Luật sư bào chữa cho bị cáo Quy bất ngờ đề nghị hoãn phiên tòa

17/05/2020 16:49
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Ngoài đề nghị hoãn phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Quy còn đề nghị triệu tập 2 người làm chứng quan trọng, mang một số vật chứng.

Ngày 18/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án học sinh Trường phổ thông liên cấp Gateway (Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) tử vong trên xe đưa đón học sinh.

Tuy nhiên, thông tin mới nhất phóng viên Giáo dục Việt Nam có được, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bích Quy (nhân viên đưa đón trẻ) đã làm đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xin hoãn phiên tòa.

Đồng thời luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bích Quy cũng đề nghị triệu tập đương sự, trích xuất vật chứng đến phiên tòa phúc thẩm.

Bà Quy hỏi trách nhiệm chủ trường Gateway, kháng cáo nói mình vô tội
Bà Quy hỏi trách nhiệm chủ trường Gateway, kháng cáo nói mình vô tội

Đáng chú ý, trong văn bản gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, luật sư bào chữa cho bị cáo Quy đề nghị triệu tập người làm chứng Lê Thế Quân (sinh năm 1985) và người làm chứng Nghiêm Thị Trang (sinh năm 2000).

Lý do cần triệu tập hai người làm chứng này, văn bản luật sư của bị cáo Nguyễn Bích Quy gửi Tòa nêu, tại Bản tường trình của anh Lê Thế Quân (sinh năm 1985) là Giảng viên môn Giáo dục thể chất tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có trình bày trong khoảng thời gian 8 giờ 15 phút đến 8 giờ 20 phút anh Quân và một sinh viên ra xe ô tô lấy tiền có để ý thấy ô tô 16 chỗ màu bạc nhưng không phát hiện hay nghe thấy tiếng động hay có dấu hiệu bất thường gì.

Tại Bản tường trình của chị Nghiêm Thị Trang (sinh năm 2000) bút lục 1353 có nêu nội dung khoảng 9 giờ 10 phút, Trang có di chuyển đến chiếc xe của trường Gateway và có soi gương vào kính của chiếc xe này nhưng không thấy trong xe có gì bất thường, không thấy tiếng động, không có ai di chuyển, không có ai cào cửa.

Văn bản của luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bích Quy cho rằng: “Những người làm chứng này là những người có chứng kiến sự việc nhưng hoàn toàn không được Cơ quan điều tra Công an quận Cầu Giấy tập trung làm rõ và đánh giá chứng cứ.

Mặt khác thời điểm những người này chứng kiến là thời điểm quan trọng xác định tình tiết của vụ án. Do đó rất cần thiết phải có sự tham gia của những người này để họ trình bày làm rõ tình tiết của vụ án”.

Học sinh lớp 1 Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: V.P.
Học sinh lớp 1 Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: V.P. 

Ngoài ra, phía luật sư của bị cáo Nguyễn Bích Quy cũng đề nghị: “Cần thiết phải triệu tập những người làm chứng ngồi trên xe bus do bị cáo Doãn Quý Phiến điều khiển ngày 06/8/2019”.

Lý do cần phải tiệu tập những người làm chứng là học sinh ngồi trên xe cùng nạn nhân hôm đó lời khai tại các bút lục có mâu thuẫn về việc nhận diện cháu L. và tình trạng của cháu L. trên xe ngủ hay thức…

Văn bản luật sư của bị cáo Nguyễn Bích Quy cũng đề nghị triệu tập Người giám định Trần Văn Ban, Đặng Trần Dũng đến phiên tòa.

Văn bản nêu: “Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 333/2019/QĐXXST-HS ngày 30/12/2019 của Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy thì Tòa án cấp sơ thẩm triệu tập 02 giám định viên là ông Trần Văn Ban, ông Đặng Trần Dũng.

Tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm chỉ có mặt ông Đặng Trần Dũng và có thêm ông Đặng Văn Khang không có tên trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Mặt khác tại phiên tòa Giám định viên Đặng Trần Dũng chưa trả lời rõ nội dung chúng tôi yêu cầu giải thích về lý do kết luận nguyên nhân chết của người bị hại là “suy hô hấp tuần hoàn sốc nhiệt trong không gian giới hạn”, vậy “không gian giới hạn” ở đây được kết luận dựa trên cơ sở nào?

Ngoài ra còn nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định nguyên nhân, thời gian chết của người bị hại cũng chưa phù hợp với khoa học khám nghiệm tử thi cần phải được làm rõ.

Do đó, cần thiết phải có sự có mặt của Giám định viên Trần Văn Ban và Đặng Trần Dũng có mặt đầy đủ tại phiên tòa để chúng tôi hỏi làm rõ các vấn đề về nguyên nhân chết và các dấu vết khác trên thân thể của người bị hại”.

Đáng chú ý, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bích Quy cho rằng, trong phiên tòa phúc thẩm cần phải mang một số vật chứng thu thập được ra phiên tòa để đánh giá sự khách quan trong thu thập, bảo quản, sử dụng vật chứng cũng như đánh giá các tính chất của vật chứng để làm rõ tình tiết của vụ án.

Cụ thể, luật sư Lê Trọng Minh cho rằng: “Có sự không phù hợp về tình tiết cháu L. tự thay chiếc áo màu đỏ thành chiếc áo màu xám trên xe ô tô. Trong Cáo trạng của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm cũng như Bản án sơ thẩm cũng chưa khẳng định rằng cháu L. là người thay áo mà chỉ kết luận cháu L. có khả năng và kỹ năng tự thay áo mà thôi.

Như vậy cần phải mang ra phiên tòa chiếc áo màu xám, chiếc áo màu đỏ đã thu thập được để đối chiếu làm rõ.

Ông Nguyễn Bá Thuyền: Bị cáo Quy hỏi trách nhiệm Trường Gateway là xác đáng
Ông Nguyễn Bá Thuyền: Bị cáo Quy hỏi trách nhiệm Trường Gateway là xác đáng

Ngoài ra đối với các chai nhựa, bình nhựa, ba lô, đôi dép là vật chứng của vụ án chúng tôi cũng có sự đánh giá về tình tiết tài xế Doãn Quý Phiến lái xe quay lại trường vào chiều ngày 06/8/2019 nhưng không phát hiện ra sự xáo trộn trên xe.

Đồng thời từ các tình tiết của vụ án cho thấy có việc cháu L. sử dụng và có tác động vào một số đồ vật, chai nước nhưng kết quả giám định, khám nghiệm chưa phù hợp với kết luận và thực tiễn như vấn đề tình trạng một cơ thể có sử dụng nước khi chết nhưng dấu hiệu trên xe không tương ứng, các dấu vết trên các chai nhựa cũng chưa được làm rõ...

Những điều này là vô lý không phù hợp với tính chất của vật chứng. Do vậy cần phải mang ra phiên tòa để xem xét sự phù hợp này cũng như làm rõ các vấn đề cần làm sáng tỏ nhưng chưa được cấp sơ thẩm ghi nhận”.

Trước đó, trong hai ngày 14/1 và ngày 15/1, Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án từng gây bàng hoàng dư luận trên.

Tòa tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Bích Quy (sinh năm 1964) 24 tháng tù. Bị cáo Doãn Quý Phiến (sinh năm 1966, lái xe ôtô đưa đón học sinh) bị tuyên phạt 15 tháng tù.

Cả hai bị cáo này cùng tội “Vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Thủy (sinh năm 1990, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, Trường phổ thông liên cấp Gateway) bị tuyên phạt 12 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 360 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngoài mức án trên, bị cáo Thủy còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ giáo viên trong thời hạn một năm.

Vũ Phương