Luật pháp ban hành dựa trên nghiên cứu khoa học, không thể vì ý chí cá nhân

18/12/2019 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Nếu luật pháp được xây dựng và thi hành mà bị tác động chủ quan bởi ý chí cá nhân thì sẽ dẫn tới những hệ lụy không thể đo đếm hết.

Phải coi trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học giỏi

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gần đây, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng: Với hai nhiệm kỳ làm Đại biểu Quốc hội (khóa 12, 13) ông đã chứng kiến nhiều loại văn bản ban hành không phù hợp với thực tế và nhanh chóng “chết yểu”.

Nếu chỉ là văn bản ban hành cho một sự việc cụ thể thì còn có thể sửa sai ngay bằng cách thu hồi và ban hành một văn bản khác; nhưng nếu loại văn bản ấy có tính phổ quát và ảnh hưởng về chính sách trên diện rộng thì hậu quả xảy ra có thể rất lớn.

Là một người rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, ông Lê Như Tiến nêu ra thí dụ cụ thể như là một sự cảnh báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo không mắc phải sai lầm khi xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) mà Quốc hội đã thông qua từ tháng 12/2018 (có hiệu lực từ 1/7/2019): Việc xây dựng Nghị định phải thể hiện đúng với tinh thần của Luật này, nói ra thì rất dài nhưng tựu chung có ba vấn đề lớn phải giải quyết, đó là: Tự chủ nhân sự; Tự chủ Tài chính; Tự chủ học thuật.

Ông Tiến chia sẻ: “Tôi thấy cái yếu nhất của chúng ta khi xây dựng luật, nhất là những văn bản hướng dẫn dưới luật là giao cho những cán bộ, công chức yếu cả trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, không có thực tiễn trong ngành hoặc thực tiễn quá ít; dẫn đến tầm nhìn hạn chế.

Nội dung hướng dẫn họ soạn ra (cho những phần mà Luật giao Chính phủ hướng dẫn) không thể đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của cơ sở. Khi đưa lên Lãnh đạo Bộ ký trình Chính phủ thì lãnh đạo Bộ cũng không có thời gian để tự mình đối chiếu hoặc hỏi lại cơ sở. Thế là cứ trình ký rồi ban hành. Cách tiếp cận và quy trình như vậy khiến nhiều văn bản vừa ‘khai sinh’ đã ‘khai tử’, vì không phù hợp cuộc sống”.

Vấn đề phổ biến là trong quá trình soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật là cơ quan chủ trì đã không thực sự coi trọng vai trò của các chuyên gia giỏi, tâm huyết, những người đứng đầu cơ sở giáo dục từng cọ xát thực tế hàng chục năm trời.

Ông Lê Như Tiến cảnh báo khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lấy ý kiến các trường đại học, giải trình - tiếp thu công khai. Làm minh bạch như vậy thì giáo dục mới phát triển được, còn nếu cứ tù mù là rất nguy hiểm. ảnh: Tùng Dương.
Ông Lê Như Tiến cảnh báo khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lấy ý kiến các trường đại học, giải trình - tiếp thu công khai. Làm minh bạch như vậy thì giáo dục mới phát triển được, còn nếu cứ tù mù là rất nguy hiểm. ảnh: Tùng Dương.

Theo ông Lê Như Tiến: “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội đã ban hành đều quy định rất rõ khi xây dựng luật, Nghị định hướng dẫn thi hành thì phải lấy ý kiến của những đối tượng bị điều chỉnh.

Thời gian vừa rồi, tôi nghe rất nhiều ý kiến về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật 34/2018/QH14 nhưng không lấy ý kiến của nhiều trường đại học ở phía Nam. Như vậy là có vấn đề bất thường và lãnh đạo Bộ phải lập tức xem lại bộ phận tham mưu, đơn vị và cá nhân đang triển khai công việc này.

Ra văn bản trái Luật, vô tình hay hữu ý?
Ra văn bản trái Luật, vô tình hay hữu ý?

Theo tôi, khi soạn thảo bất kỳ văn bản nào, ngay cả khi Luật không qui định, cũng phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, đặc biệt là những nhà quản lý cơ sở giáo dục như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng…; những người làm thực tế và là đối tượng sẽ bị văn bản đó chi phối, điều chỉnh.

