Lương thấp lại chậm trễ bổ nhiệm, thăng hạng khiến giáo viên thiệt thòi

06/05/2022 08:36
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chậm trễ trong việc thi, xét thăng hạng, bổ nhiệm lương giáo viên trong một thời gian rất dài, gây thiệt thòi vô cùng lớn cho giáo viên.

Năm 2019, ValueChampion, trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore, thực hiện một nghiên cứu về lương trung bình của giáo viên phổ thông hoặc trung học trên 16 quốc gia và vùng lãnh thổ (ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và Mỹ, Pháp). Họ so sánh lương giáo viên trung bình với GDP bình quân đầu người của mỗi quốc gia. Theo đó, lương giáo viên Việt Nam thấp nhất, đứng cuối trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ này. [1]

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay giáo viên không được tăng lương cơ sở đã khiến thu nhập càng khó khăn hơn khi vật giá leo thang, để trụ được với nghề họ phải bươn chải đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống.

Không được thăng hạng, giáo viên có bằng đại học 11 năm vẫn hưởng lương trung cấp

Hiện nay, nhiều giáo viên dạy mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vô cùng bức xúc khi đã có bằng đại học từ năm 2012 đến nay 11 năm vẫn hưởng lương trung cấp, cao đẳng.

Thông tư 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT có quy định về thăng hạng nhưng gần như vẫn chưa được triển khai trong suốt thời gian dài cho đến khi được thay thế bởi Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT.

Nhiều người trong số họ có rất nhiều thành tích, danh hiệu thi đua, khen thưởng,… đảm bảo đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn phải chờ đợi trong mỏi mòn hàng chục năm qua.

Việc bổ nhiệm lương mới theo Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/3/2021 nhưng đến nay vẫn còn đang chờ sửa đổi, bổ sung.

Chậm trễ trong việc thi, xét thăng hạng, bổ nhiệm lương giáo viên trong một thời gian rất dài, gây thiệt thòi vô cùng lớn cho giáo viên, khiến giáo viên mất nguồn thu chính đáng.

Thử làm một bài toán đơn giản, một giáo viên dạy ở tiểu học tốt nghiệp đại học 2012 đến nay vẫn hưởng lương trung cấp không được thăng hạng, thiệt thòi quyền lợi đã 11 năm.

Nếu được hưởng lương theo bằng cấp hoặc được xét, thi thăng hạng thì mỗi tháng giáo viên trên có thể được thêm vài trăm ngàn đồng.

Nếu tính 11 năm, giáo viên có thể mất đến vài chục triệu đồng, một con số không hề nhỏ so với đồng lương eo hẹp.

Từ năm 2015 đến năm 2021 những giáo viên có bằng đại học vào công tác tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng chỉ hưởng lương trung cấp, cao đẳng không được bổ nhiệm, xếp lương theo chùm Thông tư mới khiến họ vô cùng bức xúc.

Rất nhiều bất cập liên quan đến việc bổ nhiệm, xếp lương, thăng hạng giáo viên chưa được giải đáp.

Theo tôi, phải có cơ quan độc lập làm rõ việc trên để trả lại công bằng cho giáo viên, bù đắp thiệt thòi mà họ gánh chịu trong thời gian qua.

Điệp khúc giáo viên đông, không có kinh phí tăng lương khi nào mới chấm dứt?

Lương, thu nhập cho giáo viên không tương xứng là bài toán hàng chục năm chưa được giải quyết dứt điểm, dù qua nhiều nhiệm kỳ, các đời bộ trưởng.

Nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, góp ý, rồi các dự thảo, phương hướng,… được bàn tới bàn lui, nâng lên đặt xuống thì lương giáo viên vẫn như cũ, chưa hề có sự cải tiến đáng kể nào.

Lương giáo viên Việt Nam thấp so với khu vực là thực tế rõ ràng, vị thế nhà giáo cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Tăng lương là tất yếu nhưng với số lượng giáo viên quá đông, kinh tế khó khăn, ngân sách hạn chế nếu không có giải pháp căn cơ, hợp lý thì rất khó để có thể tăng lương, đừng mơ được hưởng lương ngang với mức lương ngành quân đội, công an.

Nếu đúng vị thế thì lương nhà giáo phải tăng gấp 2-3 lần hiện tại nhưng khi đó chắc chắn không ngân sách nào gánh nổi, khi biên chế quá đông, bộ máy cồng kềnh.

Những giải pháp dồn lớp, ghép lớp, sáp nhập trường liên cấp, giảm đầu mối,… chưa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

Giải pháp cho tư nhân mở rộng đầu tư trường ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức khiến biên chế chỉ giảm nhỏ giọt, chưa đáp ứng yêu cầu.

Mục tiêu có 30% trường mầm non, phổ thông ngoài công lập liệu có khả thi?

Trong điều kiện hiện nay, với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước và yêu cầu cân đối giữa các ngành nghề, nếu không có những giải pháp đột phá sẽ rất khó khăn trong việc đổi mới và hoàn thiện chính sách lương đối với đội ngũ nhà giáo.

Kết luận số 51-KL/TW chỉ ra một trong những hạn chế, tồn tại của giáo dục trong 15 năm qua là: “Chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa thỏa đáng”.

Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 cũng nhận định một bất cập và yếu kém của giáo dục 2001 - 2010 là: “Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là chính sách lương và phụ cấp theo lương chưa thỏa đáng, chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp”.

Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bộ thí điểm đề án trường công thu học phí cao, cụ thể Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. [2]

Theo đó, về lý thuyết học sinh học ở những ngôi trường này được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học, đóng học phí cao để trả một phần lương cho viên chức, giảm gánh nặng ngân sách nhưng phương án này cũng gặp nhiều phản ứng trái chiều.

Về cơ bản trường công là trường được nhà nước đầu tư, bảo đảm ngân sách, nhưng khi thành trường chất lượng cao, thu học phí người học cao liệu có thỏa đáng? Có làm mất đi điều kiện học trường công lập của những gia đình khó khăn?

Theo tôi, thay vì đầu tư trường công chất lượng cao thu học phí thì nên mở rộng, cho phép tư nhân tham gia trường ngoài công lập, khi đó cơ quan chủ quản sẽ tự quyết định mức thu học phí, thỏa thuận trả lương giáo viên phù hợp.

Hiện nay số lượng trường ngoài công lập bậc phổ thông quá ít, chưa tương xứng nếu phát triển mở rộng được thêm nhiều trường ngoài công lập là giải pháp khả thi, học sinh có thêm nhiều lựa chọn, giảm được ngân sách chi cho giáo dục.

Theo tôi, dần dần khi chúng ta tiến tới được tỷ lệ 70% trường công lập, 30% trường ngoài công lập cho bậc học mầm non đến đại học sẽ là phương án tối ưu, giải quyết được bất cập về biên chế, lương giáo viên trong thời gian qua.

Việc này phải có lộ trình, có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và phải thực hiện với sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành nhất là hướng dẫn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi đó, việc tăng lương giáo viên lên cao trong hệ thống lương đơn vị sự nghiệp công lập, thu hẹp khoảng cách lương so với đồng nghiệp toàn cầu là điều hoàn toàn có thể.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnexpress.net/nha-giao-song-bang-luong-muc-tieu-hang-chuc-nam-van-dang-do-4392133.html

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-gd-de-xuat-tp-hcm-cung-bo-thi-diem-de-an-truong-cong-thu-hoc-phi-cao-post226070.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên