Lãnh đạo giáo dục tại cơ sở, địa phương thực ra đang làm những việc gì?

03/11/2019 08:26
THANH AN
(GDVN) - Nhìn từ vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, chúng ta sẽ thấy công tác cán bộ ở đây còn nhiều điều bất cập.

Chúng ta biết rằng, công tác cán bộ ở bất kỳ ngành nào cũng quan trọng bởi có cán bộ giỏi thì công việc mới trôi chảy, có cán bộ liêm khiết, trung thực thì đơn vị, ngành mới phát triển.

Ngược lại, cán bộ vụ lợi, tha hóa sẽ làm cho ngành trì trệ, uy tín bị giảm sút dẫn đến mất niềm tin của nhân dân. Nhìn từ vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, chúng ta sẽ thấy công tác cán bộ ở đây còn nhiều điều bất cập.

Chính vì vậy, một số cán bộ đã hình thành những đường dây để nâng điểm cho thí sinh. Tất nhiên, trong cuộc sống thì không ai cho không ai cái gì bao giờ, chúng ta cứ nhìn các bị cáo ở Sơn La đã khai với cơ quan điều tra, khai trước tòa sẽ rõ.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài có tới gần 20 năm công tác ở Sở Giáo dục Hà Giang (Ảnh: Trinh Phúc)
Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài có tới gần 20 năm công tác ở Sở Giáo dục Hà Giang  (Ảnh: Trinh Phúc) 

Cán bộ ngồi quá lâu tại một vị trí chưa hẳn là điều tốt

Thực tế, khi những cán bộ được bổ nhiệm, công tác tại một phòng, ban ở Sở nhiều năm sẽ tạo nên công việc trôi chảy hơn bởi vì họ quen công việc của mình. Nhất là đối với ngành giáo dục thì nhiều công việc mang tính lặp lại hàng năm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng một số cán bộ ở đây sẽ nhìn thấy được những kẽ hở của ngành mà phát sinh ra tiêu cực. Họ có thể có những mối quan hệ không chỉ gói gọn trong những thành viên đang công tác tại Sở mà mở rộng sang nhiều ngành nghề khác.

Đơn cử như trường hợp bị cáo Nguyễn Thanh Hoài trong vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang bởi bị cáo này tự tin trước tòa khi khẳng định có thể nhờ vào uy tín của mình để can thiệp được điểm thi môn Ngữ văn cho 12 thí sinh mà bà Triệu Thị Chính gửi gắm cho mình.

Đứng trước tòa, bị cáo Triệu Thị Chính thì khẳng định không thể can thiệp được được điểm thi môn Ngữ văn. Theo bị cáo Chính thì quy trình chấm thi chặt chẽ, có nhiều lớp giám sát, việc chấm thi môn Ngữ văn tự luận thực hiện trên giấy, chấm chéo...nên không thể nâng điểm được.

Tuy nhiên, bị cáo Hoài cho rằng mình có thể can thiệp được nên ông nói trước tòa: "Tôi sẽ kiểm tra xem bài thi đã đạt số điểm theo yêu cầu chưa? Nếu chưa, tôi sẽ nhờ trưởng môn, cán bộ chấm thi thứ 1, 2 nâng điểm cho thí sinh".

Lãnh đạo giáo dục tại cơ sở, địa phương thực ra đang làm những việc gì? ảnh 2Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La

Bởi, theo ông thì từ năm học 2002-2003, ông là thành viên trong hội đồng ra đề thi học kỳ từ lớp 6 đến 12 và trực tiếp duyệt đề thi học kỳ từ năm 2006-2014 nên toàn bộ phân phối chương trình môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Trung học phổ thông ông nắm rất rõ.

Vì vậy, ông Hoài tự tin nói dù việc chấm thi môn Ngữ văn đã xong, các giáo viên trở về các huyện nhưng chỉ cần ông nhờ, họ sẽ quay lại. Vì thế, việc chấm lại, nâng điểm cũng không gặp nhiều khó khăn. Bà Chính lại là người duyệt, quyết định điểm cuối cùng với bài thi môn này.

Từ những lời khai của bị cáo Nguyễn Thanh Hoài cho ta thấy rằng bị cáo này đã gắn bó với công việc chuyên môn, khảo thí ở Sở khá lâu và nắm rất rõ quy trình, cách thức và đặc biệt là rất có “uy tín” với đồng nghiệp.

Song, vấn đề cũng đặt ra là ít nhất từ năm học 2002-2003 đến năm 2018 (thời điểm bị bắt) thì sự việc gian lận năm 2018 ở Hà Giang có phải là lần tiêu cực điểm thi duy nhất hay không?

Bởi vì, bị cáo Chính, cũng như luật sư bào chữa cho bị cáo này đã đặt vấn đề có 2 thí sinh đã chạy vào trường công an năm 2017 với giá 500 triệu đồng/ suất. Vì vậy, họ đã đề nghị cơ quan điều tra mở rộng vụ án sang kỳ thi năm 2017.

Nhìn sang Sơn La và Hòa Bình, chúng ta cũng thấy hàng loạt cán bộ, chuyên viên Sở Giáo dục bị truy tố hoặc có con, cháu được nâng điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018.

Rõ ràng, khi họ đã thân thiết nhau, hiểu nhau thì làm chuyện gì cũng trở nên rất dễ dàng. Nên ông Phạm Văn Khuông mới hồn nhiên nói trước tòa rằng: “Việc nhờ vả là điều rất thường tình trong cuộc sống, anh em quan tâm thì giúp thôi”!

Cần có sự luân chuyển, nhất là những vị trí đứng đầu phòng, ban

Lãnh đạo giáo dục tại cơ sở, địa phương thực ra đang làm những việc gì? ảnh 3Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài khai tin nhắn với Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang

Vấn đề luân chuyển cán bộ không phải bây giờ chúng ta mới nói mà đã được đặt ra từ rất lâu rồi.

Nhưng, khi nói đến nhân sự ở các Sở Giáo dục thì không thể lấy 3 địa phương tiêu cực để nói cả 64 tỉnh thành cả nước.

Song, nó cũng đặt ra một vấn đề là chúng ta cần luân chuyển cán bộ, chuyên viên ở các Sở Giáo dục về các đơn vị trường học, Phòng Giáo dục (và ngược lại) thì có lẽ sẽ hạn chế tối đa được những tiêu cực phát sinh.

Thực tế thì khi công tác ở Sở Giáo dục chỉ có vị trí Giám đốc Sở là hay thay đổi còn các nhân sự của phòng, ban khác rất ít thay đổi. Vì vậy, nó không chỉ tạo nên sức ỳ trong công tác mà đôi lúc còn có thể móc nối để phát sinh tiêu cực.

Không chỉ ở vị trí Phòng Khảo thí trong việc điểm số, chấm thi ở kỳ thi Tuyển sinh 10, thi học sinh giỏi, thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm mà những phòng khác như Phòng tổ chức cán bộ, tài chính, thanh tra cũng rất dễ phát sinh tiêu cực.

Sở Giáo dục có thể không được đề cao so với các Sở khác nhưng đó lại là ngành quan trọng trong việc đào tạo con người và là nơi phát nguồn cho công tác cán bộ sau này.

Chúng ta cứ tưởng tượng hơn 200 thí sinh bị xác định là gian lận điểm thi  năm 2018 mà không bị phát hiện thì chỉ 4-6 năm sau, các thí sinh này ra trường, ai dám khẳng định họ không trở thành những cán bộ tương lai cho các địa phương bởi nhiều thí sinh có cha mẹ đang là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.

Vì thế, công tác cán bộ ở các Sở Giáo dục cần được xem trọng để những sự cố đáng tiếc như kỳ thi năm 2018 không còn xảy ra trong thời gian tới nữa cũng là điều các địa phương cần tính tới.

Tài liệu tham khảo:

//vnexpress.net/phap-luat/cuu-truong-phong-khao-thi-ha-giang-nang-diem-thi-khong-kho-3998062.html

//thanhnien.vn/thoi-su/gian-lan-thi-tai-ha-giang-kien-nghi-dieu-tra-2-thi-sinh-chay-diem-500-trieu-dongsuat-1138581.html

THANH AN