Như thế thì văn bản mới sát với thực tiễn xã hội, mới ‘sống lâu dài’ được mà không bị xã hội, người thực hiện phản đối.

Việc lắng nghe từ phía Bộ phải được thể hiện rõ trên văn bản, tức là quá trình xây dựng Nghị định thì phải công khai toàn bộ các bản dự thảo, công khai toàn bộ ý kiến của các chuyên gia, các trường trên chính website của bộ; tổ chức tạo đàm, hội thảo nhiều lần với các đối tượng mà dự thảo Nghị định sẽ điều tiết. Đây là công việc chung, ảnh hưởng lớn tới hệ thống các trường, tức là ảnh hưởng tới nền giáo dục, tới nhiều thế hệ tương lai của đất nước, nên dứt khoát phải minh bạch”.

Văn hóa phản biện rất cần thiết, cơ quan soạn thảo phải biết lắng nghe

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ rằng, khi còn công tác ông đã không ít lần nói thẳng về những loại văn bản thể hiện sự non nớt nhận thức và trình độ. Vài lần khi góp ý về việc này việc khác, ông biết được là có những người bóng gió: không thích ông có ý kiến thẳng thắn.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thẳng khi soạn thảo luật mà cứ "tránh va chạm" hoặc "vì lợi ích nhóm" thì sẽ thất bại. ảnh: NVCC.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói thẳng khi soạn thảo luật mà cứ "tránh va chạm" hoặc "vì lợi ích nhóm" thì sẽ thất bại. ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu ra 6 tồn tại khiến Luật hoặc văn bản dưới Luật vừa ban hành xong có khi chưa áp dụng (hoặc áp dụng chưa được bao lâu) đã phải sửa:

Thứ nhất, năng lực con người: Đây là vấn đề căn cốt khi soạn thảo Luật và các văn bản dưới Luật. Vì vậy phải lựa chọn những người có chuyên môn tốt và phải có các tiêu chí cụ thể như: Hiểu biết Hiến pháp? Hiểu biết đường lối của Đảng? Có tri thức khoa học liên ngành? Có tư duy hệ thống, lô-gic, biện luận (critical thinking)? Kỹ năng lắng nghe? Khả năng tiếng Việt chuẩn để diễn đạt đúng, rõ nghĩa, không tối tăm? Hiểu biết nghiên cứu lĩnh vực Luật so sánh; kỹ năng truyền thông, đàm phán... nói chung là rất nhiều kỹ năng và tri thức tổng hợp.

Thứ hai, cách tiếp cận xây dựng Luật: Thế giới liên tục thay đổi và Việt Nam cũng vậy đã tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Nhiều khi thực tiễn đi rất nhanh, vượt qua sớm các quy định, cơ chế hiện hành. Vì vậy chính sách phải mở để tạo được sự thuận lợi cho người thực hiện, cho kinh tế - xã hội phát triển. Nếu cứ dùng Luật (lỗi thời và chưa kịp sửa đổi) để mà “phán”, thì cơ sở thực hiện chỉ có “chết”.

Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nhiều cơ quan chủ quản đang rải đinh ở đại học
Ông Lê Như Tiến: Tôi thấy nhiều cơ quan chủ quản đang rải đinh ở đại học

Cụ thể: Vấn đề tự chủ đại học đã bàn rất nhiều, thảo luận rất nhiều nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được xử lý dứt điểm; trong đó có vấn đề cơ quan chủ quản vẫn muốn can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự của trường, thậm chí ban hành luôn cả văn bản áp đặt quyền quyết định của mình về nhân sự vào một trường tự chủ hoàn toàn như việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Đây là một trường hợp điển hình cần phải được tháo gỡ đúng với tinh thần Luật 34/2018/QH14 cũng như Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 05-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, Nghị quyết 77/NQ-CP, Nghị quyết 89/NQ-CP… Đảng và Nhà nước đều yêu cầu đẩy mạnh tự chủ đại học.

Cơ quan chủ quản phải chấp hành và thay đổi tư duy; chuyển từ quản trị trực tiếp và tập quyền sang tham gia vào hội đồng để quản trị tập thể và giám sát. Dùng quyền lực thọc sâu vào quyền theo Luật định của nhà trường, thì sẽ phản lại xu thế xã hội, ngược các chỉ đạo về tự chủ.

