Làm hiệu trưởng tốt có khó không?

23/05/2020 06:50
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì yếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ quản lý nên những hiệu trưởng này thường quản lý giáo viên bằng nguyên tắc cứng nhắc với cái lý của riêng mình.

Hiệu trưởng muốn thu phục nhân tâm mọi người yêu cầu đầu tiên người hiệu trưởng ấy phải thực tài, có năng lực nghề nghiệp vượt trội giáo viên, có phẩm chất đạo đức chuẩn mực và ứng xử khéo léo trong mọi mối quan hệ.

Có được hiệu trưởng tốt, giáo viên sẽ giảng dạy nhiệt tình, hiệu quả hơn (Ảnh minh họa: Báo Hà Nam)

Có được hiệu trưởng tốt, giáo viên sẽ giảng dạy nhiệt tình, hiệu quả hơn (Ảnh minh họa: Báo Hà Nam)

Năng lực yếu khó trở thành hiệu trưởng tốt

Trong thực tế, vẫn còn không ít hiệu trưởng nhưng năng lực nghề nghiệp lại thua xa nhiều giáo viên. Bởi, họ lên chức không bằng tài năng được tập thể công nhậ mà do được nâng đỡ, do có mối quan hệ, quen biết.

Điều này, dẫn đến tiếng nói của hiệu trưởng đối với giáo viên trong trường không mấy trọng lượng.

Vì yếu chuyên môn, yếu nghiệp vụ quản lý nên sợ cấp dưới coi thường, khinh khi. Lẽ ra, yếu nghiệp vụ nhưng bù lại sẽ có một năng lực quản lý để thu phục lòng người thì những hiệu trưởng này, thường quản lý giáo viên bằng nguyên tắc cứng nhắc với cái lý của riêng mình.

Ví như liên tục tổ chức những cuộc họp dài lê thê mà nội dung chẳng có gì. Họp là phải ghi chép theo kiểu sao y bản chính vì như thế mới nhớ để làm.

Họp tổ phải đúng 3 tiếng dù có họp xong vẫn không ai dám về. Hay như học bồi dưỡng thường xuyên, soạn giáo án phải chép bằng tay như thế mới học được. Nếu soạn máy sẽ dễ copy người khác…

Trong tiết dạy, buộc giáo viên phải dạy đúng quy trình mà không biết chấp nhận sự sáng tạo của họ.

Trên bảo sao cứ thực hiện răm rắp mà không dám thay đổi cho phù hợp với trường mình và tình hình thực tế.

Nếu ai đó làm không đúng thì “bão lửa” sẽ đổ xuống đầu ngay trong cuộc họp hội đồng. Có nhiều giáo viên bức xúc than rằng: “Hiệu trưởng chửi giáo viên như con”; “chửi như hát hay, chửi không kịp vuốt mặt”…

Vì năng lực yếu nên phải áp đảo giáo viên bằng quyền lực để họ sợ và phục tùng. Mẫu hiệu trưởng kiểu này chỉ làm người ta sợ chứ chẳng làm ai yêu mến và tâm phục cả.

Chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng sao có thể trở thành hiệu trưởng tốt?

Hiệu trưởng cũ của tôi vốn là hiệu trưởng một trường tiểu học điểm của thị xã. Bởi thế, hằng năm nhu cầu của phụ huynh muốn con mình được học ngôi trường ấy khá đông.

Năm ấy, trường chỉ còn dư 1 xuất nhưng có 2 nguyện vọng muốn vào học, đó là con của nhân viên kế toán và cháu ruột của thầy hiệu trưởng.

Chẳng cần nói thì ai cũng hiểu bé được nhận vào học là ai? Thế nên cô nhân viên cũng chẳng hy vọng, trông ngóng gì.

Nhưng thật bất ngờ, thầy hiệu trưởng lại nhường cho con của cô nhân viên và cháu của thầy phải đi học một trường học khác khá xa.

Nhiều người cũng tò mò, thắc mắc vì thầy đã làm điều khác với bình thường.

Thầy chỉ nói, dù là nhân viên của mình nhưng mình có sống hết lòng thì họ mới hết lòng vì công việc. Làm người lãnh đạo thì chịu thiệt thòi một chút cũng chẳng sao.

Ngược lại, có những hiệu trưởng tiết dạy theo quy định (tuần 2 tiết) lại viện cớ bận họp, bận làm nên toàn nhờ giáo viên dạy dùm.

Thế mà, có tiết dư (nếu dạy sẽ được ăn tăng giờ) thì giành lấy để dạy.

Giáo viên trong trường chỉ được thêm vài triệu đến dăm triệu cả năm học nhưng có hiệu trưởng nhận trên chục triệu đồng.

Có trường căn tin, giữ xe tiền đấu thầu hàng năm cả trăm triệu, rồi tiền bán sách vở, quần áo…nhưng cuối năm, giáo viên ngậm ngùi nhận 200 ngàn tiền thưởng trong khi nhiều trường học bên cạnh nguồn thu không bằng vẫn nhận dăm triệu đồng thưởng Tết.

Theo nhiều thầy cô cho biết hiệu trưởng ngày một giàu lên còn giáo viên đôi khi ăn bữa trước lại lo bữa sau.

Vậy nên để trở thành hiệu trưởng tốt có khó không? Đương nhiên sẽ rất là khó, nếu người hiệu trưởng ấy hội đủ tài và đức thì việc trở thành hiệu trưởng tốt sẽ gần hơn rất nhiều.

Thảo Ly