“Mật thư” của học sinh Trường số 2 Hồng Ca

22/04/2020 06:39
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chúng tôi triển khai giao bài tập cho học sinh ở nhà trong những ống tre, cây tre được cắt thành từng đoạn ngắn, giáo viên in bài hướng dẫn ôn tập rồi cho vào.

“Với tinh thần tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập, nhưng trên thực tế việc này áp dụng với trường vùng cao của chúng tôi thì thật sự gặp nhiều khó khăn.

Với hơn 400 học sinh của trường đều là người dân tộc H’Mông, khu vực dân cư nơi các em sinh sống không có Internet, không có mạng 3g, không có sóng ti vi nhưng theo yêu cầu vẫn phải có bài cho học sinh ôn tập.

Tôi rất trăn trở và suy nghĩ nhiều về việc này, nếu không giao được bài cho học sinh thì vô tình nhà trường đã làm "đóng băng" giáo dục, ở vùng cao kêu gọi được các em học sinh đến trường đã khó rồi, giờ lại nghỉ học dài như vậy thì chất lượng giáo dục sẽ đi xuống”, thầy giáo Nguyễn Minh Thanh - Hiệu Trưởng Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam.

Ống tre và ống nhựa giao bài ôn tập sẽ được giáo viên treo ở đầu nhà của học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Ống tre và ống nhựa giao bài ôn tập sẽ được giáo viên treo ở đầu nhà của học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.

Trường số 2 Hồng Ca thuộc xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên có 26 cán bộ giáo viên, với 418 học sinh thì 100% là người dân tộc H’Mông, đời sống của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn.

Các em sinh sống ở 4 thôn là Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến nơi đây không có mạng Internet, không có sóng 3G, 4G, ti vi không bắt được sóng nên rất khó khăn trong việc dạy học trực tuyến và qua mạng xã hội.

Theo thầy Thanh: “Ý tưởng ban đầu chúng tôi triển khai giao bài tập cho học sinh ở nhà bằng những ống tre vì vùng này rất sẵn tre, cây tre được cắt thành từng đoạn ngắn, giáo viên in bài hướng dẫn ôn tập rồi cho vào đó.

Vào ngày đầu tuần, ban giám hiệu cùng các giáo viên trong trường chia nhau đi đến từng thôn bản, khu dân cư để giao bài ôn tập cho từng học sinh, những bài này được treo ở cổng nhà các em, vì đã có liên lạc trước nên học sinh sẽ lấy ống tre đựng bài và thực hiện việc ôn tập ở nhà.

Cũng may là vùng này vẫn còn sóng cho điện thoại đen trắng nên thầy cô giáo và các em học sinh vẫn có thể liên lạc được để dặn dò, cũng như hướng dẫn khi các em có thắc mắc muốn hỏi.

Sau tuần đầu tiên chúng tôi thấy việc giao bài bằng ống tre khá hiệu quả, phản hồi từ học sinh cũng như phụ huynh rất tích cực, các em rất phấn khởi. Giáo viên và học sinh của trường thường gọi vui là ống “mật thư” học tập".

Các em học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong năm học 2019. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Các em học sinh Trường tiểu học và trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trong năm học 2019. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.

Thầy Thanh chia sẻ: "Nhưng nhược điểm của ống tre không kín, dễ ngấm nước khi trời mưa nên chúng tôi đã khắc phục bằng cách dùng ống nhựa PVC để thay thế, dùng bịt đầu của ống gắn kín lại nên hoàn toàn yên tâm.

Các em cứ lấy tài liệu hướng dẫn trong ống nhựa để làm bài, sau đó lại cho vào ống rồi treo lại chỗ cũ, sang đầu tuần giáo viên đi giao ống bài mới, đồng thời lấy ống cũ về rồi nhận xét việc học tập của học sinh, như vậy việc học tập ở nhà của các em vẫn được duy trì đều đặn.

Việc giao ống đựng bài cũng khá nan giải, hầu hết học sinh của trường đều ở vùng cao, đường xá đi lại khó khăn, một số ít các em ở vùng thấp thì việc đi lại của giáo viên còn thuận tiện, nhưng cũng khá nhiều em ở vùng sâu nên việc giao bài khá vất vả.

“Mật thư” của học sinh Trường số 2 Hồng Ca  ảnh 3

Sách giáo khoa giá cao nhưng năm nào cũng phải mua mới

Nhiều thầy cô sau khi đi hết đường xe máy còn phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ mới tới bản phía trong Khe Ron nơi có học sinh của mình sinh sống, đi bộ trong rừng, lội suối…

Có thầy cô ngã ướt hết cả quần áo nhưng rất may là ống đựng bài vẫn khô ráo. Ở vùng này thì đường đi chính là suối với các thôn bản ở sâu bên trong núi.

Toàn trường có hơn 400 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 nên việc giao bài ở nhà cũng là việc đáng phải bàn.

Với nhưng em ở sâu quá, mỗi nhà cách nhau cả quả đồi thì giáo viên chọn cách treo ống bài ở nhà trưởng bản,  khi phụ huynh học sinh đi làm nương về sẽ qua lấy.

Việc giao bài về nhà thì giáo viên kết hợp với tuyên truyền đến từng phụ huynh các em để nhận được sự phối hợp từ gia đình, và cơ bản là chúng tôi giao được hết hơn 300 ống bài ôn tập đến từng học sinh trong một ngày đầu tuần”.

“Trong suốt thời gian học sinh nghỉ phòng chống dịch thì giáo viên nhà trường vẫn thay nhau trực, đồng thời tiến hành vệ sinh khử trùng trường lớp để đảm bào an toàn cho các em học sinh khi đi học trở lại, thầy Thanh cho biết”.

Một số hình ảnh các giáo viên của trường số 2 Hồng Ca đi giao ống bài cho học sinh:

Ống tre và ống nhựa giao bài tập được tách riêng cho từng học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Ống tre và ống nhựa giao bài tập được tách riêng cho từng học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Các giáo viên chia nhau đi giao bài cho từng học sinh của trường. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Các giáo viên chia nhau đi giao bài cho từng học sinh của trường. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Chuẩn bị ống nhựa để giao bài tập cho từng học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Chuẩn bị ống nhựa để giao bài tập cho từng học sinh. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Có nhiều nơi các thầy cô phải lội suối hàng giờ đồng hồ mới tới nhà học sinh để giao bài tập. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Có nhiều nơi các thầy cô phải lội suối hàng giờ đồng hồ mới tới nhà học sinh để giao bài tập. Ảnh: Thầy Thanh cung cấp.
Tùng Dương