Vụ "canh gà Thọ Xương":

Lời kể của một thầy giáo nhiều lần... "bị ném đá"

19/10/2012 06:38
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - "Tôi đã từng đeo kiềng ở cổ tay để nhớ cái cảm giác an toàn ấm áp khi mẹ tôi đeo cho tôi lúc nhỏ, nhưng tôi đã bị "ném đá" vì tôi là thầy giáo. Tôi đã từng mở rộng Facebook của mình theo cách các doanh nghiệp hay làm để chia sẻ được những kiến thức bổ ích cho nhiều bạn trẻ, và tôi cũng bị ném đá vì tôi là “người trong ngành giáo dục”. Tôi cũng mò mẫm những bước đi mới trong việc giảng dạy qua video clip và cũng có những sai sót, một số "gạch đá" cũng đã đến với tôi...".
LTS: Qua sự việc cô giáo Hà Thị Thu Thủy - GV Văn Trường THPT Lômônôxôp (Từ Liêm, Hà Nội) gặp sự cố về "tai nạn nghề nghiệp" trong sai sót của học sinh về “canh gà Thọ Xương”, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, người được giới trẻ hâm mộ với seri clip "Tháo gỡ chuyện khó đỡ".

- Theo một tờ báo đăng tải, cô giáo Thủy đã nhận lỗi là do không chữa bài chu đáo, không kiểm tra học sinh có sửa hay không nên nhiều em vẫn hiểu sai. Theo thầy thì lỗi đó thuộc về nghiệp vụ hay kiến thức của người giáo viên?

Một thạc sĩ văn học, tốt nghiệp 10/10, có thâm niên giảng dạy vài năm thì việc mắc lỗi kiến thức sơ đẳng như thế là điều không tưởng. Về phương pháp (nghiệp vụ) thì cô cũng không sai. Những lỗi chung, lỗi lớn trong bài làm cô đem ra sửa trước lớp và yêu cầu học sinh tự sửa chữa là hoàn toàn đúng. Thiếu sót ở đây chỉ là học sinh không tự chữa bài và cô được thuyên chuyển lớp và chưa bàn giao việc kiểm tra bài cho giáo viên mới. Đó là một sơ suất mà cô khó ngờ được.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu "gây sốt" cộng đồng mạng.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu "gây sốt" cộng đồng mạng.

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

- Thầy có cho rằng, cái giá cô giáo Thủy phải trả cho sức ép của dư luận là quá lớn?

Tôi nghĩ cái giá đó không phải dành cho cô Thủy. Cái giá đó là dành cho nền giáo dục Việt Nam. Cô Thủy chỉ là một nhân vật trong một bàn cờ đã ít nhiều hỗn loạn. Hậu quả của việc không sửa bài trực tiếp vào bài làm của học sinh chẳng đáng là gì, nhưng lượng "đá" mà cô đã nhận được thì còn hơn nhiều kẻ giết người cướp của. 

Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ danh dự thì cô Thủy không trả giá quá đắt đâu! Cô đã bị xúc phạm trong giai đoạn đầu. Thế nhưng xã hội không phải tất cả mọi người đều mù quáng: Học sinh đã lập trang Facebook kêu gọi ủng hộ cô và có hơn 5000 thành viên, đồng nghiệp ủng hộ cô, người thân ủng hộ cô, phần lớn xã hội đã nghiêng về phía cô để bảo vệ cho cô. Nếu xét đến đầu đến đũa thì sau sự việc này, cô được yêu mến nhiều hơn là ghét bỏ. 

Tuy nhiên, cái giá lớn nhất là sự tổn thương trong lòng cô, đó là một vết sẹo khó phai mờ, có thể giết chết sự nhiệt thành trong đổi mới phương pháp giảng dạy và khuyến khích sự chủ động sáng tạo của học sinh. Còn một cái giá nữa mà chúng ta phải trả, đó là sự tổn thương của các em học sinh trong cái nhìn về người lớn. Trong khi nhiều người lớn thiếu sáng suốt ném đá cô giáo của các em thì các em là người đứng lên cất tiếng nói bảo vệ cô mình. Liệu sau sự việc này, trẻ con sẽ nghĩ gì về chúng ta? Về những người mang danh là "người lớn" ?

Tuy nhiên, có một số người cần phải được cảnh tỉnh và trả giá cho việc làm sai trái của mình. Đó chính là những người đã "ném đá" cô một cách mù quáng và hết sức vô tâm, những ngòi bút đã lạnh lùng giết chết tâm hồn và lòng nhiệt huyết của một cô giáo trẻ. Trò làm sai thì thầy phải sửa, người làm sai thì phải phạt để răn đe.
- Là một Thạc sĩ dạy về tâm lý, thầy có thể phân tích tâm lý trong phản ứng của cô giáo Thủy sau khi chịu sức ép của búa rìu dư luận là viết đơn xin nghỉ dạy, về quê. Có thông tin cho rằng cô đang phải nằm viện do áp lực dư luận. 

Phản ứng của cô rất bình thường. Khi bạn dường như bị cả xã hội quay lưng, thì chúng ta có xu hướng tìm về một nơi ẩn náu an toàn cho tâm hồn mình, đó chính là gia đình. Việc xin lỗi về sơ suất trong việc bàn giao chữa bài, viết đơn xin nghỉ dạy thể hiện sự tự trọng của cô. Đọc những bài viết và bình luận ác ý về mình, hẳn ai cũng cảm thấy oan ức và tổn thương sâu sắc. Lời nói, chữ viết cũng có thể giết người mà. Huống hồ gì đó là một giáo viên giỏi, một giáo viên tâm huyết, một giáo viên trẻ.

Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu rất được học trò yêu mến.
Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu rất được học trò yêu mến.

- Thầy có lời khuyên nào cho cô giáo Hà Thủy trong thời gian này?

Không ai có thể làm tổn thương cô nếu cô không cho phép điều đó xảy ra. Tất cả những người "ném đá" cô không phải là học trò cô, không phải là đồng nghiệp làm việc cùng cô. Họ không hiểu cô và chỉ biết sự việc loáng thoáng qua dăm ba câu chữ. Họ không phải là người quan trọng để cô bận tâm về những lời ác ý.

Thời gian qua xem như một thời gian cô tạm nghỉ ngơi để giúp cả xã hội tỉnh táo hơn, nhận được một bài học cho hành động của mình. Đã đến lúc cô quay về mái trường lớp học để tiếp tục công việc gõ đầu trẻ, khai sáng cho các em. Công việc đổi mới giáo dục còn lắm chông gai, và nền giáo dục già cỗi cần lắm những người trẻ như cô vậy. Một giáo viên luôn bao dung với trẻ, và đôi lúc cũng cần bao dung với cả chính mình.

- Thầy có thể chia sẻ một vài kỷ niệm của thầy về những tai nạn nghề nghiệp thầy đã từng mắc phải và cách xử lý những tai nạn đó của thầy như thế nào?

Gần đây tôi có dựng một số đoạn video clip “Tháo gỡ chuyện khó đỡ” để giải đáp các gút mắc cho teen. Tuy nhiên, trong lúc quay dựng, một phần do mình thiếu nghiêm khắc, một phần do “diễn viên” nghiệp dư đóng chưa đạt đến dụng ý kịch bản nên vẫn còn sơ hở. Tập 1: Đối phó yêu râu xanh, cách giả điên trét “chất bẩn” lên người chưa đủ độ kinh khủng nên chưa thuyết phục. Tập 2: Đối phó cướp xe, ở cách rồ ga, diễn viên quên thể hiện sự hoảng sợ và sự vô tình khi rồ ga nên có thể làm cho tên cướp tức giận mà đâm liều. Nhận được sự góp ý của một số bạn trẻ và đồng nghiệp tâm huyết, tôi quyết định sẽ gỡ hai tập đầu trong loạt video clip này xuống để quay dựng lại, chỉnh sửa lại cho chặt chẽ hơn, an toàn hơn.

- Đã có lần nào thầy bị dư luận “ném đá”?

Đối với một người đang cố gắng tìm tòi dò dẫm những bước đi mới, tôi bị "ném đá" rất nhiều. Tôi muốn thay đổi “tượng đài người thầy” hiện đại, vừa giữ được chuẩn mực của người thầy cũ, vừa có sự mới mẻ, trẻ trung hiện đại và sống tự do với cá tính của mình. Muốn dạy học trò có cá tính, thì ông thầy phải dám sống với chính mình, miễn đừng ảnh hưởng đến môi trường sư phạm.

