Luật Giáo dục cần bổ sung quy định thí điểm chương trình giáo dục phổ thông

14/03/2018 08:43
Thanh Sơn
(GDVN) - Đó là ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Được biết, tại dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi Điều 29 về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bao gồm các quy định về tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện chương trình, vấn đề xã hội hoá trong khâu biên soạn sách giáo khoa, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung như đề xuất là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. 

Luật Giáo dục cần bổ sung quy định thí điểm chương trình giáo dục phổ thông ảnh 1
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Luật Giáo dục cần bổ sung quy định thí điểm chương trình giáo dục phổ thông (Ảnh minh họa: Nguồn VTV)

Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Nguyên tắc lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa; quy định về cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành sách giáo khoa (trợ giá, đấu thầu, đặt hàng…) bảo đảm công bằng, minh bạch, phù hợp với Luật Xuất bản và pháp luật có liên quan. 

Luật Giáo dục cần bổ sung quy định thí điểm chương trình giáo dục phổ thông ảnh 2Sách giáo khoa mới xin đừng mắc những lỗi này

Đồng thời, bổ sung quy định về việc thí điểm chương trình giáo dục phổ thông, về việc thực hiện nhiều chương trình trong cơ sở giáo dục phổ thông, về việc sử dụng các tài liệu dạy học khác song song hoặc thay thế sách giáo khoa.

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, vào cuối tháng 11/2017, theo dự thảo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã nêu rõ: 

Điều 29. Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa

1. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, những nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông là thống nhất trong cả nước và việc tổ chức thực hiện đảm bảo tính linh hoạt.

2. Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu về phẩm chất và năng lực quy định trong chương trình giáo dục của các môn học ở mỗi lớp của giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu về phương pháp giáo dục phổ thông.

Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. 

3. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông; phê duyệt sách giáo khoa để sử dụng trong dạy và học ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa;

Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.”.

Thanh Sơn