Lấy trẻ làm trung tâm đã làm thay đổi diện mạo giáo dục mầm non

24/11/2020 05:55
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 23/11, Bộ Giáo dục tổ chức Hội thảo tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 – 2020".

Tại hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng 196 cơ sở giáo dục mầm non tiêu biểu trong triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 – 2020”.

Theo báo cáo kết quả sau 5 năm thực hiện cho thấy: Toàn quốc có 18.970/31.375 cơ sở giáo dục mầm non triển khai thực hiện Chuyên đề. Trong đó, có 15.461/15.461 trường Mầm non và có 3.509/15.914 cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục triển khai thực hiện Chuyên đề. Một số địa phương còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đã triển khai được tại hầu khắp các cơ sở giáo dục mầm non.

Các tỉnh có số cơ sở giáo dục mầm non thực hiện điểm Chuyên đề cao như: Hải Dương, Nam Định. Lạng Sơn, Khánh Hòa, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Bình, Lâm Đồng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau... Một số địa bàn còn nhiều khó khăn cũng nỗ lực trong triển khai điểm như: Quảng Nam, Gia Lai, Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang…

Đại diện các cơ sở giáo dục mầm non điển hình trong triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 – 2020” nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.(ảnh: Thùy Linh)

Đại diện các cơ sở giáo dục mầm non điển hình trong triển khai thực hiện Chuyên đề “Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016 – 2020” nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo.(ảnh: Thùy Linh)

Theo Phó giáo sư Nguyễn Bá Minh - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Mầm non khẳng định:Chương trình giáo dục mầm non được ban hành năm 2009 là chương trình mang tính chất khung quốc gia với quan điểm giáo dục toàn diện tích hợp lấy trẻ làm trung tâm và phương châm giáo dục "Học bằng chơi, chơi bằng học".

Với chương trình mang tính chất khung quốc gia nhà trường được tự chủ trong thực hiện chương trình, được chủ động, linh hoạt trong việc phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện của nhà trường, nhu cầu và khả năng của trẻ.

"Tuy nhiên để thực hiện được quyền tự chủ trong thực hiện chương trình giáo dục, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cần có năng lực tương ứng (xây dựng môi trường giáo dục, xây dựng kế hoạch giáo dục, tổ chức hoạt động giáo dục trẻ theo đúng quan điểm, phương châm giáo dục của chương trình)", Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non nhấn mạnh.

Do đó, ngay từ những năm đầu, khi mới ban hành Chương trình, Bộ đã có tài liệu hướng dẫn, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; các địa phương rất tích cực trong tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên, việc thực hiện quan điểm toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm và phương châm giáo dục "Học bằng chơi, chơi bằng học" trong các cơ sở giáo dục mầm non vẫn rất khó khăn.

Và theo Vụ trưởng Minh, để định hướng, chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non quản lý tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, năm 2016, Bộ đã chỉ đạo chỉ đạo triển khai chuyên đề "xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện 5 việc với các tiêu chí cụ thể.

Theo Vụ trưởng đánh giá, khi thực hiện chuyên đề này các cơ sở giáo dục mầm non đã thay đổi nhiều mặt tích cực rõ rệt, từ việc tạo dựng môi trường giáo dục hướng đến trẻ; năng lực thực hiện Chương trình của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được cải thiện rõ rệt; Việc xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với thực tế; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới; việc đánh giá sự phát triển của trẻ được nhận thức và thực hiện đúng mục đích, yêu cầu vì sự tiến bộ của trẻ; sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục mầm non với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ được nhận thức và thực hiện theo đúng định hướng “tất cả vì trẻ em...

Trường Mầm non chất lượng cao đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội là một trong những cơ sở nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (ảnh: website nhà trường)

Trường Mầm non chất lượng cao đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội là một trong những cơ sở nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo (ảnh: website nhà trường)

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh ghi nhận, trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm không chỉ thực hiện ở những nơi có điều kiện tốt mà cả ở những nơi vật chất còn thiếu thốn. Nếu biết dựa vào những lợi thế và khai thác đặc điểm riêng của địa phương, nhà trường thì việc triển khai thực hiện Chuyên đề vẫn rất hiệu quả.

Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình điểm để chỉ đạo, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chuyên đề cho các cơ sở giáo dục mầm non trong quận, huyện, cụm...

Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định: Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục mầm non đã thay đổi nhiều mặt tích cực rõ rệt từ việc xây tạo môi trường giáo dục hướng đến trẻ; năng lực thực hiện Chương trình giáo dục mầm non của cán bộ quản lý, giáo dục mầm non được cải thiện rõ rệt; Việc xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt; Trẻ em được quan tâm đúng mức trong việc tạo cơ hội “học mà chơi, học bằng chơi” để được phát triển toàn diện theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm...

Do đó, Thứ trưởng gợi ý, hội thảo bên cạnh tập trung thảo luận một số nội dung như: Kết quả đạt được về công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện chuyên đề, tác động của chuyên đề đối với các cơ sở giáo dục mầm non; Khó khăn trong triển khai thực hiện các tiêu chí của chuyên đề đối với các vùng, miền và điều kiện khác nhau... - đã chia sẻ những sáng kiến, kinh nghiệm bài học, đề xuất các giải pháp để triển khai Chuyên đề trong thời gian 2.

Tiêu chí xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, gồm có:

1. Môi trường giáo dục

1.1. Đảm bảo an toàn về mặt tâm lý cho trẻ và trẻ thường xuyên được giao tiếp, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa trẻ với trẻ và trẻ với những người xung quanh.

1.2. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.

1.3. Môi trường vật chất trong lớp, ngoài lớp đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ, tạo điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi, phù hợp với điều kiện thực tế.

1.4. Các khu vực trong nhà trường được quy hoạch theo hướng tận dụng các không gian để cho trẻ hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng, phong phú, các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo điều kiện cho trẻ dễ dàng tự lựa chọn và sử dụng sự vật, đồ vật, đồ chơi để thực hành, trải nghiệm.

1.5. Khuyến khích trẻ có thể hoạt động theo nhiều cách khác nhau; tạo điều kiện, cơ hội cho trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá d­ưới nhiều hình thức khác nhau, phát triển toàn diện.

1.6. Tạo những điều kiện, cơ hội, tận dụng hoàn cảnh, tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn.

2. Xây dựng kế hoạch giáo dục

Kế hoạch giáo dục thể hiện mục tiêu giáo dục, phạm vi và mức độ, nội dung giáo dục trẻ, các phương pháp, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ, cụ thể:

1.1. Thể hiện các mục tiêu cụ thể phản ánh được kết quả mong đợi đáp ứng với sự phát triển của trẻ theo giai đoạn, thời điểm phù hợp và theo Chương trình giáo dục mầm non.

1.2. Thể hiện nội dung giáo dục theo Chương trình giáo dục mầm non và có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương, trường/lớp.

1.3. Không nhấn mạnh vào việc cung cấp cho trẻ những kiến thức, kĩ năng đơn lẻ mà theo hướng tích hợp, coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ.

1.4. Thể hiện tính tích hợp, tạo sự gắn kết, tác động một cách thống nhất đồng bộ đến sự phát triển của trẻ.

1.5. Khuyến khích trẻ tham gia hoạt động giáo dục bằng vận động thân thể và các giác quan d­ưới nhiều hình thức khác nhau.

3. Tổ chức hoạt động giáo dục

3.1. Phối hợp các phương pháp hợp lý, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi, chơi mà học”.

3.2. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng được quan tâm để khuyến khích trẻ sáng tạo, làm thay đổi và cá thể hóa đối với những trẻ thiếu hụt hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

3.3. Chú trọng các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, tạo ra các cơ hội cho trẻ hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ và sự phát triển của từng cá nhân trẻ.

3.4. Tạo cơ hội cho trẻ được bộc lộ hết khả năng của riêng mình.

3.5. Giáo viên tổ chức, điều khiển, hỗ trợ đúng lúc, không làm thay trẻ. Khuyến khích tương tác giữa trẻ với trẻ.

4. Đánh giá sự phát triển của trẻ

4.1. Đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có. Đánh giá kết quả giáo dục trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ, không kỳ vọng giống nhau với tất cả trẻ.

4.2.Đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu, trên cơ sở đó sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh kế hoạch giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục tiếp theo cho phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của trẻ và điều kiện thực tế của trường, lớp (Không đánh giá so sánh giữa các trẻ).

4.3. Tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ về cách thức và tốc độ học tập và phát triển riêng. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ.

5. Sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

5.1. Đa dạng các hình thức, hoạt động tuyên truyền tới cộng đồng, cha mẹ trẻ về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1.

5.2. Có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa giáo viên, nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

5.3. Tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Kịp thời thông tin đến gia đình về những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ. Có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lí của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ.

5.4. Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Thùy Linh