Lần đầu tiên, 1 trường không xét tốt nghiệp cho 6 học sinh lớp 9 học lực yếu

07/06/2021 07:11
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chuyện “học thật, thi thật, nhân tài thật” nhìn từ cách làm của trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất và kiến nghị của ngành.

Trong buổi làm việc này, Thủ tướng đã nhấn mạnh, Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan đến toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước, cho nên yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lê Thị Thanh Giang – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nói: Muốn thực hiện việc thi thật, cần phải làm tốt công tác coi thi, chấm thi, công tác làm điểm cho học sinh.

Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Theo cô Thanh Giang, những công đoạn nào dễ xảy ra sai sót, tiêu cực thì cần phải được quan tâm, chú ý đặc biệt. Nếu ngành giáo dục, các trường có tổ chức thi thật thì ắt hẳn sẽ có chuyện học thật.

Đặc biệt, cô Lê Thị Thanh Giang còn nói thêm, hưởng ứng lời kêu gọi học thật, thi thật, năm nay là lần đầu tiên nhà trường cương quyết để cho 6 trên tổng số hơn 500 học sinh lớp 9 có học lực yếu, không được đi thi tuyển sinh vào lớp 10.

Điều này có nghĩa rằng 6 học sinh nói trên không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở.

Số học sinh này vẫn có thể học lại tại trường (tùy theo điều kiện từng trường) nhưng chỉ dưới dạng dự thính, không tính điểm đầy đủ các môn cho cả một năm học.

Số học sinh này sẽ được kiểm tra lại (những môn không đạt, loại yếu) vào cuối năm học tới, và điểm kiểm tra của các môn này sẽ là điểm trung bình để xét tốt nghiệp cho năm học tới.

Sau đó, nếu đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp trong năm học tới, thì nhà trường vẫn làm hồ sơ cho số học sinh này được đi thi tuyển sinh vào lớp 10 bình thường.

Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1 nhấn mạnh: Đây là số học sinh có học lực quá yếu của trường. Đối với nhà trường, sau khi đã hoàn thành điểm số trong năm học của học sinh thì hoàn toàn không có chuyện nâng hay sửa điểm.

Còn theo thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Huỳnh Khương Ninh, quận 1, thì việc kêu gọi “học thật, thi thật, nhân tài thật” sẽ là một thử thách không nhỏ của ngành giáo dục, phải mất một vài năm để mọi chuyện có thể thực hiện đúng, “đi vào quỹ đạo”.

Thầy Cao Đức Khoa đánh giá: Khâu kiểm tra, đánh giá sức học của học sinh vẫn là quan trọng nhất. Đặc biệt, người thầy và nhà trường phải luôn đánh giá đúng thực chất sức học của học sinh.

Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ: Việc này cần sự chung tay, thực hiện của cả gia đình, nhà trường và cả xã hội. Nếu thực hiện được, đánh giá đúng sự đúng đắn, quan trọng của việc này thì chắc chắn ngành giáo dục sẽ đi lên.

Là một nhà giáo, người trực tiếp đứng lớp giảng dạy ở bậc tiểu học, thầy Vũ Hoàng Sơn – trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh nhận định: “Học thật, thi thật, nhân tài thật” phải dựa trên những số liệu cụ thể, quan trọng nhất là tầm nhìn của lãnh đạo các trường, lãnh đạo ngành.

Dưới góc độ của một nhà quản lý, thầy Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3 cho biết: Muốn “học thật, thi thật, nhân tài thật” cần quan tâm, thực hiện tối đa 6 việc sau:

Đẩy mạnh việc dạy học theo hướng tiếp cận phát triển năng lực, kỹ năng cho người học, ứng dụng kiến thức giải quyết các bài toán thực tế của cuộc sống.

Chú trọng đổi mới tư duy về kiểm tra, đánh giá theo hướng đánh giá vì sự tiến bộ của người học, chứ không phải quá chu trọng về điểm số, xếp loại.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục, giáo dục theo hướng tăng tính tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức của người học, từ đó có động lực học tập thực tế hơn.

Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, học liệu số vào hoạt động dạy, học, kiểm tra đánh giá để dành nhiều thời gian thảo luận, học thông qua “hỏi” và “hành”.

Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chú trọng thực hành, thực nghiệm. Người học sẽ nhớ lâu hơn khi thực hiểu, thực thao tác.

Đổi mới tư duy “trọng bằng cấp”, “khoa bảng”, thành tích trong dạy học, kiểm tra đánh giá, tuyển dụng. Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp theo hướng “mỗi học sinh đều có điểm mạnh”,”đại học không phải là con đường duy nhất để thành công”.

Việt Dũng