Tôi đã từng đeo kiềng ở cổ tay để nhớ cái cảm giác an toàn ấm áp khi mẹ tôi đeo cho tôi lúc nhỏ, nhưng tôi đã bị "ném đá" vì tôi là thầy giáo. Tôi đã từng mở rộng Facebook của mình theo cách các doanh nghiệp hay làm để chia sẻ được những kiến thức bổ ích cho nhiều bạn trẻ, và tôi cũng bị ném đá vì tôi là “người trong ngành giáo dục”. Tôi cũng mò mẫm những bước đi mới trong việc giảng dạy qua video clip và cũng có những sai sót, một số "gạch đá" cũng đã đến với tôi. Tôi cũng đã từng nhuộm tóc phơn phớt nâu đen cho trẻ trung và khuôn mặt sáng sủa hơn, và tôi cũng bị một số cái nhìn e dè vì sống với cá tính và sở thích của mình.

- Thầy có cho rằng, sự việc này xảy ra do dư luận quá nghiêm khắc với nghề giáo, do nhiều người đang bất mãn với thực trạng giáo dục nước nhà hay không?

Xã hội Việt Nam rất coi trọng giáo dục, trong khi nền giáo dục hiện tại thì đang loay hoay, trì trệ. Do đó có thể nói xã hội đã có sẵn tâm thế “tức giận” với nền giáo dục nước nhà. Bài viết phê phán cô giáo Thủy chỉ là cái mồi lửa để cơn giận ấy có dịp bùng lên, có dịp mà “xả” cho hả.

Xã hội khắt khe với nghề giáo, đó là điều đáng mừng. Dù điều kiện về chế độ, điều kiện để áp dụng phương pháp dạy học hiện đại còn hạn chế nhưng chúng tôi luôn luôn tự ý thức về công việc của mình, luôn tự yêu cầu cao đối với bản thân mình vì chúng tôi làm việc với con người, những sai lầm nghiêm trọng có thể làm hỏng cả một nhân cách. Tuy nhiên, xin xã hội đừng đánh đồng tất cả sai lầm của chúng tôi đều ở mức độ nghiêm trọng. Chúng tôi cũng là người, cũng có những sai sót nhỏ. Nếu sai sót ấy không gây hậu quả đáng trách thì xin hãy rộng lượng một chút với công việc của chúng tôi. Việc dạy một hai đứa con đã cực, chúng tôi phải dạy dỗ một lúc đến 30-40 đứa con. Hãy đánh giá lỗi lầm của chúng tôi dựa trên mức độ hậu quả chứ đừng chỉ dựa trên lý do “thầy giáo, cô giáo thì phải là người hoàn hảo”.
Thạc sĩ: Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Giảng viên Tâm lý học Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM. Nghiên cứu sinh Tiến sĩ tâm lý học tại Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam.

Công việc hiện tại:
- Giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm Tp.HCM

Kinh nghiệm làm việc:
- Giải thưởng “Tài năng tâm lý trẻ” của TW Hội khoa học Tâm lý Việt Nam năm 2006.
- Giải 3 Nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục – Đào tạo năm 2006.
- Bằng khen của Thành Đoàn Tp.HCM, TW Hội Sinh viên Việt Nam, Bộ Giáo dục – Đào tạo, Đoàn Lực lượng Thanh niên xung phong Tp.HCM.
- Chuyên viên đội tư vấn sức khỏe sinh sản thuộc dự án RAS/03/P51 (Liên minh Châu Âu - EU và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc - UNFPA).
- Chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088.
- Chuyên gia cho các chuyên mục tâm lý của các báo, đài truyền hình, tổ chức xã hội và doanh nghiệp.
- Giảng dạy bậc đại học về các chuyên ngành Tâm lý học Lứa tuổi, Tâm lý học Sư phạm, Tâm lý học Xã hội.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

5 mất mát lớn từ vụ “canh gà Thọ Xương”

Hiệu trưởng, Hiệu phó cùng đi vắng, sinh viên... "dài cổ" chờ bằng

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trường

Vụ "canh gà Thọ Xương" và "HS nhập vai cám": Hai cái kết buồn!

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đỗ Quyên Quyên