Lấy ý kiến về tăng học phí ở Hà Nội: Mỗi quận, huyện làm một kiểu

24/06/2022 10:51
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc phát phiếu khảo sát lấy ý kiến về tăng học phí ở Hà Nội mỗi nơi một kiểu, nơi chọn đối tượng khảo sát ngẫu nhiên, nơi lại thực hiện khảo sát đại trà.

Ngày 20/6, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, việc lấy ý kiến phụ huynh, giáo viên triển khai bằng phát phiếu, do các phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục công lập thực hiện.

Tham gia phản biện dự thảo này, một số đại biểu đặt nghi vấn với số liệu hơn 72% phụ huynh và giáo viên đồng ý tăng học phí.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi, tìm hiểu quy trình khảo sát lấy ý kiến các phòng ggiáo dục và đào tạo của một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Có nhiều ý kiến băn khoăn trước kết quả khảo sát 72% người đồng ý tăng học phí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoài Ân

Có nhiều ý kiến băn khoăn trước kết quả khảo sát 72% người đồng ý tăng học phí của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Ảnh minh họa: Hoài Ân

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Nam Từ Liêm cho biết ngay sau khi nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về việc khảo sát lấy ý kiến tăng học phí, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã tiến hành.

Theo đó, các phiếu khảo sát được thực hiện theo mẫu của Sở. Phiếu được phát về cho các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn quận, gồm 13 trường mầm non, 14 trường trung học cơ sở. Mỗi trường nhận 20 phiếu cho phụ huynh và 20 phiếu cho cán bộ giáo viên. Cấp tiểu học không khảo sát do chỉ có trường chất lượng cao mới có dự kiến tăng học phí.

Cũng thực hiện khảo sát theo phiếu, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Đông cho biết, khảo sát được thực hiện đúng theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

“Theo văn bản triển khai của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, yêu cầu thực hiện khảo sát tối thiểu 15 trường mỗi cấp học. Do đó, chúng tôi đã thực hiện khảo sát 15 trường mỗi cấp, từ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Mỗi trường thực hiện tối thiểu 20 phiếu khảo sát cho phụ huynh, 20 phiếu khảo sát cho cán bộ giáo viên. Tuy nhiên, khi gửi về các trường, có một số trường làm vượt hơn, với 50 phiếu hoặc 30 phiếu cho phụ huynh, do đó số lượng tổng hợp ý kiến phụ huynh có thể nhiều hơn”.

Như vậy, nếu tính toán sơ bộ, số phiếu Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông thu được sẽ dao động tối thiểu khoảng 1.800 phiếu khảo sát, bao gồm phụ huynh và cán bộ giáo viên.

Cũng theo vị đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông này cho biết, 100% giáo viên tham gia khảo sát đều đồng ý với dự kiến tăng học phí; Về phía phụ huynh, “đa số phụ huynh đều đồng ý với dự thảo, chỉ có một số ít phụ huynh không đồng ý tăng học phí”.

Trước thắc mắc về số phiếu được phát ra có tiêu chí đánh giá nào không, vị này thông tin “các trường chỉ phát ngẫu nhiên cho giáo viên và đại diện phụ huynh các lớp”.

Mặt khác, khi liên hệ với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, phóng viên lại được biết một cách thức khảo sát khác.

“Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, miễn là lấy được ý kiến từ các nhà trường để có cơ sở góp ý với dự thảo. Có trường thì lấy ý kiến khảo sát, có trường lấy ý kiến từ họp phụ huynh, có trường họp hội đồng. Tuy nhiên tất cả đều có đồng thuận với mức học phí sẽ thay đổi sắp tới”, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai thông tin.

Cuộc khảo sát được thực hiện ở huyện Thanh Oai bằng hình thức lấy ý kiến và khảo sát phiếu ở tất cả 71 trường công lập trên địa bàn. Cụ thể, có 26 trường mầm non, 24 trường tiểu học và 21 trường trung học cơ sở thực hiện khảo sát.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai cho biết, hầu hết ý kiến tham gia khảo sát đều đồng ý với dự thảo tăng học phí.

“Nâng học phí cũng là điều phù hợp để tăng cường nguồn ngân sách chi cho giáo dục, đầu tư vào cơ sở vật chất, thông qua đó nâng cao chất lượng giáo dục”, vị này bày tỏ quan điểm.

Như vậy, cuộc khảo sát mỗi nơi một kiểu, nơi chọn đối tượng khảo sát ngẫu nhiên, nơi lại thực hiện khảo sát đại trà. Liệu điều này có đảm bảo được tính khách quan về đối tượng khảo sát mang tính đại diện, cỡ mẫu… trong khảo sát xã hội học?

Ngoài ra, còn nhiều băn khoăn về cuộc khảo sát lấy ý kiến này như: đối tượng tham gia khảo sát là phụ huynh và giáo viên liệu có phù hợp khi chỉ phụ huynh mới là người đóng học phí;

Hay vấn đề tăng học phí trong bối cảnh bão giá như hiện nay, nhiều gia đình khó khăn thì mức học phí tăng gấp đôi cũng là một gánh nặng lớn, vì bên cạnh học phí, phụ huynh còn chịu nhiều khoản khác cũng tốn kém không ít kinh tế như sách giáo khoa, các loại quỹ,...

Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thông tin về dự thảo về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.

Cụ thể, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí bậc trung học cơ sở dự kiến 50.000 - 300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000 -155.000 đồng đang áp dụng. Đối với các bậc còn lại hầu hết có mức tăng tương tự.

Được biết, số người tham gia khảo sát là trên 74.000 người, bao gồm phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập. Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin kết quả thu được hơn 53.700 người đồng ý với dự kiến mức thu học phí, chiếm hơn 72%. Hơn 20.000 ý kiến không đồng tình, chiếm 27%.

Doãn Nhàn