Làm sao để trường đại học tuyển sinh được ngành golf?

02/04/2021 07:29
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Golf được đào tạo ở TDTU như là một cử nhân, chương trình được chuyển giao từ đối tác là Trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc), nơi có nhiều golf thủ.

Mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định đưa Golf vào môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất từ năm học 2021 – 2022.

Trong năm học đầu tiên thí điểm, Trung tâm Giáo dục thể chất trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hợp tác với một doanh nghiệp golf để tổ chức đội ngũ nhân sự, cơ sở vật chất dành cho môn thể thao này.

Trên thực tế, Golf đã từng được đưa vào giảng dạy như là một ngành đào tạo tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), Trường Đại học Tôn Đức Thắng (tại Thành phố Hồ Chí Minh) hay Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).

Sân golf mô phỏng ở Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Sân golf mô phỏng ở Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Là một đơn vị trường học đầu tiên, tiên phong đưa Golf vào giảng dạy như là một ngành đào tạo từ rất sớm, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng suốt 3 năm qua không tuyển được sinh viên.

Chính vì thế, nay thì HIU đã quyết định đưa Golf vào danh sách các môn học thể thao tự chọn cho sinh viên, tập để rèn luyện trong trường học.

Giải thích về việc khó tuyển sinh viên cho ngành học này, Phó Giáo sư Lương Thị Ánh Ngọc – Trưởng khoa Giáo dục thể chất của HIU chia sẻ: Sinh viên học ngành Golf có thể ra làm huấn luyện viên, nhà quản lý hay kinh doanh về golf, tổ chức các sự kiện về golf…

Do mức học phí lên đến 90 triệu đồng/năm học, trường chỉ có sân golf mô phỏng, dụng cụ về golf quá đắt (sinh viên không mua được khi học xong)…nên ngành học này suốt nhiều năm qua không tuyển được sinh viên.

Theo giải thích của Phó Giáo sư Lương Thị Ánh Ngọc, phần lớn những người chơi golf “đếm trên đầu ngón tay”, không phải ai cũng có thể chơi môn thể thao này. Thế nhưng, những sinh viên có gia đình kinh tế giàu có thì chỉ thích chơi golf, lại không thích học golf để thành nghề đi làm.

Khác với HIU, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vẫn tuyển được gần 30 sinh viên sau gần 2 khóa, do ngành này học này kén người học, và lớp học cũng không cần quá đông sinh viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc – Trưởng khoa Khoa học Thể thao của TDTU nói rằng, Golf được đào tạo ở TDTU như là một cử nhân, chương trình được chuyển giao từ đối tác là Trường Đại học Chung Ang (Hàn Quốc), nơi có nhiều golf thủ.

Ngoài ra, Golf còn được đưa vào môn giảng dạy như là môn thể thao tự chọn, áp dụng từ năm học này cho các ngành về Kinh doanh, nhất là Kinh doanh Quốc tế.

Học phí vào khoảng chưa đến 50 triệu đồng/năm học, trường trang bị đầy đủ các dụng cụ học golf cho sinh viên, có sân tập golf tại trường, có học luôn cả trong phòng mô phỏng học ở một số môn, và thậm chí có một số buổi ra sân golf học luôn (nhà trường liên kết với một số sân golf), hay thậm chí các em còn được đi tập cả ở các sân golf 18 lỗ.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc khẳng định: Muốn tuyển sinh được ngành Golf, trường cần phải có chương trình đào tạo chất lượng, đội ngũ giảng dạy phải tốt, thậm chí tại TDTU dạy ngành Golf có cả giáo sư đến từ Hàn Quốc, giảng viên giảng dạy của trường phải được đưa đi học ở nước ngoài về ngành này, cơ sở vật chất phải tối tân.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực thể thao học đường, tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh cho rằng, sở dĩ Golf chưa được đưa vào đào tạo phổ biến trong trường đại học là do tâm lý của mọi người cứ nghĩ là môn học dành cho con nhà giàu.

Ngoài ra, việc chi phí đào tạo về golf quá cao, mua dụng cụ chơi golf quá đắt cũng còn là một lý do, rào cản khiến golf trở nên phổ biến hơn với các trường đại học.

Khẳng định những lợi ích, giá trị mà môn thể thao chơi golf mang lại cho mọi người (rèn luyện thể chất, phát huy khả năng tư duy và trí tuệ của người chơi…), tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh mong muốn cần phải tuyên truyền rộng rãi hơn nữa tác dụng của môn thể thao này.

Trước mắt, trong khi chưa thể phổ biến đại trà, thì cô Nguyễn Thị Hiền Thanh đề xuất: Nên đưa golf vào giảng dạy cho sinh viên các ngành kinh tế, du lịch học.

“Vì đây là môn thể thao hiện đại, nên thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng hiện đại cho sinh viên và học sinh của chúng ta “ – tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Thanh giải thích.

Việt Dũng