Làm nhiều bài tập không có ích cho giáo dục Việt Nam nhưng lại có ích cho thi cử

13/04/2018 06:52
Phan Tuyết
(GDVN) - Việc học sinh làm nhiều bài tập về nhà chưa biết có ích cho giáo dục Việt Nam hay không nhưng chắc chắn là có ích cho việc thi cử của các em.

LTS: Với mong muốn nêu lên thực trạng về việc làm bài tập của các em học sinh như hiện nay, là một nhà giáo với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy - tác giả Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong buổi: “Hội thảo khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cùng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ tổ chức, em Nguyễn Thị Kim Huế, học sinh lớp 12A4 Trường trung học phổ thông Thanh Thủy (Thanh Thủy, Phú Thọ) đã đặt câu hỏi đối với giáo sư Nguyễn Lân Dũng “Học sinh làm nhiều bài tập về nhà có ích cho giáo dục Việt Nam không?”.

Câu hỏi của em Kim Huế đã được hơn 1.000 học sinh Trường trung học phổ thông Thanh Thủy hưởng ứng và mong muốn nhận được câu trả lời.

Nhưng, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng xin nhường lại phần trả lời cho các thầy cô giáo, những người làm chính sách giáo dục và nhờ Báo điện tử Giáo dục Việt Nam truyền tải.

Làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa: Bảo Lâm).
Làm bài tập về nhà (Ảnh minh họa: Bảo Lâm).

Với tư cách là một giáo viên có khá nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy cùng với nhiều đồng nghiệp có tâm huyết với nghề, chúng tôi sẽ nêu lên một thực trạng giáo dục ở các trường học hiện nay, để từ đó độc giả sẽ có được câu trả lời cho chính mình.

Học kiến thức trong sách giáo khoa chỉ đủ mỗi năm lên một lớp

Kiến thức trong sách giáo khoa của các bậc học hiện nay vốn được nhiều nhà giáo, nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá là khá nặng, nhiều nội dung mang tính hàn lâm không phù hợp với trình độ nhận thức của các em.

Thế nhưng theo khá nhiều giáo viên nói rằng “học sinh nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa chỉ đủ mỗi năm lên một lớp.

Muốn thi đỗ vào các trường chuyên lớp chọn, muốn đỗ vào trường đại học hạng trung buộc phải học thêm kiến thức bên ngoài”.

Nhưng để nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa các em cũng phải học ở trường và học thêm bên ngoài (vì kiến thức khá nặng). Còn để nâng cao kiến thức hơn lại phải học gấp nhiều lần như thế.

Làm nhiều bài tập không có ích cho giáo dục Việt Nam nhưng lại có ích cho thi cử ảnh 2Cho em hỏi học sinh làm nhiều bài tập về nhà có ích cho giáo dục Việt Nam không

Đã có khá nhiều học sinh lựa chọn hai giáo viên chỉ học một môn là thế. Có giáo viên các em cần học kiến thức cơ bản, có giáo viên học để nâng cao.

Phụ huynh học sinh khối lớp 2, lớp 3 ở Thành phố Hồ Chí Minh từng phản ánh chỉ với khoảng gần chục ngày nghỉ Tết nhưng các em phải làm tới hàng trăm bài toán giáo viên giao về.

Học nhiều đương nhiên phải làm bài tập nhiều. Ngoài bài tập trong sách giáo khoa (buộc phải hoàn thành), bài tập ở lớp học thêm để củng cố kiến thức, bài tập nâng cao. Rồi những bộ đề thi của các tỉnh, của quốc gia trong nhiều năm qua…

Thầy cô cũng không muốn “hành hạ” các em bằng cách học nhiều như thế.

Nhưng nếu không thế, sao các em có thể có đủ kiến thức để thi theo Thông tư 22 (quy định có 4 mức độ như mức 1: nhận biết. Mức 2: thông hiểu. Mức 3: vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề quen thuộc. Mức 4: vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề mới…).

Khối 2, 3 đã thế, các bậc học khác đặc biệt là học sinh lớp 9 (chuẩn bị thi vào 10) và học sinh lớp 12 (chuẩn bị thi tốt nghiệp và đại học) thì lượng bài tập được giao về càng khủng khiếp hơn nhiều.

Không đổi mới thi cử, cách ra đề học sinh còn phải “cày” nhiều

Đề kiểm tra cuối kì của bậc tiểu học khoảng 50% kiến thức bên ngoài (môn tiếng Việt những bài đọc hiểu, chính tả thì 100% nội dung là các bài ngoài sách giáo khoa mà học sinh chưa một lần được đọc). Giáo viên không cho học sinh ôn luyện bài tập nhiều sao có thể làm được?

Đề thi vào 10 hay đề thi tốt nghiệp quốc gia cũng được đánh giá vượt kiến thức ngoài chương trình đến 50%. Thế nên không làm bài tập nhiều liệu các em có đủ trình độ để tham dự kì thi?

Gò đầu, căng mắt, bặm môi...sao bắt trò học nhiều thế cô ơi?

Ngoài ra, đề thi vào các trường chuyên lớp chọn càng căng hơn nhiều khi kiến thức lại vô cùng khó.

Nhìn vào những đề thi của các bậc học, không ít người phải thốt lên “học một đằng thi một nẻo”.

Thế nên việc học sinh làm nhiều bài tập về nhà chưa biết có ích cho giáo dục Việt Nam hay không nhưng chắc chắn là có ích cho việc thi cử của các em.

Và chừng nào việc thi cử không được đổi mới, việc ra đề không được cải tổ thì chừng ấy học sinh còn phải miệt mài cày bài tập đến “tẩu hỏa nhập ma” mới thôi.

Phan Tuyết