Làm sao khơi dậy được đam mê khám phá lịch sử, chứ không phải giải nọ giải kia

14/03/2021 06:44
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi luôn quan niệm môn Lịch sử cần phải có một vị thế rất quan trọng trong việc dạy kiến thức cho học sinh nhất là bậc phổ thông, giúp các em hướng về nguồn cội.

“Tôi biết có nhiều nước tiên tiến trên thế giới họ coi giá trị hai nhóm bộ môn Tự nhiên và Xã hội quan trọng ngang nhau. Nhóm tự nhiên cho chúng ta giá trị về tư duy logic giúp học sinh trở thành những kỹ sư, chuyên gia công nghệ...

Nhưng ngược lại những môn như Triết học, Lịch sử hay Giáo dục công dân…lại cho ta tư duy về xã hội. Nhưng theo tôi niềm tự hào tự tôn dân tộc hướng về nguồn cội cũng được hun đúc từ những giờ học Lịch sử, Giáo dục công dân, hay môn Văn và đó chính là những bài học làm người.

Về chuyên môn tôi không phải giáo viên dạy Lịch sử nhưng tôi luôn quan niệm rằng môn này cần phải có được một vị thế rất quan trọng trong việc dạy kiến thức cho học sinh, nhất là bậc phổ thông.

Đây cũng là những điều tôi học hỏi được ở những quốc gia mà tôi đã từng học tập, chứ không phải vì tôi đã du học về lại cho rằng môn ngoại ngữ hay những môn khác mới quan trọng”, nhà giáo Trần Thùy Dương - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Rất cần đổi mới phương pháp để truyền đạt kiến thức môn Lịch sử cho học sinh, mục tiêu giúp các con bớt nhàm chán với những giữ liệu khô khan, con số dài khó nhớ thì tôi tin rằng học sinh sẽ yêu môn Lịch sử, lúc đó các em sẽ học bằng sự đam mê, sự khám phá, tự tìm hiểu chứ không phải là học để đối phó với những kỳ thi. Ảnh: Tùng Dương.
Nhà giáo Trần Thùy Dương: "Rất cần đổi mới phương pháp để truyền đạt kiến thức môn Lịch sử cho học sinh, mục tiêu giúp các con bớt nhàm chán với những giữ liệu khô khan, con số dài khó nhớ thì tôi tin rằng học sinh sẽ yêu môn Lịch sử, lúc đó các em sẽ học bằng sự đam mê, sự khám phá, tự tìm hiểu chứ không phải là học để đối phó với những kỳ thi. Ảnh: Tùng Dương.

Theo cô Dương: “Đối với môn Lịch sử hay những môn trong nhóm Khoa học xã hội thì tại sao tôi cho rằng rất hay? Ngoài việc tư duy thì chúng ta không thể sống mà lại không biết về lịch sử dân tộc, cũng như lịch sử thế giới.

Từ những kiến thức hiểu biết đó sau này con người ta làm bất cứ công việc gì cũng sẽ có tư duy để làm tốt công việc đó, cũng như chắc chắn sẽ có xu hướng hướng về nguồn cội của mình khi người đó hiểu, tự hào về lịch sử dân tộc.

Cá nhân tôi học môn sử cũng khá lâu rồi, thời xưa tôi học thì người chuyển “lửa” môn Lịch sử của tôi là một người rất giỏi và đáng kính, rất tiếc là thầy đã không còn nữa.

Giờ dạy Lịch sử của thầy với những bài học sống động thực tế, ghi chép chủ yếu những phần cơ bản nhưng đó là bài học cuộc sống. Vậy tôi nghĩ các thầy cô đều biết cách truyền “lửa” được cho học sinh, truyền những kiến thức thực tế xã hội thì các em sẽ hứng thú hơn.

Khi học sinh thấy rằng cuộc sống quanh ta không nặng nề với những kiến thức khô khan thì tôi tin rằng học sinh sẽ yêu môn Lịch sử, lúc đó các em sẽ học bằng sự đam mê, sự khám phá, tự tìm hiểu chứ không phải là học để đối phó với những kỳ thi.

Thêm nữa về phần kiểm tra đánh giá, thông thường học sinh rất sợ học thuộc và cá nhân tôi cũng vậy thôi. Việc học thuộc những con số, số liệu…thì quả thật là cũng nhớ nhớ quên quên.

