Lãnh đạo cấp cao và Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm tới công nghiệp 4.0

22/10/2016 06:26
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một cơ hội rất lớn đồng thời cũng là thách thức lớn cho Việt Nam”

Ngày 21/10, Hiệp hội các trường Đại học Cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục” tại Hà Nội. 

Xuyên suốt 1 ngày diễn ra hội thảo, các vị đại biểu đã được lắng nghe nhiều nội dung quan trọng xoay quanh vấn đề về cơ hội và thách thức khi đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

17 bài tham luận đến từ các tác giả trong và ngoài nước đã phần nào giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng này. 

Nội dung các bài tham luận gồm: Cách mạng công nghiệp 4.0 – giáo dục nghề nghiệp; Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục Đại học Việt Nam; 10 nguyên tắc hoạt động của Đại học trực tuyến FUNIX; Công nghiệp 4.0 khởi nghiệp và giáo dục…

Vì sao nền công nghiệp 4.0 được hỗ trợ ở Đức?

Tại hội thảo, GS.TS Peter Eckardt – Đại biểu Quốc hội Đức, Giáo sư Đại học Hannover (Đức) chia sẻ một vài kinh nghiệm trong quá trình “đối mặt” với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua tham luận: “Nước Đức và sự tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. 

Mở đầu bài tham luận, GS.TS Peter Eckardt bày tỏ sự vui mừng khi được trở lại Việt Nam đặc biệt khi thấy tình hình kinh tế tích cực của nước ta. Đây là chuyến thăm thứ 4 của GS.TS Peter Eckardt đến Việt Nam kể từ năm 2005.
 
Theo GS.TS Peter Eckardt, trong những năm qua, ông vẫn luôn quan tâm tới hướng phát triển chính trị và kinh tế của Việt Nam từ khi thống nhất đất nước năm 1975. 

GS.TS Peter Eckardt – Đại biểu Quốc hội Đức, Giáo sư Đại học Hannover (Đức)
GS.TS Peter Eckardt – Đại biểu Quốc hội Đức, Giáo sư Đại học Hannover (Đức)

Đại diện Đại biểu Quốc hội Đức khẳng định tại hội thảo rằng: “Chúng ta đã cùng nhau trả lời cho các câu hỏi về phát triển công nghiệp và kinh tế ở Việt Nam.

Mối quan tâm của chúng tôi là thảo luận xem làm thế nào để có thể giúp đỡ và thúc đẩy thành công phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Đức trong quá trình của cái gọi là nền công nghiệp 4.0”. 

Các từ mục “sự thay đổi số”, “nền công nghiệp 4.0”, “nền kinh tế 4.0” và “giáo dục nghề 4.0” ngày nay có trên đầu môi của mọi người ở Đức. Những từ này không phải là những thuật ngữ thông dụng, không phải là xu thế thoáng qua, không phải là  những khẩu hiệu thiếu thực tiễn. 

Chúng là những từ mục và chủ đề quan trọng ở bất kỳ đất nước nào cũng như trên thế giới.

Đồng thời, vị đại biểu Quốc hội này cũng mong muốn sự phát triển thành công các quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Đức trong thời gian tới liên quan tới công nghiệp 4.0. 

Theo GS.TS Peter Eckardt, kể từ Hội chợ thương mại Hannover về công nghệ công nghiệp năm 2011 nền công nghiệp 4.0 đã trở thành từ đồng nghĩa của Đức cho một cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên số hóa, tự động hóa, kết nối mạng và các qui trình sản xuất linh hoạt.

Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ các doanh nghiệp khởi nghiệp đã đưa ra các dịch vụ thuận lợi cho các khách hàng cá nhân/người tiêu dùng, chẳng hạn như Uber, Starbucks và Airbnb.

So sánh với tình hình về công nghiệp 4.0 của Mỹ thì ở Đức đã kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng đi đầu trong công nghiệp (nhà máy thông minh, quản lý năng lượng và kỹ thuật tự động hóa).

