Mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi Ngữ văn

01/07/2017 07:16
Thiên Ấn
(GDVN) - Nhiều năm nay, các thầy cô giáo làm công tác coi thi, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều không hài lòng về mẫu thiết kế tờ giấy thi cho môn tự luận.

LTS: Là người theo sát các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm, thầy giáo Thiên Ấn chia sẻ một số điểm chưa phù hợp về mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi môn Ngữ văn năm nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Mẫu giấy thi tự luận chưa tiện ích, khoa học

Nhiều năm nay, các thầy cô giáo làm công tác coi thi, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông trước đây, thi trung học phổ thông quốc gia 4 năm qua, đều không hài lòng về mẫu thiết kế tờ giấy thi đối với các môn thi tự luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Nếu như mẫu tờ giấy thi từ năm 2008 trở về trước luôn có phần ô, chừa ra để ghi số phách phúc khảo, chữ kí của cán bộ chấm thi 1, 2, điểm bài thi bằng số, bằng chữ... dành cho những trường hợp thí sinh phúc khảo bài thi, thì tờ giấy thi theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2009 đến nay lại không hề có phần ô như trên. 

Mẫu giấy thi chưa tiện ích, khoa học. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Mẫu giấy thi chưa tiện ích, khoa học. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Nguyên tắc chấm bài phúc khảo thì bộ phận làm phách, đánh mã phải cắt đi phần số phách, chữ kí, họ tên các cán bộ chấm thi, tổng điểm bài thi... lần đầu. 

Cán bộ chấm phúc khảo coi như chấm mới lại bài hoàn toàn, không biết được những người chấm đầu là ai, đã cho bao nhiêu điểm bài ấy.

Như vậy, theo mẫu giấy thi dành cho Ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất của năm nay, đối với các trường hợp thí sinh phúc khảo bài thi, Ban chấm thi phúc khảo của từng địa phương vẫn phải tiếp tục dùng cách dán giấy chồng lên phần ô đã cho điểm, chữ ký và họ tên các giám khảo chấm lần đầu. 

Có loại giấy dán và cách xử lí đặc biệt thì người chấm phúc khảo mới không nhận ra cái phần chấm trước. Còn dùng cách thông thường, nếu cố tình muốn biết thì chẳng khó. 

Mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi Ngữ văn ảnh 2

Chấm thi quốc gia 2017 được thực hiện như thế nào?

Lúc đó sẽ sớm lộ ra người chấm trước là ai, cho mấy điểm.

Đã biết rồi, khó mà chấm phúc khảo một cách khách quan, nghiêm túc được. 

Theo chúng tôi (những người từng chấm thi nhiều năm), cách mà Bộ qui định: Không chừa phần ô cho phúc khảo, khi có phúc khảo thì dùng giấy dán lên, che lại, vừa thô sơ, mất công, vừa không bảo mật, khó độc lập, khách quan trong chấm phúc khảo. 

Đề nghị năm tới nếu còn thi trung học phổ thông quốc gia, có môn thi tự luận Ngữ văn cũng như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (mà nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo từng “học” theo mẫu giấy thi của Bộ những năm qua), Bộ và các Sở Giáo dục nên thiết kế lại mẫu giấy thi môn tự luận, có chỗ cho các ô chấm phúc khảo (theo hàng ngang thay vì theo hàng dọc bất tiện lâu nay).

Có bài thi phải qua đến 6 vòng chấm


Đến hôm nay, ngày 29/6, nhiều Hội đồng chấm thi trung học phổ thông quốc gia về chấm thi môn Ngữ văn đã bước sang ngày thứ 2, thứ 3. 

Thời điểm mà các cán bộ chấm thi đã “thuộc”, đã “nhuyễn” thang điểm, hướng dẫn chấm nên tốc độ chấm, thống nhất chấm sẽ nhanh hơn một, hai ngày đầu. 

Có thể nói, năm nay, ngoài bảng hướng dẫn chung còn có bảng hướng dẫn rút gọn, với 16 cột điểm chi tiết cho 3 câu thể hiện ở từng phiếu chấm rất thuận tiện, dễ dàng cho các giám khảo chấm theo dõi, phân định điểm thành phần bài làm của thí sinh. 

Các thầy cô giáo “dân văn” vốn chậm tính toán vì thế quá trình chốt lại tổng điểm phần I, phần II hay nhầm lẫn, sai sót khiến bộ phận chấm kiểm tra, tổ chấm, các thư ký phải mất công nhắc nhở, điều chỉnh. 

Phiếu chấm môn Ngữ văn. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Phiếu chấm môn Ngữ văn. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Qua phản ánh của các đồng nghiệp đang tham gia công tác chấm thi môn Ngữ văn ở một số Hội đồng chấm thi, tình trạng cán bộ chấm thi thứ nhất và cán bộ chấm thi thứ hai chấm lệch điểm nhau trên 1,5 điểm, buộc phải chấm vòng 3 tương đối nhiều, mỗi túi bài trung bình có đến 5 bài như thế, thậm chí có bài lệch nhau đến 3 điểm 25. 

Phải chăng quá chi tiết hóa về thang điểm, biểu điểm khiến chênh lệch điểm giữa 2 vòng 1 và 2 càng gia tăng? 

Phải chăng, khả năng thẩm định, đánh giá bài thi, đặc biệt là câu thứ 3, câu nghị luận văn học (một đoạn thơ trong đoạn trích "Đất nước" nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) của các giám khảo trong mấy ngày đầu chưa tìm được tiếng nói chung? 

Nếu càng lệch điểm nhiều thì tiến độ chấm càng chậm lại.

Mẫu giấy thi tự luận và câu chuyện chấm thi Ngữ văn ảnh 4

Đi chấm thanh tra, sướng hay khổ?

Theo Quy chế 04/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tại Điều 25, trong từng tổ chấm, có những bài thi của thí sinh phải  “qua” đến 6 vòng chấm.

Giám khảo chấm vòng 1, giám khảo chấm vòng 2, nếu lệch điểm từ 1,5 thì có giám khảo chấm vòng 3.

Nếu tiếp tục lệch nhau đến 2,5 điểm thì buộc phải đem ra chấm chung, giám khảo chấm kiểm tra 5% bốc trúng túi đó, lại có thêm 2 giám khảo chấm kiểm tra thẩm định độc lập. 

Có những giám khảo mới đi chấm thi trung học phổ thông quốc gia lần đầu, chưa quen việc, quy trình chấm nên đã gặp những lúng túng nhất định và cảm giác hơi bị choáng ngợp. 

Mặc dù có đáp áp rõ ràng, có thang điểm cụ thể, chi tiết nhưng mỗi đoạn văn, bài văn của từng thí sinh là một “văn bản” hoàn toàn riêng biệt, không thí sinh nào giống thí sinh nào, chấm cho đúng, cho trúng từng bài văn của các em luôn là thách thức, yêu cầu không nhỏ đối với tất cả thầy, cô giáo chấm thi chúng ta.

Thiên Ấn