Liệu Bộ Giáo dục có dẹp được tình trạng "ép" học sinh yếu không được thi vào 10?

26/04/2022 08:29
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thanh tra Bộ Giáo dục hãy nhanh chóng vào cuộc xác minh việc "ép" học sinh học yếu không được thi vào 10 nhằm xử lí sai phạm, lấy lại công bằng cho học sinh.

Ngày 20/4/2022, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin phụ huynh cho biết, một trường học ở Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10.

Cùng ngày, Tạp chí đưa tin "Một trường ở Thạch Thất bị tố 'ép' học sinh học yếu không được thi vào 10". [1]

Hướng nghiệp, phân luồng kiểu lạ đời

Ngay sau đó, Bộ Giáo dục cho biết đã nắm được thông tin về việc này và đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Cùng với đó, Bộ giáo dục cung cấp địa chỉ e-mail và số điện thoại để phụ huynh phản ánh - nếu có thông tin và minh chứng.

Tôi cho rằng, động thái này của Bộ Giáo dục là nhanh chóng, kịp thời vì liên quan đến quyền lợi của học sinh trước mùa tuyển sinh đang cận kề. Tuy vậy, tôi cũng rất băn khoăn, không biết có phụ huynh nào dũng cảm đứng ra những tố cáo những sai trái, khuất tất của trường học hay không?

Giả sử, có phụ huynh nào đó cung cấp thông tin, minh chứng, liệu hiệu trưởng có đỗ lỗi cho giáo viên làm trái hoặc tệ hại hơn nữa là họ chối bay chối biến bằng cách "lách luật" như "hướng nghiệp", "phân luồng", "tư vấn tuyển sinh"... thì sự việc có thể sẽ "chìm xuồng".

Các cơ quan quản lí giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật mới chữa khỏi căn bệnh ngụy thành tích trầm kha trong giáo dục. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Lã Tiến/GDVN)

Các cơ quan quản lí giáo dục cần nhìn thẳng vào sự thật mới chữa khỏi căn bệnh ngụy thành tích trầm kha trong giáo dục. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Lã Tiến/GDVN)

Đúng như tôi dự đoán, trả lời phóng viên Tạp chí, thầy Kiều Đăng Cường – Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Thạch Thất cho biết: "trong ngành giáo dục về quản lý Nhà nước không ai lại có chủ trương và chỉ đạo việc làm thiếu tính nhân văn như vậy cả". [1]

Có thể về mặt chủ trương, thầy Cường nói đúng, nhưng có lẽ thầy đã vội vàng khi phủ nhận sự việc mà không đồng hành cùng phụ huynh tìm hiểu ngọn nguồn thấu đáo.

Điều đáng nói là, các sự việc tương tự như vậy cũng được báo chí từng phản ánh từ năm 2017, năm học 2017-2018, Sở Giáo dục Hà Nội cũng từng ra văn bản nghiêm cấm các trường không được ép, vận động học sinh không thi vào 10 nhưng đến nay vẫn tồn tại.

Còn thầy Vũ Anh Lâm – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) nói rằng, trong công tác phân luồng học sinh, có một cô giáo chủ nhiệm trong khối lớp 9 có nói học sinh là những em nào không muốn thi vào 10 thì viết đơn tự nguyện. [1]

Nói thẳng, hiệu trưởng để giáo viên cho học sinh viết đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 là sai về mặt quản lí. Bởi Luật Giáo dục và các văn bản dưới luật hiện hành đều không có quy định nào về mẫu "đơn tự nguyện" lạ đời như thế.

Và lâu nay dư luận cũng râm ran lời ong tiếng ve rằng, một số tỉnh thành có hiện tượng "ép" học sinh học yếu không được thi vào 10 là do phòng, lãnh đạo trường "bật đèn xanh" chỉ đạo giáo viên. Nếu không có chuyện này, giáo viên mấy ai hành xử phản giáo dục với học sinh chỉ mới tuổi 15 như thế?

Rất may, Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu trưởng Phòng Giáo dục các quận, huyện, thị xã rà soát, kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm hiện tượng vận động học sinh không tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kể cả các năm sau (nếu có).

