Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền

24/11/2019 06:21
Tùng Dương
(GDVN) - Bên Giáo dục có thầy thì không có thiết bị máy móc, bên Dạy nghề có thiết bị máy móc để mạng nhện phủ đầy thì lại không có thầy, vậy thì ghép nó vào.

Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”.

Đến dự và phát biểu, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết:

"Tôi cũng làm về vấn đề Giáo dục thường xuyên, trong thời gian còn làm việc thì tôi có làm thư ký cho Ban chỉ đạo Quốc gia và đào tạo các nhu cầu xã hội do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thời gian đó là Phó thủ tướng làm trưởng ban.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tôi lập một đề án, cùng phối hợp với anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, sát nhập các trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên từ năm 2009, nhưng thực ra là 2 bộ vấn chưa có tiếng nói chung, vậy nên rất khó.

Bên Dạy nghề thì theo mạch quản lý của ngành Lao động, bên Giáo dục lại theo mạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau này thì Chính phủ làm kiên quyết hơn và có Luật Giáo dục Nghề nghiệp nên làm khá mạnh. Tôi nói lại lịch sử một chút như vậy."

Video: Quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Trở lại vấn đề ngày hôm nay, tôi thấy nội dung mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chọn vấn đề hết sức chiến lược, trước những thách thức về nguồn lực, thách thức về công nghiệp 4.0.

Trước những nhu cầu rất lớn và gần 80% lao động chưa được đào tạo, chúng ta đặt một câu hỏi vậy thì tính cần thiết các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề không, có cần không?

Thầy Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên nói là có tỉnh nào đó đòi xóa sổ chỗ này, tôi cho việc đó là khác, khi đã có một thiết chế như vậy thì ta phải tìm ra nguyên nhân của nó và tại sao nó lại lãng phí như vậy?

Dẫn đến câu chuyện của chúng ta là tư duy bao cấp từ xưa cứ có dự án là có tiền.

Chúng ta phải đi từ vấn đề cần giải quyết giống như Hà Nội và một số tỉnh có chợ nhưng chưa chắc đã có người đến họp, và đó là chuyện bình thường.

Và bây giờ chúng ta có chuyện là có trường nhưng không có người học, tôi thấy đây là một vấn đề mà chúng ta có tư duy quá hành chính bao cấp.

Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền ảnh 1

Con đường nào cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề?

Trở lại Đề án Xã hội học tập thì Chính phủ đã phê duyệt rồi, chức năng của Giáo dục thường xuyên có mấy nhiệm vụ như xóa mù chữ, phổ cập Giáo dục, đảm bảo không tái mù, đặc biệt chú trọng đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc.

Chính sách đề cập đến cái chung nhưng việc thực hiện Chính sách phải đa dạng, điều đó có nghĩa là miền núi cũng thực hiện như miền xuôi, cũng phải có mô hình cấu trúc đa dạng, đã là Chính sách phải thống nhất.

Nhiệm vụ thứ 2 là tin học, ngoại ngữ, cái thứ 3 là nâng cao năng lực trình độ chuyên nghiệp vụ cho lao động công chức, viên chức và tất cả người lao động, cán bộ trong hệ thống.

Có 3 chức năng chính của trung tâm này nên đã rất rõ trong Đề án Xã hội học tập, giải pháp ghi rất rõ là mở rộng quy mô hợp lý, thành lập các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên theo hướng các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các quận huyện.

Hướng tới mỗi huyện có một trung tâm Giáo dục Thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề, tức là hướng tới câu chuyện ghép nó vào.

Nguồn lực của chúng ta đúng là thiếu nhưng thực ra sử dụng không hiệu quả, chủ yếu là do điều phối tài chính quốc gia chưa hợp lý, đó cũng là đặc điểm mạnh ai người đó làm.

Câu chuyện ở đây có mấy nguyên nhân như sau, nhu cầu thì có nhưng chúng ta không đáp ứng được, thứ 2 là không đồng bộ giữa con người và cơ sở vật chất.

Có đồng chí giám đốc trung tâm yêu cầu thêm 3,5 tỷ đồng nữa để trung tâm hoạt động, nhưng tôi nói thật là có thêm 5 tỷ đồng nữa nhưng chưa chắc đã có người học.

Con người với năng lực quản lý như vậy mà lại cứ thích đầu tư thì chết, máy móc thì để mạng nhện phủ đầy.

Bên giáo dục có thầy thì không có thiết bị máy móc, bên dạy nghề có thiết bị máy móc thì lại không có thầy, vậy thì ghép nó vào."

Còn nữa.

Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm “Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề”.

Tham dự tọa đàm có bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội).

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.

Ông Đồng Văn Bình - đại diện Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Ông Bùi Phương Việt Anh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty EAS Việt Nam.

Tùng Dương