Áp lực để đạt điểm cao bắt buộc phải nhớ sự kiện đó, liệu có phải phần kiểm tra đánh giá của môn Lịch sử đã vô tình làm cho học sinh sợ và ngại học môn đó? Giá như học sinh được thể hiện quan điểm của mình cũng giống như viết bài văn thì có lẽ chúng ta sẽ có nhiều ý tưởng hay từ học sinh, các em cũng sẽ yêu môn Lịch sử hơn.

Môn Lịch sử qua cách dạy, cách truyền thụ, cách kiểm tra đánh giá…nên chăng chúng ta có thể cho học sinh học Lịch sử qua các hình thức trải nghiệm, tăng cường các giờ học ngoại khóa tại Bảo tàng Lịch sử, những khu di tích lịch sử…như vậy môn Sử sẽ gần với thực tế hơn.

Học sinh đã quá quen với những giờ học Lịch sử trong bốn bức tường lớp học, kéo dài rất nhiều năm qua bao nhiêu thế hệ học sinh, việc này cũng xuất phát từ điều kiện thực tế của Việt Nam, giao thông chưa thuận tiện, học sinh quá đông trong cùng một lớp học…

Nhưng ngay trong không gian nhà trường tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng rất nhiều những phương pháp để khuyến khích các em yêu thích môn Lịch sử. Nền tảng lý thuyết vẫn học song song trên lớp.

Ví dụ vào những ngày lễ lớn, ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam…nhà trường có thể phối hợp với Bảo tàng Quân đội, mời cán bộ bên bảo tàng sang trường xây dựng những chuyên đề để dạy học sinh, có thể làm một triển lãm nhỏ, xem phim…các em học qua những trải nghiệm cũng như qua rất nhiều phương pháp khác.

Nói chung rất cần đổi mới phương pháp để truyền đạt kiến thức môn Lịch sử cho học sinh với mục tiêu giúp các con bớt nhàm chán với những giữ liệu khô khan, con số dài khó nhớ. Gắn với những sự kiện Lịch sử đó thì hoàn toàn chúng ta có thể có những buổi học chuyên đề mà các con sẽ thấy hấp dẫn.

Chúng ta chưa làm tốt những việc như vậy thì cũng không thể đổ tại học sinh lười, các thầy cô và nhà trường hãy thử làm đi rồi tổng kết xem kết quả sau một thời gian thử nghiệm thì học trò thế nào?”.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung và các em học sinh lớp chuyên Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung và các em học sinh lớp chuyên Sử Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Phải chăng người dạy cũng coi Lịch sử là môn phụ ?

Cô Dương cho biết: “Khi tôi mời các chuyên gia nước ngoài sang nói chuyện với học sinh, thường họ hay hỏi các con nghĩ thế nào về Bản sắc dân tộc? Rất ngạc nhiên khi không có em nào trả lời được câu hỏi đó.

Các con chỉ trả lời những câu thiên về bề nổi, nào là rừng vàng biển bạc, danh lam thắng cảnh, rồi tỉnh A tỉnh B có những cái gì…theo kiểu rất hiểu biết, nhưng thực tế về chiều sâu thì lại hoàn toàn chưa có.

Theo tôi quan sát khi các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam thì họ lại rất hiểu Lịch sử Việt Nam một cách khá chi tiết, có thể nói họ rất hiểu. Chính vì vậy tôi cũng đã nói với học sinh của mình rằng cô thấy xấu hổ khi người nước ngoài họ lại quan tâm và tìm hiểu Lịch sử Việt Nam thông qua các con tốt như thế mà cô trò mình không biết.

Chúng ta cần phải học, phải tham khảo cách mà các nước tiên tiến trên thế giới coi lịch sử quan trọng như vậy. Liệu có phải môn Lịch sử trước đây không có mặt trong tổ hợp kỳ thi, có thể người dạy cũng mặc nhiên coi môn đó chưa quan trọng trong định hướng ngành nghề, chúng ta cứ tự làm cho một môn rất hay thành ra môn “phụ”? Vậy các thầy cô phải đổi mới suy nghĩ.

Tôi có nhiều lần đưa học sinh ra nước ngoài giao lưu học hỏi, trong lúc các con học có lúc tôi dự giờ, có những lúc tôi vào thư viện và nhận thấy khu vực sách dành cho Việt Nam rất nhiều, vì ngạc nhiên, tò mò tôi ngồi đọc và thấy các bạn nước ngoài cũng ngồi đọc, điều đó có thể nói họ rất quan tâm và tìm hiểu về Việt Nam.

