Lối ra nào cho chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 xếp hạng, xếp lương giáo viên?

21/11/2021 08:16
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục nên sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo hướng Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng giảng viên.

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục nên chỉnh sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT dựa theo nội dung Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng giảng viên đại học là ổn.

Thời gian qua, nhiều giáo viên bậc tiểu học than phiền rằng, thầy cô đang giữ hạng II bỗng nhiên bị “tụt” xuống hạng III khi hiệu trưởng chuyển xếp hạng theo Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp hạng viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.

Thầy cô chưa làm ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn nên không đạt các tiêu chí về tiêu chuẩn 1 (nhiệm vụ)”. Mục 1, Điều 4 Thông tư 02 quy định giáo viên tiểu học hạng II (mã số: V.07.03.28) phải thực hiện các nhiệm vụ với 9 tiêu chí nên hầu như không ai đạt được.

Ngoài ra, cá nhân tôi nhận thấy, quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 còn bất cập ở các phần “Nhiệm vụ”; “Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp”; “Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng”; “Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ”.

Công văn 1077 chưa giải quyết bất cập khi bổ nhiệm hạng chức danh

Để giải quyết một số bất cập, ngày 18/10/2021, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục ra Công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB về việc triển khai thực hiện Thông tư số 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo công văn, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm.

Công văn nêu rõ: “Nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trong các thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT là những công việc giáo viên phải thực hiện sau khi được bổ nhiệm vào hạng (nếu nhà trường được giao và giáo viên được hiệu trưởng phân công triển khai nhiệm vụ).

Do đó, khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, không căn cứ vào các nhiệm vụ được quy định tại tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm mà sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng cơ sở giáo dục giao nhiệm vụ đối với những giáo viên này và giáo viên đó phải thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Ảnh minh họa: Nhandan.vn

Những tưởng rằng, Công văn số 1077 đã giải tỏa những bất cập khi cơ sở giáo dục xếp hạng giáo viên còn bất nhất và đặc biệt là “cứu cánh” cho nhiều giáo viên bị rớt hạng oan nhưng thực tế không phải như vậy.

Bởi phần “Hướng dẫn thực hiện và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp” của chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 đều yêu cầu:

“Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Có thể thấy rằng, Công văn số 1077/NGCBQLGD-CSNGCB không thể phủ quyết chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 nên không có cơ sở thực hiện. Theo tìm hiểu của người viết, nhiều hiệu trưởng khi bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp chỉ căn cứ vào chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT mà thôi.

Cần điều chỉnh chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 theo hướng nào?

Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục nên sửa chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT theo hướng Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng giảng viên đại học là ổn.

Ngày 10/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng giảng viên đại học.

Theo đó, giảng viên đại học được thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III lên hạng II, hạng II lên hạng I khi đáp ứng được các tiêu chuẩn, điều kiện:

- Cơ sở giáo dục đại học công lập có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử tham dự kỳ thi/xét thăng hạng.

- Đang giữ chức danh nghề nghiệp giảng viên ở hạng thấp hơn liền kề.

- Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên chính.

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt.

- Không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức;

- Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận nhiệm vụ chức danh nghề nghiệp thi/xét thăng hạng.

- Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi/xét thăng hạng.

- Đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu tùy từng hạng chức danh nghề nghiệp.

Một vài ý kiến đề xuất

Theo ý kiến cá nhân tôi, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thi, xét thăng hạng giảng viên đại học là cụ thể, rõ ràng, có thể áp dụng cho giáo viên các cấp.

Để bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên được công bằng, khách quan, tạo điều kiện để viên chức phát huy năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, tôi đề xuất Bộ Giáo dục quy định các tiêu chuẩn, điều kiện của giáo viên khi tham gia thi/xét thăng hạng như sau.

Thứ nhất, cơ sở giáo dục xây dựng hoàn thiện đề án vị trí việc làm gắn với hạng chức danh nghề nghiệp. Xác định cụ thể cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp giáo viên phù hợp với điều kiện của nhà trường và bảo đảm thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển của đội ngũ nhà trường.

Thứ hai, đang giữ chức danh nghề nghiệp ở hạng thấp hơn liền kề.

Thứ ba, được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Ưu tiên giáo viên đạt nhiều thành tích, xét từ cao xuống thấp.

Thứ tư, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt được hội đồng trường bỏ phiếu đạt trên 80%.

Thứ năm, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận nhiệm vụ chức danh nghề nghiệp thi/xét thăng hạng.

Thứ sáu, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thi/xét thăng hạng.

Thứ bảy, đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu tùy từng hạng chức danh nghề nghiệp. Chẳng hạn, giáo viên hạng III lên hạng II tối thiểu phải có 4 năm công tác; hạng II lên hạng I tối thiểu là 7 năm công tác.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/tin-van-ban-moi/xet-thang-hang-giang-vien-dai-hoc-186-33958-article.html

https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-thong-Van-tai/Cong-van-1077-NGCBQLGD-CSNGCB-2021-thuc-hien-Thong-tu-01-2021-TT-BGDDT-cua-Bo-Giao-duc-492347.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên