Làm hiệu trưởng bây giờ có khó không, sướng hay khổ?

17/05/2020 06:23
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Dù hiệu trưởng luôn có những người tham mưu, giúp việc theo từng mảng công việc nhưng chắc chắn một điều là hiệu trưởng phải biết chỉ đạo và chịu trách nhiệm.

Từ lâu rồi, mỗi khi nói về hiệu trưởng ở các nhà trường phổ thông thì một số người thường có thói quen nghĩ về những con người độc đoán, tham lam và lên chức này không hẳn là bằng tài năng của mình. Tất nhiên, những hiệu trưởng như vậy cũng không hiếm nhưng có lẽ không phải là số nhiều.

Phần lớn hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm thì trước hết họ phải là người tương đối tốt ở tất cả các mặt như: phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, có khả năng quản lý tốt và hài hòa được các mối quan hệ.

Những người yếu về các mặt này rất khó được bổ nhiệm làm hiệu trưởng và cho có được bổ nhiệm thì đương nhiên cũng rất khó trụ được ở vị trí này trong một thời gian dài.

Công việc của một hiệu trưởng nhà trường hiện nay không hề đơn giản. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Công việc của một hiệu trưởng nhà trường hiện nay không hề đơn giản. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Theo quy định hiện hành thì điều kiện để bổ nhiệm hiệu trưởng trong những năm gần đây không còn dễ dàng như trước đây nữa.

Người được bổ nhiệm hiệu trưởng phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với mỗi cấp học.

Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học thì trước khi được bổ nhiệm phải dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

Như vậy, muốn làm hiệu trưởng thì trước tiên họ phải là những nhà giáo đã từng đứng lớp, có ít nhất 5 năm công tác, vùng khó khăn cũng phải qua 4 năm công tác.

Quy định như vậy, nhưng thực tế thì để trở thành một hiệu trưởng nhà trường, nhất là những trường ở khu vực có điều kiện, những trường lớn thì người thầy ấy phải trải qua nhiều giai đoạn nhất định.

Trước tiên họ phải dạy lớp một số năm rồi mới được bổ nhiệm làm tổ trưởng chuyên môn, cơ cấu, quy hoạch vào chức danh phó hiệu trưởng rồi mới được cử đi học lớp bồi dưỡng cán bộ quán lý, bồi dưỡng về chính trị.

Phải mất một số năm phấn đấu mới có thể được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, làm phó một thời gian thì mới có cơ hội làm hiệu trưởng nhà trường.

Làm hiệu trưởng bây giờ có khó không, sướng hay khổ? ảnh 2
Nên để giáo viên bỏ phiếu kín đánh giá Hiệu trưởng

Vì thế, đa phần để lên được hiệu trưởng trong những năm gần đây thì thông thường người đó phải có hàng chục năm công tác ở một số vị trí khác nhau mới được bổ nhiệm.

Tất nhiên, thực tế cũng có những trường hợp ngoại lệ như một số trường khó khăn, trường mới thành lập hay có những trường hợp “nâng đỡ không trong sáng” thì hiệu trưởng thường chỉ cần đủ chuẩn về số năm là có thể được bổ nhiệm.

Nhưng, thực tế số hiệu trưởng như vậy hiện nay rất hiếm nên đa phần thì họ vẫn phải trải qua một số vị trí công việc từ thấp đến cao thì mới được bổ nhiệm chức danh này.

Làm hiệu trưởng khó hay dễ?

Thực tế cho thấy để hoàn thành được công việc ở mức tương đối tốt thì không có công việc nào trong trường học dễ dàng cả. Nhất là đối với công việc của một lãnh đạo, một người quản lí như hiệu trưởng nhà trường.

Trường nhỏ cũng có vài chục giáo viên, nhân viên, trường lớn lên đến hàng trăm con người có trình độ bằng, thậm chí là hơn hiệu trưởng. Trong số những giáo viên trong trường có nhiều lứa tuổi và đến từ nhiều địa phương, nhiều thành phần khác nhau.

Có người là con cháu của lãnh đạo, của cấp trên hiệu trưởng, có người đã từng là học trò của hiệu trưởng, thậm chí có nhiều người đã từng là thầy, là cô của hiệu trưởng.

Trong số những cấp dưới của hiệu trưởng, có người phục tùng, có người chống đối, có người ganh ghét…

Mỗi trường, ít cũng có 4-5 tổ chuyên môn, trường lớn lên đến hàng chục tổ chuyên môn khác nhau. Mỗi tổ lại thường có những tư tưởng cống hiến, phấn đấu khác nhau.

Chỉ cần phân công người này chủ nhiệm, người kia không chủ nhiệm lớp cũng có ý kiến phản đối, chỉ cần phân công người này dạy hơn người kia 1 tiết là cũng đã có ý kiến…

Làm hiệu trưởng bây giờ có khó không, sướng hay khổ? ảnh 3Hiệu trưởng, giáo viên cứ làm tròn bổn phận của mình thì chẳng ai phải ngại ai

Nhất là, trong trường có ít nhất 1 phó hiệu trưởng, trường lớn lên đến 2-3 phó hiệu trưởng- những người cũng ít khi có tiếng nói chung với hiệu trưởng trong điều hành chỉ đạo…

Vì thế, xây dựng được mối đoàn kết nội bộ trong mỗi đơn vị trường học cũng không phải là điều dễ dàng.

Đó là chưa kể mỗi trường học có từ vài trăm đến vài ngàn học sinh. Trong hàng trăm, hàng ngàn học sinh ấy cũng không thiếu những em cá tính, quậy phá mà đa số ở trường học thì việc giải quyết những học sinh cá biệt đều đưa lên cho hiệu trưởng nhà trường thực hiện.

Mà hiệu trưởng đâu chỉ có quản lý con người, nhân sự, phân công công tác mà còn quản lý một mảng rất nặng là tài chính- mảng này cũng thường đẩy hiệu trưởng đến nhiều chuyện thị phi nhất, thậm chí dẫn đến kiện cáo, tù tội nếu có những sai sót.

Tất nhiên, việc này có kế toán nhà trường tham mưu nhưng người chủ tài khoản và chủ chi lại là hiệu trưởng nhà trường.

Ngoài ra, còn vô số việc liên quan đến họp hành ngành dọc, ngành ngang, dạy lớp, đối nội, đối ngoại, liên tục phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra với rất nhiều nội dung của Sở, Phòng, Uỷ ban…

Như vậy, nếu chỉ nhìn hiệu trưởng là người “chỉ tay năm ngón” thì e rằng còn nhiều khiên cưỡng.

Dù hiệu trưởng luôn có những người tham mưu, giúp việc theo từng mảng công việc nhưng chắc chắn một điều là hiệu trưởng luôn là người chịu trách nhiệm và tất nhiên dù làm ít hay làm nhiều, dù trực tiếp hay gián tiếp làm việc thì hiệu trưởng vẫn phải là người kiểm tra, đôn đốc.

Nếu hiệu trưởng kém tài, kém đức thì trường học sẽ đi xuống và đương nhiên cấp dưới không phục, hiệu quả đào tạo thấp và lúc ấy đương nhiên là cái ghế hiệu trưởng cũng sẽ không còn được đảm bảo nữa.

KIM OANH