Lạm thu biến thể còn nhanh hơn vi rút do đâu?

27/10/2019 06:50
Lê Mai
(GDVN) - Phải nói thẳng, các cấp quản lý thực hiện chưa nghiêm Thông tư 16. Việc kỉ luật hiệu trưởng lạm thu còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe.

Khi tình hình lạm thu phát triển rầm rộ từ nông thôn đến thành thị, Thông tư 16 ra đời. Thông tư quy định rõ ràng: 

Hình thức tài trợ: Tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Kế hoạch tài trợ: Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học và dự toán ngân sách được cơ quan nhà nước giao, định kỳ hoặc đột xuất, cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch vận động tài trợ báo cáo Phòng giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục cấp tiểu học, trung học cơ sở;

Báo cáo Sở giáo dục và đào tạo phê duyệt đối với cơ sở giáo dục cấp trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trực thuộc Sở giáo dục và đào tạo, trước khi tổ chức vận động tài trợ.

Quy định Ban đại diện hội Cha mẹ học sinh: Phối hợp với cơ sở giáo dục trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ.

Làm sao xóa nạn lạm thu trong trường học? (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)
Làm sao xóa nạn lạm thu trong trường học? (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

Quy định quản lý, giám sát tài trợ: Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục.

Quy định xử lý vi phạm: Người đứng đầu cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Trách nhiệm xảy ra lạm thu, không phải là Ban đại diện cha mẹ học sinh, mà chính là người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Vậy tại sao nạn lạm thu vẫn ngang nhiên phát triển, thách thức pháp luật, dư luận? 

Kiểm soát lạm thu, dẫn đến tiếp tay lạm thu?

Có thể lấy Phòng giáo dục Đắk R’lấp tỉnh Đắk Nông làm ví dụ cho nguyên nhân này. Dù chưa họp phụ huynh, nhưng từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9, các trường trong huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đã lập Kế hoạch huy động nguồn tự nguyện tài trợ và nguồn thỏa thuận. 

Trong đó nhà trường tự xây dựng các khoản huy động với số tiền cụ thể. Sau đó kế hoạch này được gửi về Phòng Giáo dục huyện Đắk R’lấp phê duyệt mà bỏ qua vai trò, quyền lợi của phụ huynh học sinh.

Từ đó dẫn đến việc phụ huynh tố trường lạm thu, còn trường phải tìm cách thu đủ số tiền mà Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt. 

Núp bóng Ban đại diện cha mẹ học sinh, đẻ ra các kiểu đóng góp từ trên trời rơi xuống

Thái Nguyên, phụ huynh kêu trời những khoản thu lạ ở Trường mầm non Bá Xuyên
Thái Nguyên, phụ huynh kêu trời những khoản thu lạ ở Trường mầm non Bá Xuyên

Ban đại diện cha mẹ học sinh không còn là cái khiên che chắn lạm thu; thế nhưng vẫn còn đó những hiệu trưởng núp bóng; họ xây dựng, sửa chữa, mua sắm trước, đưa phụ huynh vào sự đã rồi, dùng mọi chiêu thức bắt ép phụ huynh đóng góp. 

Sáng tạo này phải kể tên những khoản thu như: hỗ trợ xăng xe giáo viên; trả tiền tăng giờ chính khóa cho giáo viên; tiền quản lý học sinh trước khi vào học, giữa giờ ra chơi, chờ cha mẹ đón; tiền chuyên đề; khám sức khỏe; rèm cửa; máy in; máy tính… thôi thì đủ thứ.

Làm sao xóa nạn lạm thu trong trường học?

Phải nói thẳng, các cấp quản lý thực hiện chưa nghiêm Thông tư 16. Việc kỉ luật hiệu trưởng lạm thu còn mang tính hình thức, chiếu lệ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục.

Nếu hiệu trưởng trường nào chỉ đạo thu không đúng quy định, trưởng phòng tham mưu chính quyền cách chức, đình chỉ công tác ngay.

Nếu trưởng phòng để xảy ra lạm thu trong địa bàn mình quản lý, bị kỷ luật mức cảnh cáo trở lên; đảm bảo khái niệm lạm thu sẽ biến mất ngay khi địa phương thực hiện. 

Cán bộ quản lý cấp sở, cấp phòng phải hiểu và dự đoán được các hình thức “núp bóng” ở địa phương, thực hiện đúng pháp luật về chỉ đạo thu, chi; tránh tình trạng kém hiểu biết vô tình tiếp tay cho lạm thu.

Vào đầu năm học, mỗi sở giáo dục có thông báo trên truyền thông số tiền phụ huynh học sinh phải đóng; nếu phát sinh khoản khác, phụ huynh không nhất trí là không đóng. 

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh, tránh tâm lý đám đông, cứ thấy người khác đóng là mình cũng vô tư đóng.

Chính sự thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách của nhà nước, vô hình trung phụ huynh trở thành “cây khế ngọt” cho “hiệu trưởng” hái năm này qua năm khác. 

Thu là quyền của hiệu trưởng, nhà trường; đóng tiền là quyền của phụ huynh học sinh; nếu thấy khoản thu chưa thỏa mãn cần hỏi rõ, nếu thấy bất hợp lý thì không đóng, phản ánh với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý giáo dục.

Nộp tiền đúng những khoản thu hợp pháp, thể hiện phụ huynh thông thái, sống có trách nhiệm.

Tài liệu tham khảo: 

1://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-16-2018-TT-BGDDT-quy-dinh-ve-tai-tro-cho-co-so-giao-duc-thuoc-he-thong-giao-duc-quoc-dan-393562.aspx

2://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hang-loat-truong-lam-thu-vi-phong-gddt-lam-nguoc-quy-trinh-bo-quen-phu-huynh-20191024081232778.htm

Lê Mai