"Lạm phát" giáo viên giỏi bởi Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT?

07/08/2021 07:04
Duyên Hà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lần nào đi thi giáo viên giỏi tôi cũng đều cảm thấy nực cười với chuyện gửi gắm. Không phải tôi gửi tiết dạy của chính mình mà là cho đồng nghiệp.

Gần đây, đọc trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi thật sự đồng cảm với nhiều bài viết về hội thi giáo viên dạy giỏi. Tại sao vấn đề này luôn là để tài muôn thuở và là điệp khúc buồn cứ vang lên mãi vào mỗi năm học?

Từng là giáo viên, hiệu phó chuyên môn, từng dự thi và chấm thi hội thi này, tôi thấy đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu thấu đáo để hội thi giáo viên giỏi thực chất hơn.

Hạ chuẩn giáo viên giỏi

Từ khi ra trường đến nay gần 30 năm, tôi đã tham gia hội thi giáo viên giỏi qua nhiều lần thông tư thay đổi.

Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT này có hiệu lực từ ngày 12 tháng 02 năm 2020 và thay thế Thông tư số 49/2011/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non; Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên; Thông tư số 43/2012/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 26 tháng 11 năm 2012 ban hành điều lệ hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Tôi đã đạt 5 lần giáo viên dạy giỏi cấp thành phố (cấp huyện), đạt 3 lần giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp thành phố, đạt giải giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh, đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và thấy rằng Thông tư 22 đang áp dụng đã hạ chuẩn xuống khá thấp so với 3 thông tư trước.

Tôi đã thi đạt 1 lần giáo viên chủ nhiệm giỏi theo Thông tư 22 và cảm thấy để trở thành giáo viên chủ nhiệm giỏi hay giáo viên dạy giỏi quá nhẹ nhàng nếu không muốn nói là quá dễ dàng.

Tại sao vậy? Xin được so sánh Thông tư 21 năm 2010 (cũ) và Thông tư 22 năm 2019 (hiện hành) về hội thi giáo viên giỏi các cấp.

Theo Thông tư 22, điều kiện, tiêu chuẩn và đánh giá kết quả giáo viên của thông tư được “nới lỏng” tối đa: Chỉ cần dạy 1 năm là dự thi cấp trường (Thông tư 21 là 3 năm), chỉ cần đạt 1 năm cấp trường là dự thi cấp huyện (Thông tư 21 là 2 năm), đạt 1 lần cấp huyện là dự thi cấp tỉnh (Thông tư 21 là 2 lần).

Còn 2 vòng thi (Thông tư 21 là 3 vòng: kiến thức chuyên môn, sáng kiến, thực hành), bỏ thi kiến thức. Thực hành 1 tiết (Thông tư 21 là 2 tiết dạy), chỉ cần dạy tại trường, tại lớp (Thông tư 21 dạy ở trường khác)…

Với hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng tương tự bị hạ thấp như giáo viên giỏi. Đặc biệt là vòng Hồ sơ với sổ chủ nhiệm, sáng kiến, báo cáo thành tích chỉ còn lại sáng kiến.

(Ảnh mang tính minh hoạ/ Congluan.vn)

(Ảnh mang tính minh hoạ/ Congluan.vn)

Theo Thông tư 43/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ hội thi giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thì 4 vòng thi phải đạt kết quả: Hồ sơ giáo viên chủ nhiệm, bài thi hiểu biết, bài thi ứng xử tình huống sư phạm, bài thi kể chuyện về công tác chủ nhiệm đều đạt từ 8 điểm trở lên mới đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện hay cấp tỉnh.

Việc hạ thấp tiêu chuẩn hội thi để tránh áp lực cho giáo viên, nhưng lại vô tình làm mất đi ý nghĩa của danh hiệu giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nhiều giáo viên đạt giáo viên giỏi chưa thật sự khiến đồng nghiệp “tâm phục, khẩu phục”. Giáo viên cũng khiên cưỡng, chẳng vui vẻ gì khi đạt giáo viên giỏi.

Vẫn còn bệnh ngụy thành tích

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cân nhắc ra thông tư với mục đích không ép buộc giáo viên dự thi, không đưa danh hiệu giáo viên giỏi vào xét thi đua, giảm áp lực cho giáo viên tham dự hội, song bệnh ngụy thành tích vẫn còn ở đây đó trong quan niệm của các cấp quản lý giáo dục cơ sở.

Đó là việc nhà trường đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên lỏng lẻo để có nhiều giáo viên đủ điều kiện dự thi, “gửi gắm” giám khảo, nâng đỡ giáo viên, lách thông tư, “diễn kịch” trong hội thi...

Theo quy định của Thông tư 22, thi giáo viên giỏi hay chủ nhiệm giỏi được chọn tiết, chọn môn dạy nên giáo viên rất dễ chuẩn bị trước. Giáo viên tiểu học chọn môn ít ít là biết ngay mình sẽ dạy bài nào và chuẩn bị trước.

Giám khảo hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện cho tôi biết: “Khi chấm một tiết sinh hoạt chủ nhiệm mình thấy giáo viên chuẩn bị quá kĩ. Lớp trưởng và ban cán sự lớp báo cáo còn hơn học thuộc lòng. Vì thế tiết sinh hoạt trở lên nhàm chán cho người dự, không chút sáng tạo”.

Đó không phải là cá biệt, nhiều đồng nghiệp tôi quen biết cho rằng đa số chỉ là "diễn". Và khi Thông tư 22 quy định lớp dự thi là lớp của chính giáo viên đó dạy, được báo trước 2 ngày thì tình trạng “gà” bài học sinh nhuyễn như cháo lại càng thuận lợi hơn cho người dự thi.