Nếu những vấn đề cần điều chỉnh, mang tính bất biến sau 15-20 năm thì cần quy định chi tiết. Những gì ngày hôm nay xảy ra nhưng 1 - 2 năm hoặc 5-7 năm nữa không chắc có xảy ra không, thì nên quy định khung. Hoặc có những vấn đề còn mù mờ trong tương lai, không dự báo được, thì tránh quy định chi tiết trong Luật.

Thứ ba, những người soạn thảo Luật thường chỉ chú ý đến mảng của mình mà không để ý đến việc của người khác, vì tránh va chạm hoặc vì lợi ích nhóm…;. Tất cả những điều ấy đều có thể sớm dẫn tới hậu quả làm suy giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền; suy giảm niềm tin về sự nghiêm minh, đúng đắn của Luật.

Thứ tư, quy định rằng Luật sau đè Luật trước nếu cùng một cơ quan ban hành, trong khi cây hệ thống Luật chưa thật rõ ràng sẽ dẫn đến luật nọ đá luật kia, luật ban hành sau đè luật trước. Điển hình là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp… cái nào là ‘Luật mẹ’, cái nào ‘Luật con’? Khi mà không làm rõ được những vấn đề này thì triển khai rất rối. Cơ sở bên dưới chỉ có bị hành!

Thứ năm, văn hoá hợp tác và phản biện thấp. Khi trình Luật ra Quốc hội thảo luận cho ý kiến; thì đã có một quá trình góp ý từ nhiều cơ quan. Nhưng góp ý có thực sự thẳng thắn, và những nội dung đúng có được tiếp thu hay không cũng là vấn đề khó mà biết được!. Nếu như khâu chuẩn bị làm tốt hơn, khoa học và chi tiết; thì khi đưa ra Quốc hội thảo luận sẽ không tốn nhiều thời gian. Các Tư lệnh ngành cũng không nên nặng nề khi mà dự thảo Luật không được thông qua. Bởi vì càng cẩn trọng tiếp thu được bao nhiêu, thì càng đỡ mất thời gian và chi phí cho việc sửa đổi, sửa sai về sau.

Thứ sáu, thời gian gấp và thiếu nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách pháp luật. Đây là yêu cầu bắt buộc; nhưng nhiều khi bổ sung hoặc sửa đổi điều khoản nào đó lại vắng đi các kết quả nghiên cứu đánh giá tác động (impacts) một cách khách quan... nên khó lường hết được những vấn đề có thể xuất hiện khi Luật hoặc văn bản dưới Luật ra cuộc sống.

Bên cạnh đó, thiếu đội ngũ cố vấn, chuyên gia ngoài để thường xuyên hỗ trợ các Đại biểu Quốc hội. Chúng ta không thể yêu cầu các Đại biểu Quốc hội đều có khả năng hiểu biết quá trình cũng như năng lực xây dựng Luật (các quốc gia khác cũng vậy).

Vì vậy, nên sử dụng đội ngũ nhà nghiên cứu chuyên sâu để cộng tác, tư vấn cho Đại biểu Quốc hội; và từ phía các Đại biểu cũng nên khiêm tốn, chủ động tìm kiếm chuyên gia của từng lĩnh vực để học hỏi để nhấn nút thông qua một cách có trách nhiệm cao nhất.

Đừng diễn đạt Luật theo kiểu phải “qua cửa nhà mình”

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, việc chậm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật đã trở thành chủ đề bàn thảo suốt một thời gian dài. Thậm chí Luật đã có hiệu lực, nhưng Nghị định vẫn còn đang xây dựng dở dang và tồn tại rất nhiều vấn đề rắc rối chưa được tiếp thu, tháo gỡ một cách thẳng thắn.

