Lỗi của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, sao đổ lên đầu giáo viên hợp đồng?

03/04/2019 06:47
Phan Tuyết
(GDVN) - Cha mẹ mất việc, con cái là người chịu khổ nhiều nhất. Liệu có em nào vì gia cảnh quá túng bấn khi ba mẹ bỗng dưng mất việc phải nghỉ học hoặc tạm gác ước mơ?

Thế là “tàn giấc mơ hoa”! Có thể nói không còn hy vọng được đặc cách cho 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn theo đề xuất của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Cũng không được bỏ môn thi ngoại ngữ như mong muốn của biết bao thầy cô giáo nơi đây.

Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)
Nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn đứng trước nguy cơ bị cắt hợp đồng (Ảnh: Vũ Ninh)

Trao đổi với Tuổi trẻ Online về việc này, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, cho biết đây là vướng mắc do quy định hiện hành không cho phép đặc cách, nhưng cũng thừa nhận việc để kéo dài số giáo viên hợp đồng trong nhiều năm là một bất cập. 

Và Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đã chọn giải pháp cho giáo viên đăng ký dự thi được chọn 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc để thi vòng 1 theo quy định.

Chẳng khác gì trò đánh đố

Giải pháp mà Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn đưa ra cho những thầy cô giáo đã cống hiến gần trọn tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục nơi đây từ những ngày còn gian khó, chẳng khác gì trò đánh đố.

Không hiểu họ đã nghĩ gì mà mở ra quy định chọn 1 trong 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc để thi vòng 1?

Đã từng có thầy cô nói rằng ngày xưa (cái thời xa xưa lắm) họ đã từng học tiếng Pháp, tiếng Nga nhưng không có nghĩa họ có thể sử dụng được những ngoại ngữ này để đi thi.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam muốn đặc cách cho 256 giáo viên ở Sóc Sơn

Học 3 năm phổ thông biết bập bà bập bõm, bỏ gần 30 năm chưa bao giờ dùng đến các thầy cô sẽ thi được sao?

Không thi được đồng nghĩa với mất việc. Và công sức bao nhiêu năm cống hiến, tâm huyết với nghề bỗng đổ sông đổ biển.

Kết cục buồn ngày hôm nay lỗi thuộc về ai?

Để kết cục dạy gần 30 năm chưa có công chức lỗi đâu phải do những giáo viên này?

Chính ông Lê Hữu Mạnh, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, cũng thừa nhận, việc để kéo dài số giáo viên hợp đồng trong nhiều năm là một bất cập. 

Bất cập này do ai mà có? Không phải là do cán bộ có thẩm quyền của huyện này hay sao?

Vậy thì lẽ ra, bất cập do chính những người có thẩm quyền nơi đây tạo ra thì phải chính họ gánh chịu lấy hậu quả. Sao lại đổ hết lên đầu những thầy cô vô tội kia chứ?

Thế nhưng “Huyện chỉ có thể tạo điều kiện cho giáo viên hợp đồng sẽ tham gia kỳ thi tuyển dụng bồi dưỡng kiến thức để đi thi.

Sau kỳ tuyển dụng, nếu còn thiếu giáo viên thì các trường đề xuất hợp đồng lại giáo viên cũ, nhưng sẽ theo chế độ lương khởi điểm. Hiện huyện Sóc Sơn - Hà Nội còn thiếu 685 giáo viên”. [1]

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bật khóc trước nguy cơ mất việc

Họ mở ra quy định có vẻ như nhân đạo “nếu còn thiếu giáo viên thì các trường đề xuất hợp đồng lại giáo viên cũ.

Thế nhưng khi được hợp đồng lại chế độ tiền lương giáo viên chỉ nhận theo chế độ lương khởi điểm”.

Một giáo viên với gần 30 năm công tác mức lương cũng đã gần 8 hoặc 9 triệu đồng/tháng, nhưng nếu được nhận hợp đồng lại chỉ còn nhận hơn 2 triệu đồng. Hỏi còn gì nghiệt ngã hơn thế?

Rồi đây, hơn hai trăm thầy cô giáo ấy sẽ phải sống thế nào? Đâu phải dễ gì để kiếm cho mình một công việc mới trong khi không ít người tóc đã hoa râm?

Nếu tổ chức thi công chức như quy định vài ba năm một lần khi nhân lực thiếu thì những thầy cô giáo trượt nay cũng đã an phận ở một nơi khác hoặc một ngành nghề khác.

Cha mẹ mất việc, con cái là người chịu khổ nhiều nhất. Liệu có em nào vì gia cảnh quá túng bấn khi ba mẹ bỗng dưng mất việc phải nghỉ học hoặc tạm gác ước mơ? Càng nghĩ càng thấy thật là đau xót.

Tài liệu tham khảo

[1]https://tuoitre.vn/giao-vien-hop-dong-o-soc-son-duoc-chon-1-trong-5-ngoai-ngu-thi-tuyen-2019040217384332.htm{1}

Phan Tuyết