ba. Phần lớn đã tiếp cận với các nền đại học khác nhau trên thế giới trong đó ở các nước phát triển nơi mô hình University đang áp dụng.

Tuy nhiên rất nhiều các thầy cô đã qua 3-4 năm học tiến sĩ ở các đại học này, nhưng theo suy nghĩ của tôi trong suốt thời gian học này họ đều rất bận rộn với việc chuẩn bị luận văn, không có hay ít có thời gian quan sát cách vận hành của một University hoàn chỉnh như thế nào, học xong là hồi hương. Những nhà quản lý khi đi tham quan các University trong một thời gian ngắn, e rằng cũng không có nhiều thời gian để xem một Unversity vận hành. Muốn thấm nhuần những lợi ích của một Unversity đúng nghĩa chắc cũng cần khoảng 6-7 năm. Dĩ nhiên những nhận xét này không hẳn là những yếu tố quyết định.

Tôi còn nhớ lại khi Đại học Bách khoa Thủ Đức ở giai đoạn hình thành (trước 1974) tất cả lãnh đạo điều hành của Viện Đại học mới này là những người Việt tốt nghiệp Tiến sĩ Quản trị Đại học (không phải từ những những người thuần túy chuyên môn học thuật) từ các đại học Mỹ.

Thử đề nghị một giải pháp cho Đại học Quốc gia

Đại học Quốc gia đã đi qua những chặng đường dài, thành tích cũng nhiều nhưng theo quan điểm của nhiều chuyên gia thì đều có chung nhận xét là các đại học này đáng lẽ còn phát triển hơn nhiều tương ứng với sự phát triển kinh tế, làm đầu tàu cho một mô hình đại học tiên tiến. Nhưng tôi có suy nghĩ mô hình hiện nay đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm.

Mô hình Đại học Quốc gia hiện đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm (Ảnh website nhà trường)

Mô hình Đại học Quốc gia hiện đang là một chiếc áo chật, khó mà phát triển thêm (Ảnh website nhà trường)

Hiện nay thành viên của Đại học Quốc gia đang phát triển thành các đại học độc lập. Mô hình ban đầu các đại học thành viên là những Khoa (theo danh pháp Anh, Mỹ, Pháp). Ngày nay Đại học Quốc gia tự cho mình là “Hệ thống các trường đại học” vì mỗi trường thành viên là một trường đại học.

Càng để lâu mỗi trường này phát triển quy mô và học thuật đến lúc tính tự chủ cộng với quán tính của mỗi trường trở thành một lực cản cho bất kỳ cố gắng hợp nhất thành University. Sự hợp nhất bây giờ, nếu làm được, thuận lợi hơn nhiều về mặt tâm lý. Thành phần quản lý và tập thể giảng viên nay đã quen với mô hình University, nên dễ chấp nhận mô hình hiệu quả này.

Đơn cử, quy mô sinh viên (đại học và sau đại học) của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là trên 60.000. Con số này không phải là lớn, nhưng tối ưu để hình thành một University.

Úc có 43 University, quy mô của nó dao động từ 35.000 đến 60.000 theo mô hình 4 cấp quản lý: University + Faculty + School + Department. Do đó với một quyết tâm muốn làm xoay chuyển bậc giáo dục tinh hoa này, việc thay đổi mô hình Đại học Quốc gia thành University là nên làm.

Mô hình Đại học Quốc gia đã được thảo luận, góp ý từ nhiều năm nay. Do hoàn cảnh khách quan và chủ quan các trường đại học thành viên phát triển độc lập với nhau, ít có mối tương tác liên ngành, tuy vậy nó vẫn phát triển nhưng chậm. Ngược lại nếu phát triển thành một Đại học Quốc gia đúng nghĩa, phải tập trung nhiều vào nghiên cứu, đào tạo sau đại học, nhất là mang tính chất liên ngành. Đó là một University tinh hoa, chức năng duy nhất của Đại học Quốc gia trên thế giới. .

Tài liệu tham khảo

[1] Universite de Saigon 1966, Guide de l’Etudiant 1966’, Rectorat, Saigon

[2] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/2-dai-hoc-quoc-gia-chua-phat-trien-duoc-nhu-ky-vong-post218863.gd

[3] https://giaoduc.net.vn/tin-hiep-hoi/viec-phat-trien-2-dai-hoc-quoc-gia-khong-theo-dung-nhu-thiet-ke-post218938.gd

[4] Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, Wikipedia 2021

[5] Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Website, 6/2021

Phó giáo sư Lưu Tiến Hiệp