"Ép" học sinh không thi vào 10 hoặc chuyển trường là vi phạm Hiến pháp và pháp luật

Bài viết "Phụ huynh có con bị ép không thi vào lớp 10: tôi không thể im lặng được nữa" ngày 21/4/2022 đăng tải trên Báo Lao Động cho biết, chị H.H (phụ huynh trường Trung học cơ sở Vĩnh Hưng - Hoàng Mai, Hà Nội) rất hối tiếc đã không lên tiếng sớm hơn, không mạnh mẽ đấu tranh đến cùng để không phải ký vào lá đơn xin cho con không thi vào lớp 10. [2]

Tiếp đến, bài viết "Phụ huynh lên tiếng: Hướng nghiệp chỉ là bình phong" ngày 23/4/2022 trên Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời phụ huynh Ngô Đăng Vinh, có con học lớp 9 năm ngoái tại Hà Nội thẳng thắn nói, "cái gọi là hướng nghiệp ấy chỉ là bình phong, nhằm che chắn cho động cơ thật sự phía sau của các nhà trường, đó là thành tích".

Tiếp theo, bài "Một cô giáo tự nhận là người buộc học sinh viết cam kết không thi lớp 10" ngày 23/4/2022 trên Báo VietNamNet cho biết, cô Nguyễn Cao Phương T. – giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) - tự nhận mình là người buộc học sinh viết cam kết không thi lớp 10. [3]

Bên cạnh trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông cũng có tình trạng "ép" học sinh yếu không được thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ngày 25/4/2022, Báo VTC News đưa tin, đại diện Sở Giáo dục Hà Nội xác nhận thông tin một số phụ huynh, giáo viên tố trường Trung học phổ thông Tự Lập (Hà Nội) vận động học sinh không tham gia thi tốt nghiệp. Sở Giáo dục đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh thông tin này. Đây là sự việc kéo dài một thời gian, không phải mới xảy ra. [4]

Như thế để thấy rằng, nhiều địa phương trên cả nước có hiện tượng "ép" học sinh học chưa tốt không thi vào lớp 10 hoặc chuyển trường, còn học sinh 12 thì không thi tốt nghiệp. Việc này đã được một số phụ huynh, giáo viên thừa nhận.

Cá nhân tôi cho rằng, trường nào cam tâm làm chuyện này là mắc hàng loạt vi phạm về quyền trẻ em được ghi trong Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.

Chẳng hạn, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". [4]

Khoản 1 Điều 37 Hiến pháp ghi rõ: "Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em".

Hay, khoản 6 Điều 6 Luật trẻ em (Luật số: 102/2016/QH13) quy định các hành vi bị nghiêm cấm: "Cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình". [5]

Khoản 1, khoản 2 Điều 16 quy định "trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh".

Hoặc, khoản 1 Điều 13 Luật Giáo dục quy định: "Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập".

Vậy nên, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành có liên quan hãy nhanh chóng vào cuộc để xác minh vụ việc, dựa vào thông tin mà phụ huynh và giáo viên đã cung cấp, nhằm xử lí những cá nhân, tổ chức vi phạm để lấy lại công bằng cho học sinh.

Còn Bộ Giáo dục chỉ yêu cầu phụ huynh "cung cấp thông tin, minh chứng", rồi sở giáo dục chỉ đạo các phòng giáo dục "kiểm tra, rà soát, xác minh", tôi nghĩ sự việc "ép" học sinh học yếu không được thi vào 10 (hay không thi tốt nghiệp) sẽ chẳng giải quyết gì được đâu.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/mot-truong-o-thach-that-bi-to-ep-hoc-sinh-hoc-yeu-khong-duoc-thi-vao-10-post225951.gd

[2] //laodong.vn/video/phu-huynh-co-con-bi-ep-khong-thi-vao-lop-10-toi-khong-the-im-lang-duoc-nua-1036513.ldo?fbclid=IwAR1y8uJpxaLgHJ4L1w-3NxDT6rfo_e0Ccd_GIX4ZyNvM-koMX1Z_-hjQtrU

[3] //vietnamnet.vn/mot-co-giao-tu-nhan-la-nguoi-buoc-hoc-sinh-viet-cam-ket-khong-thi-lop-10-2011548.html

[4] //vtc.vn/truong-bi-to-ep-hoc-sinh-bo-thi-tot-nghiep-thpt-so-gd-dt-ha-noi-noi-gi-ar673234.html

[5] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-nam-2013-215627.aspx

[6] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-tre-em-2016-303313.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên