Loại bỏ hai bộ sách không hề được báo trước và không được sử dụng 1 trang nào cả

27/03/2021 07:25
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong thực tế chỉ còn 2 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" chứ 2 bộ còn lại hoàn toàn “biến mất”, không hề còn một “dấu vết” nào.

Từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (hay còn gọi là Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa.

Trong đó, có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 1 bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm học 2021-2022 tới đây, ngành sẽ tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn và phát hành 2 bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo".

Như vậy, so với sách giáo khoa lớp 1 thì đã không còn bộ "Cùng học để phát triển năng lực" và bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".

Theo lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì việc "hợp nhất" hai bộ sách nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, điều này gây nhiều lo lắng trong giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh. Bởi sách giáo khoa dù được viết trên cơ sở chương trình chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhưng mỗi bộ đều có cách tiếp cận, triển khai, biên soạn và mang bản sắc riêng.

Triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn và phát hành 2 bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" (ảnh: NXBGDVN)

Triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ biên soạn và phát hành 2 bộ sách giáo khoa "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" (ảnh: NXBGDVN)

Trước thông tin này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Nhà giáo ưu tú Lã Nhâm Thìn (nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - Tổng chủ biên sách Ngữ Văn lớp 6 bộ "Cùng học để phát triển năng lực" khẳng định:

"Việc hợp nhất 4 bộ thành 2 bộ sách giáo khoa như Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam thông tin là không đúng. Bởi trong thực tế chỉ còn 2 bộ sách giáo khoa chứ 2 bộ còn lại hoàn toàn “biến mất”, không hề còn một “dấu vết” nào".

Giáo sư – Nhà giáo ưu tú Lã Nhâm Thìn cho rằng việc làm sách giáo khoa cần rất cẩn trọng, mất nhiều công sức, trí tuệ, nghiên cứu chương trình, lập đề cương tổng thể của từng cấp học. Sau đó, người làm sách phải xác lập được cấu trúc, mô hình sách cho cả sách giáo khoa, sách giáo viên và sách bài tập.

Bên cạnh đó, các tác giả phải lựa chọn ngữ liệu và bàn bạc lấy ý kiến nên sử dụng ngữ liệu nào cho phù hợp. Sách giáo khoa phải thể hiện được tinh thần đổi mới, phát huy được phẩm chất và năng lực của học sinh… Đây là quá trình dài hơi, tốn nhiều trí lực và tâm huyết của đội ngũ chuyên gia. Họ liên tục làm việc qua nhiều năm liền không phải vài tháng là có thể hoàn thành bản thảo sách.

Ấy thế mà việc quyết định loại bỏ hai bộ sách không hề được báo trước và không được sử dụng 1 trang nào cả.

Hơn nữa, thầy Thìn cũng đưa ra lý do các tác giả chấp nhận loại bỏ còn hơn hợp nhất hai bộ sách lại bởi mỗi bộ sách có tư tưởng, tính triết lý riêng, phương pháp tiếp cận riêng, phương pháp dạy học không giống nhau. Đặc biệt, mỗi sách có kết cấu riêng nên các tác giả không đồng tình với việc hợp nhất.

“Hợp nhất tinh hoa giữa các tác phẩm một cách cơ học là điều không thể. Không hợp nhất nên sẽ không có chuyện phát huy nguồn lực trí tuệ của các tác giả và cũng không có chuyện 2 bộ được giữ lại phát huy được ưu điểm của các bộ đã bị loại”, Giáo sư Lã Nhâm Thìn nhấn mạnh.

Về lý do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra khi hợp nhất các bộ sách với mục đích tập trung phát huy nguồn lực trí tuệ của các tác giả, tập trung kinh phí đầu tư theo thầy Thìn là hoàn toàn không đúng.

Bởi theo thầy Thìn, tại sao không hợp nhất từ đầu, không có kế hoạch và tầm nhìn, để đến khi các tác giả hoàn thành bản thảo mới tính đến hợp nhất, hậu quả để lại rất đáng tiếc. Đó là sự lãng phí về thời gian, tiền bạc, trí tuệ, công sức và chất xám.

Cả bộ sách giáo khoa bao nhiêu công sức giờ chịu cảnh “biến mất”. Đó là chưa kể đến lãng phí về cơ hội, mà các tác giả mong muốn đem đến cho học sinh, giáo viên và địa phương những bộ sách tốt nhất, phù hợp nhất.

Trước đó, trong thông báo phát đi ngày 10/3 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì trong quá trình biên soạn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thay đổi chủ trương, hợp nhất 4 bộ sách thành 2 bộ. Theo đó, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống được hợp nhất từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Cùng học để phát triển năng lực; bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Thùy Linh