Ở Đức nền công nghiệp 4.0 hữu ích cho các nhà chế tạo xe hơi, các công ty điện năng, các ngành công nghiệp thực phẩm, y tế và hậu cần.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội

Bởi vậy sự phát triển nền công nghiệp 4.0 được hỗ trợ ở Đức và nằm trong trọng tâm đặc biệt của Chính phủ. 

GS.TS Peter Eckardt tiết lộ, từ hai năm qua Chính phủ Liên bang Đức đã quan tâm tới công nghiệp 4.0 với nhiều sự hỗ trợ và cung cấp tài chính cho quá trình công nghiệp 4.0 với lập luận rằng quốc gia này phải dẫn đầu trong vấn đề này, nếu Chính phủ muốn hướng tới việc duy trì một nền kinh tế thành công trong điều kiện tốt của tương lai (Chiến lược Công nghệ cao 2020).

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nói gì về công nghiệp 4.0?

Kết thúc buổi hội thảo, đoàn đại biểu đã có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại văn phòng Bộ Giáo dục và đào tạo. 

Tại đây, Phó Chủ tịch hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam - TSKH. Phan Quang Trung tóm tắt sơ lược những nội dung đã nêu trong cuộc hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”. 

Sau khi lắng nghe ý kiến của TSKH. Phan Quang Trung và các đại biểu nước ngoài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có tâm sự rằng:

Tôi biết hôm nay Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo rất quan trọng nhưng rất tiếc thời gian này đang họp Quốc hội, tại đây có nhiều vấn đề tôi phải giải trình nên tôi không tham dự được. 

Tôi được biết nội dung hội thảo đề cập tới một vấn đề chúng tôi rất quan tâm, trong cuộc báo cáo với Bộ Chính trị cách đây khoảng 1 tháng và vừa tuần trước trong họp Trung ương đã có một chuyên đề về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Điều này có nghĩa là lãnh đạo cấp cao và Chính phủ của chúng tôi đang rất quan tâm xu hướng cuộc cách mạng lần thứ 4 này
”. 

Các đại biểu trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Các đại biểu trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ

Chính phủ chúng tôi trong đó có vai trò của tôi phải thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố vốn, điều kiện tự nhiên…giờ phải chuyển sang xu hướng mô hình tăng trưởng công nghệ chất lượng cao. 

Và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này tạo ra một cơ hội rất lớn đồng thời cũng là thách thức lớn cho Việt Nam
”, Bộ trưởng nêu quan điểm. 

"Để thực hiện thành công kế hoạch, Việt Nam có rất nhiều việc cần thực hiện trong đó có việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao và chúng tôi đã quyết định xây dựng một số trường đại học xuất sắc trong đó có trường Đại học Việt Đức đặt tại tỉnh Bình Dương, sứ mạng của trường này là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với doanh nghiệp Đức.

Chúng tôi cùng lãnh đạo CHLB Đức đã bàn rất sâu về việc mở các mã ngành cho trường này. 

Một trong những tiêu chí mà tôi đề nghị trường khi mở các ngành là bám sát các vấn đề phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam và gắn chặt với các ngành mà các trường đại học ở Đức có thế mạnh, gắn với các doanh nghiệp Đức
", Bộ trưởng nêu quyết tâm. 
 
Trong cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mong muốn các chuyên gia cao cấp của Đức đồng hành cùng Việt Nam phát triển trường Đại học Việt Đức thông qua việc xây dựng các chương trình nghiên cứu. 

Bộ trưởng tin tưởng rằng, sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp khi được triển khai tốt thì chuyển giao công nghệ ắt sẽ được tạo điều kiện tốt nhất. 

Nhân cuộc gặp gỡ này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao và có lời cảm ơn gửi tới Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và luôn hướng tới những vấn đề mà xã hội đang rất cần. 






Bài và ảnh: Thùy Linh