Làm sao có Luật, người ta thích làm chủ tịch Hội đồng trường hơn hiệu trưởng

25/08/2018 14:49
Đỗ Thơm
(GDVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

Ngày 24/8, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị góp ý về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Hội nghị tập trung thảo luận về 4 nhóm chính sách lớn của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo đại học gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, đây là lần cuối cùng Ủy ban xin ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật này trước khi xin ý kiến của Thường vụ Quốc hội và toàn bộ thành viên Ủy ban.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đánh giá, các ý kiến phát biểu đều nhấn vào việc là làm sao bật ra được cái lõi của vấn đề tự chủ trong các trường đại học.

Trong đó, hội đồng trường có vai trò rất lớn

Lần này, hội đồng trường được giao 3 quyền lớn: chuyên môn, tài chính, tổ chức.

“Rõ ràng là làm sao Luật này ra đời thì người ta phải thích làm chủ tịch hội đồng trường hơn là hiệu trưởng”, ông Phan Thanh Bình nói.

Tiếp đó, theo ông Phan Thanh Bình, giáo dục đại học là lõi trong quá trình chuyển chất của đất nước.

“Theo tôi, lần sửa này là cần thiết để chuyển chất của giáo dục đại học.

Hai nhánh đại học là công và tư phải làm động lực cho việc chuyển chất của nguồn nhân lực đất nước.

Vì thế, chúng tôi cố gắng để thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.

Còn vấn đề một số đại biểu cho rằng, Luật Giáo dục cần chín hơn chưa thông qua nhưng Luật Giáo dục Đại học lại thông qua. Tôi xin nhấn mạnh, các nguyên tắc của Luật Giáo dục đã được đặt ra trong luật này.

Theo tôi không nên để chậm luật này nữa”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Về vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập, theo ông Phan Thanh Bình, tự chủ phải gắn với điều kiện, gắn với nhà nước như thế nào.

Luật cần xem xét điều kiện tự chủ, tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, giải trình ra sao? phải làm rõ hơn vấn đề tự chủ, trách nhiệm giải trình.

Trách nhiệm của nhà nước phải cụ thể hơn trong việc đầu tư với các trường công, trường tư.

Làm sao có Luật, người ta thích làm chủ tịch Hội đồng trường hơn hiệu trưởng ảnh 2Hội đồng trường phải có thực quyền để tự chủ đại học thành công 

Góp ý tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, chúng ta cần phải có quy định một trường đại học phải đáp ứng diện tích ra sao, số lượng giảng viên như thế nào…

“Trường có vài giảng viên, sáng một giảng đường, chiều chạy sang nơi khác thì sao gọi là trường đại học được.

Nếu như vậy được gọi là trường đại học thì đại học Việt Nam rẻ rúng quá”, Giáo sư Vũ Văn Hóa nói.

Về tổ chức hội đồng trường, Giáo sư Vũ Văn Hóa cho biết, ông tìm hiểu mấy chục hội đồng trường đang tồn tại thấy rất hình thức.

Hội đồng trường hoạt động rất lu mờ, không có dấu ấn gì cả.

Cũng liên quan đến vấn đề tự chủ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, bà có tiếp xúc với các trường mạnh đã được giao tự chủ hoàn toàn và thấy họ rất lo.

“Vì vậy mức độ tự chủ, lộ trình giải quyết việc hậu tự chủ ra sao phải quan tâm trong quá trình quản lý, phải có chính sách rõ ràng nếu không sẽ rất khó cho các trường đại học”, Phó Giáo sư Trần Thị Tâm Đan nêu quan điểm.

Một điểm nữa, Phó Giáo sư Trần Thị Tâm Đan nhấn mạnh, nền giáo dục mở là như thế nào, xây dựng giáo dục mở là như thế nào, gồm những cái gì?

Nếu đã có giáo dục mở thì phải nói rõ để các trường người ta biết thực hiện.

Dù còn một số ý kiến đóng góp nhưng đại diện một số trường đại học có mặt tại hội nghị đánh giá cao dự án Luật Giáo dục Đại học và mong muốn dự án luật sẽ sớm được thông qua để các trường có cơ sở tự chủ thành công.

Đỗ Thơm