Lịch sử là môn tự chọn, nguy cơ trường đại học sẽ bị cạn nguồn tuyển sinh

18/04/2022 07:21
Thiên Ân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong chương trình mới đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ chính thức trở thành môn lựa chọn. Nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ quay lưng với môn học này.

Chỉ 4 tháng nữa, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp.

Theo đó, Lịch sử sẽ thuộc nhóm môn lựa chọn. Nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ quay lưng với môn học này bởi tình trạng học trò không ham thích học Lịch sử, điểm thi thấp đã được bàn nhiều năm nay.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy Trần Huy Đoàn - cựu giáo viên dạy Lịch sử tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhận định, Lịch sử là môn học quan trọng, có những đóng góp to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, hình thành nên nhân cách con người Việt Nam.

Nhưng tại sao học sinh không hứng thú với môn học này, điểm thi thường rất thấp? Theo thầy Đoàn, hiện nay có tới 90% học sinh học với mục đích thi vào các trường đại học, cao đẳng để sau tốt nghiệp nhận được một công việc làm tốt, thu nhập đủ trang trải cuộc sống.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Thực tế, các trường đại học khối kỹ thuật, kinh tế, thậm chí cả những trường đào tạo khối ngành xã hội đều đang có xu hướng phân bổ chỉ tiêu xét tuyển ở tổ hợp môn Khoa học tự nhiên nhiều hơn tổ hợp Khoa học xã hội. Đây cũng là một trong những lý do khiến các em học sinh không mấy mặn mà với môn Lịch sử.

"Nhiều người nói sinh viên học kinh tế biết lịch sử cũng bằng thừa, đi làm không áp dụng được vào thực tế do đó đưa Lịch sử vào tổ hợp môn tuyển sinh là không phù hợp. Với tôi, quan điểm này sai hoàn toàn bởi một nhà kinh tế, một người chủ doanh nghiệp cũng cần có vốn kiến thức về lĩnh vực này.

Tôi lấy ví dụ như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1933 để lại hậu quả vô cùng to lớn đó là lạm phát, hàng hoá khan hiếm, giá cả leo thang, giá vàng leo dốc. Tiếp đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản có tính chu kỳ vào năm 1973, 1982, 2008... nếu những nhà kinh tế hiểu các sự kiện lịch sử này thì chắc chắn họ sẽ đưa ra được chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và tiếp đó là tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vừa qua.

Suy cho cùng, học Lịch sử không thừa với bất cứ ngành nghề nào", cựu giáo viên dạy Lịch sử tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nêu quan điểm.

Thầy Đoàn bày tỏ lo ngại, nếu học sinh ít chọn hoặc không chọn môn học này thì các trường trung học phổ thông sẽ phải giải bài toán nhân sự và trả lương như thế nào? Mặt khác, các trường đại học đào tạo khối ngành Lịch sử cũng rất dễ rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển sinh.

Cũng theo thầy Trần Huy Đoàn, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử một số năm khá khó, dẫn đến phổ điểm của môn học này luôn xếp ở vị trí cuối bảng. Nhìn từ thực tế đó, học sinh cũng e dè hơn khi lựa chọn môn.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những điều chỉnh trong cách ra đề thi môn Lịch sử cho đúng với định hướng phát triển năng lực của học sinh, không nên hỏi xoáy vào số liệu, chi tiết sự kiện, bắt học sinh phải nhớ, phải học thuộc một cách máy móc.

Bên cạnh đó, để học sinh yêu thích lịch sử, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, đi sâu vào phân tích, đánh giá từng sự kiện hay nhân vật lịch sử, làm cho bài học không chỉ là quá khứ, mà còn mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, giờ học cũng phải phát huy được khả năng sáng tạo, cá tính riêng biệt của từng học sinh. Có như vậy, các em mới không sợ, không chán môn Lịch sử.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng xuất phát từ Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo tôi, không có chương trình hay kế hoạch nào hoàn hảo 100%, khi triển khai sẽ bộc lộ những ưu điểm, hạn chế. Đối với ưu điểm, chúng ta tiếp tục phát huy còn hạn chế thì khắc phục, điều chỉnh sao cho phù hợp".

Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển cho rằng, thực tế, chương trình chưa triển khai đối với khối lớp 10, chưa có số liệu học sinh đăng ký môn Lịch sử nên hiện tại chưa thể kết luận việc môn Lịch sử có bị "xóa trắng" hay không.

Tuy nhiên, thời gian tới khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu tình trạng học sinh ít lựa chọn môn Lịch sử xảy ra thì các trường có thể tham khảo giải pháp mở lớp học kiến tạo.

"Lớp học kiến tạo không yêu cầu số lượng người học quá lớn, nhà trường sẽ điều tiết học sinh và cân đối sĩ số sao cho phù hợp. Mô hình này cũng giúp các trường giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, ngày trước 100% học sinh học Lịch sử, nếu giờ chỉ còn 40%, trường vẫn có thể mở 2 lớp", nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm.

Thiên Ân