Trước hết cần khẳng định rằng, quy trình làm luật của chúng ta đang gặp khá nhiều vấn đề, trong đó nổi lên ba ý chính: Thứ nhất là thiếu tính đồng bộ giữa các Luật có liên quan; Thứ hai là thiếu tính chủ động; Thứ ba là chưa có đủ cơ chế kiểm soát một cách có hệ thống việc diễn đạt nội dung trong cả Nghị định và Thông tư để triển khai đúng mục đích, ý nghĩa của Luật.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết: “Chúng ta thấy trên thực tế có nhiều bộ Luật ngay khi ban hành ra đã phát hiện những vấn đề bất cập. Đó là do quy trình xây dựng luật thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền, thiếu cả những người thực sự có trình độ chuyên sâu tham gia vào công tác này.

Tôi cũng đã từng tham gia vào việc tư vấn cho một số đơn vị; và trong quá trình ấy có điều kiện biết được quy trình của một số nơi rất ẩu. Nhiều nơi giao cho chuyên viên (thậm chí rất non kinh nghiệm) viết theo kiểu “lắp ráp, lắp ráp”; rồi phải diễn đạt làm sao để “qua cửa nhà mình”. Đây là vấn đề rất nguy!

Tôi e ngại lợi ích nhóm sẽ chi phối về định hướng dòng chảy lối diễn đạt khi xây dựng các văn bản thực hiện Luật; và vì vậy mà các đơn vị tham gia vào luôn muốn thể hiện vai trò của mình nổi trội lên, nắm quyền chi phối và “ban phát”, “xin cho” khi mà áp dụng vào thực tế. Các đơn vị xây dựng Nghị định, Thông tư triển khai Luật lại chính là các bộ ngành ở lĩnh vực đó; cho nên có ý kiến lo ngại dẫn tới tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” là hoàn toàn chính xác.

Thứ ba là như nhiều chuyên gia từng làm ở các cơ quan nhà nước chia sẻ thì chúng tôi nắm được rằng quá trình xây dựng các văn bản thi hành Luật có sự tham gia của những người trình độ thấp, không có thực tiễn…;. Việc tổ chức lấy ý kiến giữa các đơn vị trong một cơ quan cũng chỉ đạt được hiệu quả thấp, có tính hình thức; vì người ta ngại đụng chạm vào quyền lợi của nhau. Thế rồi cứ như vậy cho qua, trình lên ký là xong! Đấy cũng là lý do vì sao có những văn bản vừa ban hành đã ‘chết yểu’.

Thứ tư là thiếu một bộ phận kiểm tra xuyên suốt toàn bộ quá trình này từ trên xuống dưới để chắc chắn Nghị định, Thông tư được ban hành đúng tinh thần của Luật một cách khách quan; thậm chí còn phải gỡ được những khó khăn, nút thắt mà Luật chưa thể hiện rõ để Luật đi vào và thúc đẩy đời sống đi lên”.

Hệ quả từ những vấn đề này là một loạt những di chứng lâu dài cho đất nước, đó là: Làm giảm hiệu quả luật rất rõ ràng, nói thẳng ra thì đó là sự thất bại; gây ra những ách tắc lớn trong xã hội, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp… tiếp tục làm giảm uy tín của cơ quan nhà nước. Đó cũng là lý do vì sao đường lối mà Đảng, Nhà nước chỉ ra thì rất đúng, định hướng rất đúng, nhưng đến khi thực hiện thì lại có tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh” là vì vậy.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong nêu hai giải pháp: “Một là phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa, nâng số lượng đại biểu chuyên trách trong Quốc hội lên; bởi vì như hiện nay thì khi thảo luận về các luật chỉ có một phần các đại biểu nghiên cứu thực sự hiểu sâu.

Hai là nếu như được phải chuyển ngay việc xây dựng luật ra khỏi các bộ để chặn tình trạng ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Hãy lựa chọn những người có trình độ tốt nhất ở các bộ đưa lên Quốc hội cùng với chuyên gia ngoài để xây dựng luật. Đại biểu chỉ thẩm định, thông qua; ngăn chặn hiệu quả chuyện vừa làm vừa tính chuyện lợi ích của bộ.

Đồng thời phải tăng cường rà soát liên ngành để kiểm soát khách quan, đánh giá độc lập. Tôi chưa thấy ai kiểm tra, bắt lỗi, chỉ ra trách nhiệm của từng cá nhân về việc các cá nhân này đã không đưa vào các góp ý, phản biện của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong quá trình xây dựng luật hoặc văn bản triển khai thi hành luật”.

Ngọc Quang