Mách nước cách làm đề thi môn Tiếng Anh hiệu quả, tránh sai lầm mất điểm oan

16/04/2020 06:25
Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - "Nhiều bạn có xu hướng làm đề để xem kết quả và trình độ của mình đến đâu nhưng không chú trọng vào việc xem lại những câu sai trong đề", thầy Chánh phân tích.

Dựa trên đề tham khảo môn Tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, thầy Lê Văn Chánh – giáo viên Tiếng Anh – Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông – Hà Nội) đã phân tích và chia sẻ những lưu ý cần thiết để học sinh lớp 12 có thể lấy điểm tốt nhất trong khả năng.

Ưu tiên thời gian luyện đề môn Tiếng Anh là rất cần thiết với học sinh lớp 12. Ảnh minh họa: H.V
Ưu tiên thời gian luyện đề môn Tiếng Anh là rất cần thiết với học sinh lớp 12. Ảnh minh họa: H.V

Thầy Lê Văn Chánh đánh giá, đề thi tham khảo Trung học phổ thông quốc gia môn Tiếng Anh năm 2020 không thay đổi cấu trúc so với những năm trước. Phần giảm của Bộ phần lớn nằm ở những câu lẻ. Lượng kiến thức và độ khó của những bài đọc hiểu và những câu hỏi vận dụng cao vẫn tương đối giống các năm trước.

Học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản có thể làm được 60% câu hỏi trong đề. Về dạng bài trong đề thi, thầy Chánh nhấn mạnh, học sinh cần chú ý những điểm sau:

Nắm vững kiến thức ngữ pháp từ vựng của lớp 12, đặc biệt là ngữ pháp vì phần lớn nội dung liên quan đến ngữ pháp là thuộc lớp 12.

Phần ngữ âm, trọng âm cần học những quy tắc trọng âm, ngữ âm cơ bản, đặc biệt là cách đọc đuôi s, ed (gần như chắc chắn sẽ có 1 câu hỏi của phần này). So với những đề năm trước, phần trọng âm, ngữ âm trong đề tham khảo có xu hướng dễ hơn hơn với những từ có mức độ thông dụng hơn.

Đối với từ vựng (đồng nghĩa và trái nghĩa) và cấu trúc vận dụng cao, học sinh cần tập trung vào làm đề thi thử và đề mẫu các năm trước để tích lũy vốn từ và cấu trúc nhằm đạt kết quả cao nhất

Với bài đọc hiểu, học sinh cần nắm vững cấu trúc câu và từ vựng trong sách giáo khoa lớp 11, 12 để hiểu được ý nghĩa bài đọc đồng thời luyện kỹ năng làm các dạng câu hỏi gặp trong đề thi (chỉ có 1 số dạng câu hỏi nhất định).

Học sinh không nên cố gắng dịch để hiểu hết nghĩa của bài học, chỉ cần tập trung vào những thông tin cần thiết cho câu trả lời sau khi áp dụng kỹ năng đọc lướt.

Phần kết hợp câu và viết lại câu không có nhiều kiến thức quá khó hay ít gặp, học sinh cần nắm vững những cấu trúc viết lại câu và ghép câu cơ bản là sẽ có được kết quả khả quan.

Trong quá trình làm bài thi môn Tiếng Anh, về mặt kỹ năng làm bài thi, học sinh cần thực hành trên đề mẫu, đề các năm trước hoặc đề thi thử của các trường để có kết quả tốt nhất.

Thầy Chánh chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình làm bài để sử dụng hiệu quả nhất thời gian, kiến thức đã học.

Theo đó, cần lựa chọn thứ tự làm bài hợp lý theo trình tự: Ngữ âm – Câu lẻ – Đọc hiểu dài – Tìm lỗi sai - Giao tiếp – Đọc hiểu ngắn – Từ đồng nghĩa trái nghĩa - Điền từ vào đoạn văn.

Lý do để chọn thứ tự làm bài như trên là để học sinh có thời gian “thư giãn” đầu óc với những câu hỏi dễ ăn điểm và không yêu cầu mức độ tập trung cao: Giao tiếp, câu lẻ xen kẽ giữa 2 bài đọc hiểu.

Toàn bộ đề tham khảo thi trung học phổ thông quốc gia 2020
Toàn bộ đề tham khảo thi trung học phổ thông quốc gia 2020

Nếu học sinh lựa chọn làm bài đọc hiểu cuối cùng thì có khả năng cao là lượng kiến thức đã phải vận dụng cùng với mức độ căng thẳng đã phải trải qua sẽ khiến kết quả bài đọc không được tốt.

Điều tương tự cũng xảy ra nếu học sinh làm 3 bài đọc liền, yêu cầu sự tập trung trong thời gian dài, dễ mắc sai lầm không mong muốn.

Với những phần câu lẻ, tìm lỗi sai, giao tiếp, đồng nghĩa trái nghĩa, nếu chắc chắn về kiến thức và câu trả lời, học sinh có thể lựa chọn ngay. Nếu chưa chắc chắn về câu trả lời, học sinh cần áp dụng thêm phương pháp loại trừ.

Trong 4 đáp án sẽ luôn có ít nhất một đáp án sẽ tạo ra nghĩa rất vô lý, kỳ cục hoặc sai với những quy tắc ngữ pháp rất cơ bản.

Với những câu không chắc chắn về đáp án, thay vì tìm cách giải thích tại sao đáp án mình định chọn là đúng, hãy tìm cách giải thích vì sao những đáp án kia sai (trong đa số trường hợp là dễ nhìn thấy).

Áp dụng phương pháp loại trừ kết hợp với kiến thức sẵn có sẽ tăng cơ hội chọn đáp án đúng lên đáng kể cho học sinh.

Thời gian luyện đề là rất cần thiết. Tuy nhiên nhiều bạn có xu hướng làm đề để xem kết quả và trình độ của mình đến đâu nhưng không chú trọng vào việc xem lại những câu sai trong đề.

Chúng ta đều học được rất nhiều từ những sai lầm. Vì vậy, việc xem lại lỗi sai và giải thích các lỗi sai sẽ khiến học sinh nhớ lâu hơn kiến thức đó.

Vấn đề của rất nhiều bạn không nằm ở ngữ pháp hay khả năng đọc hiểu mà chính là việc hạn chế về từ vựng. Đặc điểm của việc học từ vựng là cần được tiếp  xúc và nhắc lại nhiều lần.

Vì thế, để nhớ được từ tốt hơn thì trong quá trình ôn luyện, học sinh cần ghi lại những từ mới hoặc những từ chưa nắm chắc sau đó làm những bài tập liên quan đến chủ đề và chủ động đặt câu với những từ đã học.

Càng viết lại, nhắc lại nhiều lần một từ, học sinh sẽ càng nhớ lâu và rõ cách sử dụng của từ đó trong những văn cảnh khác nhau.

Khi làm đề thi thử, học sinh cần tạo ra thói quen kiểm soát thời gian cũng như phân chia thời gian hợp lý cho mỗi dạng bài. Làm tốt điều này sẽ giúp học sinh chủ động về thời gian làm bài và không bị mất bình tĩnh trong bài thi thật.

Cuối cùng, thầy Chánh nhắn nhủ các bạn học sinh là đừng quên việc lên lịch trình học tập hợp lý, ăn uống điều độ và dành thời gian tập luyện thể thao để sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần trước khi bước vào kỳ thi quan trọng này.

Nhật Minh