Khi về nước tôi cũng nói với các thầy cô giáo bộ môn Lịch sử, môn Giáo dục công dân…rằng rất muốn có sự khởi sắc, tôi không kỳ vọng phải có giải nọ giải kia mà rất cần thực chất, các con có tình yêu thì các con sẽ có giải.

Nếu thay đổi từ cách nhìn thì thầy và trò sẽ có phương pháp tiếp cận. Ngay như quan niệm của nhiều người cho rằng học ngoại ngữ là để giao tiếp, nhưng theo tôi ngoại ngữ là để nghiên cứu văn hóa lịch sử của quốc gia mà mình học ngoại ngữ đó.

Vậy thì trước hết mình hãy học giỏi ngôn ngữ và lịch sử của nước mình trước, rồi sau đó ta tham khảo, học hỏi các nước bạn và lúc đó ta mới đủ bản lĩnh, hiểu biết cũng như kiến thức sau này đưa vị thế của bản thân lên một tầm nào đó.

Ngoại ngữ chính là học văn hóa, người nước ngoài học tiếng Việt là họ học văn hóa, tìm hiểu phong tục tập quán, con người, món ăn Việt Nam…họ bắt đầu từ những cái đơn giản nhất.

Khi học sinh của ta ra nước ngoài mặc dù không nói ra nhưng các con cũng phải học lịch sử quốc gia nơi mà các con du học, vì vậy xu hướng đi du học càng nhiều, ngoại ngữ càng phát triển thì nhìn chung các con lại vô tình bỏ qua Lịch sử Việt Nam, phần vì lịch sử thế giới động chạm đến quyền lợi của các con khi đi du học”.

Cô giáo Phan Hồng Anh và các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Cô giáo Phan Hồng Anh và các em học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Cần lắm những học sinh giỏi môn Lịch sử

Cô Dương nêu quan điểm: “Khi chúng ta khi thực hiện một thí điểm nào đó thì không thể hy vọng sẽ thành công ngay, nó là mưa lâu thấm dần. Nhưng có thể nói khi đất nước còn chiến tranh, khó khăn nhiều bề, cũng chưa có khái niệm du học, vì vậy thế hệ các bác chăm đọc sách lịch sử còn hơn nhiều thế hệ trẻ hiện nay. Hồi đó đâu phải học vì quyền lợi.

Quyền lợi là một phần, còn cần phải có sự tổng thể, cách nhìn nhận, phương pháp giảng dạy, cách đổi mới trong việc đánh giá, thi cử…Vậy nên cho dù các bạn theo Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội thì các bạn hãy coi môn Lịch sử là môn nền tảng cũng giống như tâm thức học các môn khác như Toán, Văn…

Điều lạ là cứ em nào học giỏi Toán thì được coi là thông minh, là siêu…và ngược lại chưa giỏi Toán thì được cho là kém, là dốt. Trong khi em đó lại rất giỏi môn Ngữ văn, môn Lịch sử.

Học thuyết về trí tuệ thông minh có 9 điều trong đó có thông minh về tự nhiên, về xã hội, về toán học, về lịch sử, văn học…vậy nên chúng ta cần phải thay đổi quan niệm cho rằng chỉ giỏi môn Toán mới là học sinh giỏi.

Khi học sinh có tư duy môn Lịch sử thì rất nhiều các ngành nghề trong xã hội hiện nay vô cùng cần những kiến thức nền tảng đó. Ví dụ nghề luật sư cũng được nhiều bạn trẻ ao ước, hoặc các bạn làm quản lý thì cũng rất cần đến nền tảng lịch sử.

Đối với các công ty nước ngoài cũng vậy, họ rất cần những nhân sự người Việt có hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt, nắm chắc về lịch sử Việt Nam để hỗ trợ họ trong công việc kinh doanh cũng như trong các công việc về văn hóa..

Vậy nên các con hãy nhìn nhận môn Lịch sử một cách tích cực hơn, không phải chỉ những con số khô khan mà đó chính là văn hóa của đất nước mình, có thể không đi chuyên sâu nhưng nếu có hiểu biết rõ về những môn nền tảng thì chắc chắn sẽ hơn.

Tôi hy vọng và tin rằng mọi việc sẽ thay đổi vì môn Lịch sử đã từng có vị trí rất quan trọng, nhất là thời điểm trước năm 1954. Học sinh cần phải giỏi về kiến thức, giỏi về chuyên môn đồng thời phải giỏi về giáo dục truyền thống, yêu dân tộc”.

Tùng Dương