Một đồng nghiệp chia sẻ: Thầy cô giáo chúng tôi thường nói với nhau thi tiết dạy là vòng thi giáo viên giỏi... diễn. Đầu tiên là khâu soạn “kịch bản” (giáo án) với những lời giảng, câu chữ sao cho thật ngắn gọn, đầy đủ, chính xác đến từng milimet.

Trau chuốt từng li, từng tí, ban giám hiệu duyệt sửa đi, sửa lại vài lần mới xong. Xong được kịch bản, đến lượt dạy nháp, dạy thử. Thầy cô cho học trò câu hỏi, câu trả lời, bài giải về nhà học thuộc để dạy nháp. Nháp xong đến lượt dạy thử cho ban giám hiệu và tổ khối rút kinh nghiệm, tiếp tục sửa lại giáo án, có khi thay đổi tới 180 độ so với kịch bản ban đầu.

Xong, phân công học sinh trả lời câu này, câu kia, phân vai để khi dạy thật, bật máy lên nhấn nút, thầy trò “diễn” sao cho ăn khớp nhau, nhịp nhàng là đạt.

Lần nào đi thi giáo viên giỏi tôi cũng đều cảm thấy nực cười với chuyện gửi gắm. Không phải tôi gửi tiết dạy của chính mình mà là cho đồng nghiệp.

Có khi hiệu trưởng còn bật đèn xanh, giao trách nhiệm cụ thể bởi tôi quen biết khá nhiều bạn bè đi chấm giáo viên giỏi.

Chuyện này đã trở thành cái “lệ làng” ở chỗ tôi dạy bấy lâu nay. Có bước vào vào cái ma trận này mới thấy hết được tận chân tơ kẽ tóc của vấn đề.

Không chỉ những người quen biết gửi cho nhau mà ban giám khảo cũng gửi qua gửi lại. Anh chấm trường tôi, tôi chấm trường anh khác…

Một vòng mắt xích được chạy chính xác đến từng milimet. Trơn tru đến mức mà người bạn tôi làm giám khảo nhiều hội thi phải thốt lên: “Gửi cả đấy, thi chỉ là hình thức”.

Nói như anh bạn là vơ đũa cả nắm, song không phải không có lí khi hơn 400 giáo viên dự thi chỉ rớt vài chục người. Nghe con số ấy sao mà buồn và đắng lòng vô cùng. Tốn tiền bạc, công sức, thời gian để đánh giá “bổ đồng” danh hiệu như thế liệu có thực chất.

Người bạn tôi chia sẻ, địa phương bạn vừa tổ chức thi giáo viên giỏi chủ nhiệm tỉnh cho hơn 100 giáo viên và chỉ rớt vài người. Những người đạt đa số đều có giải, số tiền thưởng chưa đầy 500 ngàn đồng. Bạn nói, lấy giải quá dễ nên tiền thưởng cũng quá “bèo”. Đúng là nói "lạm phát" giáo viên giỏi nhờ Thông tư 22 quả là không sai chút nào!

Để hội thi giáo viên giỏi thật sự thực chất

Đúng ra, để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi phải là những giáo viên thật sự giỏi về chuyên môn, giỏi công tác chủ nhiệm, có kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục.

Thực tế đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh là những giáo viên vững vàng kiến thức xã hội, chuyên môn nghiệp vụ lẫn tay nghề hay nói cách khác là những “cây đa cây đề”.

Bên cạnh đó, nhìn vào hội thi, các cấp quản lý giáo dục sẽ biết được điểm mạnh, điểm yếu về chất lượng giảng dạy của từng địa phương.

Như vậy, nếu bỏ các cuộc thi này thì không còn động lực sẽ làm giáo viên “lụt” tay nghề, sức ì công việc sẽ tăng, nhà giáo không còn được vinh danh, vị thế người thầy không được nâng lên.

Và mọi giáo viên đều “làng nhàng” như nhau thì còn gì để thi đua, còn gì để thúc đẩy phong trào dạy tốt - học tốt? Để hội thi giáo viên giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi thật sự thực chất, theo tôi cần đổi mới hội thi theo hướng:

Thứ nhất, tiêu chuẩn, điều kiện tham dự hội thi phải được nâng lên: Năm giảng dạy, chủ nhiệm lớp phải từ 3 năm trở lên mới được dự thi cấp trường. Giáo viên phải có thành tích trong giảng dạy, giáo dục, chủ nhiệm lớp.

Chẳng hạn thành tích có học sinh giỏi, học sinh đạt giải phong trào, công tác giáo dục, chủ nhiệm lớp phải đạt chất lượng, hiệu quả cao tránh tình trạng “cào bằng” có cũng như không có.

Thứ hai, kiểm tra bài trắc nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn, cách ứng xử xử lý tình huống trong giáo dục, giảng dạy, kiến thức pháp luật trong giáo dục, kiến thức xã hội…

Thứ ba, biện pháp giáo dục, dạy học phải thực tế, hiệu quả phải cụ thể qua kiểm chứng, minh chứng thật sự thuyết phục.

Thứ tư, đối với thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, nếu giáo viên chọn tiết sinh hoạt lớp để thi cần bốc thăm chủ đề sinh hoạt ngay trước khi thực hiện tiết dự thi, còn chọn hoạt động giáo dục thì bốc thăm lớp dạy. Đối với thi giáo viên dạy giỏi thì tiết dạy, môn dạy và lớp dạy phải bốc thăm ngay trước khi vào dạy tiết dự thi.

Thứ năm, thăm dò phụ huynh, học sinh về giáo viên để khẳng định sự tin tưởng về tay nghề, chuyên môn, uy tín…

Thứ sáu, hội thi cấp tỉnh 5 năm tổ chức 1 lần, giáo viên dự thi phải đạt 2 lần giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Duyên Hà