Lấy ý kiến về tăng học phí: Hà Nội khảo sát cả GV, theo tôi là không hợp lý

25/06/2022 06:54
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch thì mới có con số chính xác", Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.

Vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023.

Tại đây Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết qua khảo sát cho thấy 72% trong số 74.000 người được hỏi đồng ý tăng học phí, tuy nhiên đại biểu Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội bày tỏ nghi ngờ.

Để hiểu rõ cách thức triển khai khảo sát, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì cho biết, sau khi nhận được hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phòng đã tiến hành khảo sát phụ huynh và giáo viên các cấp học gồm mầm non và trung học cơ sở về vấn đề tăng học phí trong năm học tới.

“Trước khi tiến hành khảo sát, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành buổi họp với hiệu trưởng và cán bộ quản lý các trường để quán triệt về cách thức khảo sát, phổ biến mức học phí cũ và mức thu học phí mới của từng vùng trên địa bàn.

Sau đó, Phòng giao cho hiệu trưởng các trường tiến hành khảo sát phụ huynh và giáo viên. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm là tổ chức một buổi họp trực tuyến, phổ biến cho tất cả phụ huynh nắm được thông tin, sau khi phổ biến xong về cách thức đánh phiếu thì ngày hôm sau sẽ gửi phiếu về.

Phụ huynh hoàn thành khảo sát bằng phiếu xong thì sẽ gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm tổng hợp gửi trường, trường gửi về Phòng và Phòng gửi về Sở”, vị này cho hay.

Cũng theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì, từ khi phát phiếu khảo sát đến khi thu phiếu diễn ra trong thời gian 1 tuần và gần như 100% phụ huynh và giáo viên đều tham gia.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người trực tiếp tham gia góp ý tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2022-2023 đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã làm đúng chức năng của mình, tuy nhiên cần công khai hơn nữa về việc khảo sát.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người trực tiếp tham gia góp ý dự . Nguồn: Báo Lao động

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người trực tiếp tham gia góp ý dự . Nguồn: Báo Lao động

Thầy Tùng Lâm cho biết: để biết con số chính xác người dân đồng ý tăng học phí, những người được hỏi phải là phụ huynh có con học tại cơ sở giáo dục công lập trên cả các vùng thành thị, nông thôn, miền núi. Ở đây, tổng số phiếu dù lớn nhưng lại khảo sát nhiều đối tượng, trong đó có cả cán bộ giáo viên thì sẽ dẫn tới số liệu không chính xác. Thực chất cơ quan khảo sát phải lấy tỉ lệ của phụ huynh, người chịu tác động trực tiếp mới chuẩn.

Cũng theo thầy Tùng Lâm, việc khảo sát có thể chia thành 2 phần. Phần thứ nhất, lấy ý kiến của tất cả các đối tượng trong xã hội; phần thứ hai khảo sát tập trung chủ yếu vào phụ huynh học sinh trên tất cả các địa bàn.

"Việc điều tra xã hội học phải rõ ràng, tách bạch thì mới có con số chính xác", Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tùng Lâm nêu rõ, đã có Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí... trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Do đó, thành phố dù lựa chọn mức trần hay mức sàn theo nghị định này thì cần thực hiện cho sát với nhân dân, đúng với đối tượng từng vùng và phải căn cứ vào tình hình thực tế.

Thầy Lâm cho rằng, vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là chất lượng giáo dục. Tiền học phí bỏ ra phải tương xứng với chất lượng giáo dục, học tập. Học phí người dân thậm chí có thể đóng cao nhất ở mức trần nhưng không được thu thêm bất kỳ khoản nào khác thì phụ huynh sẽ đồng thuận.

Bên cạnh đó, tiền học phí, các khoản đóng góp của học sinh được dùng vào việc gì thì phụ huynh phải tham gia giám sát được.

"Tiền thu học phí được chi thế nào, đóng góp ra sao cho xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Người dân ở Hà Nội không phải toàn bộ đều có kinh tế khá giả tuy nhiên các bậc phụ huynh vẫn đáp ứng được cho con họ ăn học đầy đủ. Lúc này, chỉ cần Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án tuyên tuyền và phổ biến rộng rãi đến phụ huynh, để họ nắm được thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch thì tôi tin rằng phụ huynh sẽ thoải mái hơn trong vấn đề tăng học phí này", thầy Tùng Lâm nói.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có kế hoạch huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cuối cùng, thầy Tùng Lâm cho rằng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội cần có những khảo sát riêng về tỉ lệ người dân đồng ý/không đồng ý tăng học phí. Cơ quan này không nên chờ các ban, ngành của thành phố. Mặc dù quy mô khảo sát có thể không lớn (như các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo) nhưng cần chú trọng vào các khu vực dân.

Bên cạnh đó, cần khảo sát đúng đối tượng chịu tác động của việc tăng học phí, công khai, minh bạch về câu hỏi khảo sát và đối tượng khảo sát.

Trần Lý