Lúc này mong phụ huynh hãy đồng hành, đừng đòi hỏi quá sức nhà trường, thầy cô

14/03/2022 06:35
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh không thể đòi hỏi nhà trường nhiều hơn thế. Mỗi gia đình cũng cần hiểu rõ về tình hình giáo dục để chung tay cùng với thầy cô giúp các em học tập.

Sau thời gian học trực tiếp tại trường, lớp học nào cũng có hàng loạt F0 và F1. Thường thì, lớp còn một vài học sinh các em vẫn phải đến trường học trực tiếp. Để không bỏ rơi học sinh F0, F1, mỗi trường học lại có những cách dạy khác nhau.

Lớp học thời Covid (Ảnh tác giả)

Lớp học thời Covid (Ảnh tác giả)

Có trường, giáo viên yêu cầu lớp trưởng quay và truyền trực tiếp (livestream) bài học đang diễn ra trên lớp cho các bạn ở nhà cùng học nhưng cách này rất ồn, nhiều học sinh cho biết nghe không rõ lời cô giảng.

Có trường cung cấp địa chỉ cho học sinh vào web nhà trường xem lại clip bài giảng của thầy cô dạy trước đó đưa lên. Có nơi điều kiện cơ sở vật chất ổn định hơn thì tổ chức cho giáo viên dạy “2 trong 1”, nghĩa là cùng lúc dạy on-off nhưng cách này thầy cô giáo khá mệt lại không thật sự chất lượng.

Có những phụ huynh lại đòi hỏi quá nhiều

“Chị N.H.M., phụ huynh có con học lớp 12 ở một trường THPT trên địa bàn quận 3 (TP.HCM), phản ảnh: "Lớp của con tôi có gần 20 học sinh thuộc diện F0, F1 phải nghỉ ở nhà. Vậy mà nhà trường không hề có phương án dạy học nào cho nhóm đối tượng này.

Vợ chồng tôi rất sốt ruột với tình trạng này. Chỉ còn mấy tháng nữa là học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp THPT mà học sinh ở nhà cả tuần không được học trực tuyến gì cả".

Chị Nh.H., phụ huynh có con học lớp 7 ở quận 1 nói rằng: “Tôi vào web trường và ngồi học cùng con, thực sự cảm thấy rất thất vọng khi thấy bài giảng của giáo viên bộ môn chính là... những nội dung học sinh cần ghi nhớ, cần chép vào tập chứ không phải clip bài dạy của giáo viên".

Một phụ huynh khác cũng lên tiếng: “Con tôi một bé lớp 4, một bé lớp 6 mà khi nhiễm COVID-19 nhà trường bảo ở nhà tự học thì đúng là thử thách học sinh và cả phụ huynh. Lứa tuổi này chúng ta cho các cháu học online và có giáo viên nhắc nhở qua màn hình còn đỡ, chứ kêu các cháu tự học thì rất khó". [1]

Gia đình cần chung tay, giáo viên cũng đuối quá rồi

Hiện giáo viên không chỉ mỗi việc lên lớp để dạy. Các thầy cô còn phải luôn theo dõi tình hình sức khỏe của các em. Sau buổi dạy ở trường phải dọn vệ sinh trường lớp, xịt khuẩn, lau đồ dùng dạy học khi lớp có F0.

Dạy học cho mình, dạy luôn cho cả phần đồng nghiệp bị nhiễm bệnh. Suốt ngày trên trường, khẩu trang bịt kín mặt mà nói ra rả suốt cả ngày.

Tối về đến nhà chẳng kịp nghỉ ngơi còn phải đánh vật với cả chồng bài tập, hồ sơ, giáo án, còn lập các kế hoạch dạy học, giúp đỡ học sinh, lo viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích để tham dự các hội thi mà trường, phòng tổ chức.

Rồi học thay sách, vài ba tháng lại học các mô-đun chương trình mới. Ngoài ra còn liên lạc, trả lời tin nhắn với phụ huynh liên tục.

Khi lớp học có F0 và F1 phải nghỉ học. Thường thì trường học nào cũng triển khai các biện pháp dạy học hỗ trợ. Ngoài những hình thức dạy học gửi bài qua Zalo, tin nhắn, in bài tập phát cho học sinh ở nhà hoặc hướng dẫn học sinh sẽ vào trang web của nhà trường nghe lại bài giảng hoặc thầy cô.

Tuy nhiên, có phụ huynh cho rằng, những cách dạy này không thật sự hiệu quả. Thế nhưng theo chúng tôi, trong giai đoạn này, vẫn đang là cách dạy học khả thi nhất vì có học vẫn còn hơn không.

Phụ huynh không thể đòi hỏi nhà trường nhiều hơn thế. Mỗi gia đình cũng cần hiểu rõ về tình hình giáo dục hiện tại để có sự thấu hiểu, thông cảm với nhà trường. Trách nhiệm để học sinh học bài mùa dịch không thể phó thác hoàn toàn cho thầy cô.

Với học sinh tiểu học, nhiều cha mẹ có dư trình độ dạy con. Mỗi ngày, phụ huynh cần dành khoảng 2 tiếng đồng hồ để giúp các con hoàn thành nhiệm vụ học tập trong ngày.

Với học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, sau khi thầy cô gửi yêu cầu cần học, phụ huynh để các con tự học cũng là cách phát huy tính tự học của con.

Những vấn đề chưa hiểu có thể gọi điện, nhắn tin với thầy cô bộ môn để được giải đáp. Ngoài ra, có thể lên mạng tải những bài giảng trên truyền hình nghe lại.

Muốn tổ chức lớp học online riêng cho học sinh F0, F1 nhà trường không có đủ ngân sách

Cách dạy học hiệu quả nhất hiện nay dành cho F0, F1 ở nhà là việc tổ chức cho mỗi khối 1 lớp học online/môn học. Tuy nhiên, cách này nhà trường không thể làm được vì liên quan đến kinh phí.

Thường thì mỗi thầy cô giáo một tuần đều phải dạy đủ số tiết tiêu chuẩn như tiểu học 23 tiết, trung học cơ sở 19 tiết, trung học phổ thông 17 tiết. Ngoài ra, nhiều thầy cô giáo bị bệnh, giáo viên đã phải gồng gánh thay nên có thầy cô mỗi tuần đã phải dạy trên 30 tiết.

Nay phân công giáo viên dạy thêm lớp online cho học sinh F0, F1 của khối sau khi đã hoàn thành những tiết dạy theo quy định của mình thì đương nhiên phải trả tiền thù lao cho thầy cô mới có điều kiện tái tạo sức lao động để nâng cao chất lượng giờ dạy.

Tiền dạy phụ trội ước tính phải dăm chục (trường ít học sinh) đến hàng trăm triệu đồng một tháng. Thế nên, dù biết là biện pháp hiệu quả cho học sinh F0, F1 thì cũng chẳng có trường học nào dám thực hiện.

Thế nên mới nói, “liệu cơm gắp mắm”, ngoài học trực tiếp ở trường thì hình thức dạy học nào cho học sinh F0, F1 cũng rất là đáng quý.

Phụ huynh cũng cần nhìn vào thực trạng để thấu hiểu, cảm thông, để chung tay với thầy cô giúp các em được học dù học với hình thức nào, để các em không có mặc cảm mình bị bỏ rơi lại phía sau.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/dung-de-cac-hoc-sinh-f0-f1-phai-tu-boi-20220310191059511.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên