Lạm dụng văn mẫu sẽ khiến thầy và trò trở nên lười biếng

27/08/2021 06:57
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta hãy coi văn mẫu là công cụ, chứ không phải là sản phẩm để đánh giá học sinh, thầy cô cũng không nên áp đặt ý, lạm dụng nó, như vậy sẽ phản tác dụng.

Nhiều ý kiến cho rằng không khó để có thể gặp các bài làm văn của học trò sao chép y nguyên bài văn mẫu, ngay trong một lớp học cũng có những bài kiểm tra viết khá giống nhau. Nguyên nhân cho rằng do giáo viên, nhà trường chạy theo bệnh thành tích, muốn học sinh đạt điểm cao, bằng mọi cách luyện cho các em học thuộc lòng bài mẫu để đạt điểm 9 -10 mà không chú trọng đến việc dạy học sinh đọc văn, cảm thụ tác phẩm?

Hiện nay, chương trình sách giáo khoa lớp 6 đã bắt đầu đổi mới, cách dạy và học dần chuyển sang hướng phát huy năng lực học sinh, hạn chế sự thụ động làm theo văn mẫu, nhưng nếu giáo viên vẫn đi theo “lối mòn” cố hữu, “ngại thay đổi” thì việc đổi mới sách giáo khoa cũng sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Lê Hoài Quân - Tổ trưởng Tổ Văn Sử Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội), theo thầy Quân:

“Khi đã gọi là mẫu có nghĩa nó phải đạt được mức độ chuẩn mực để làm mẫu cho người khác. Trong hoạt động dạy học cũng có rất nhiều phương pháp, và một trong đó là phân tích bài văn mẫu, lúc này văn mẫu như một công cụ, một phương tiện giúp học sinh luyện kĩ năng. Sản phẩm học tập của học sinh thu được sau khi có kĩ năng là sự sáng tạo cá nhân, không phải là sự dập khuôn, bắt chước y như nguyên mẫu.

Với mặt bằng chung, có thể vì một lý do nào đó “yêu cầu”, vì chỉ tiêu thành tích… và trong trường hợp “cực chẳng đã” như vậy cũng có không ít thầy cô làm theo. Tuy nhiên, nếu như áp dụng văn mẫu vào đại đa số phổ biến chung cho tất cả học sinh thì đó lại là điều cần phê phán, vì phản giáo dục. Tôi quan niệm, cho dù văn mẫu có hay đến đâu, cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo, tuyệt đối không được lạm dụng để sao chép y nguyên.

Mỗi học sinh là một cá thể, có sự sáng tạo, cảm xúc và khả năng riêng, và giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo, tính cá thể đó trên cơ sở đáp ứng được mục tiêu phát triển năng lực của người học, việc "rập khuôn" theo văn mẫu sẽ khiến cả thầy và trò trở nên lười biếng, "bóp chết" tư duy, làm mất khả năng khả năng sáng tạo quan sát, thui chột cảm xúc của người học”.

Thầy Lê Hoài Quân: "Cho dù văn mẫu có hay đến đâu cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo, tuyệt đối không được lạm dụng để sao chép y nguyên". Ảnh: NVCC.
Thầy Lê Hoài Quân: "Cho dù văn mẫu có hay đến đâu cũng chỉ nên coi là tài liệu tham khảo, tuyệt đối không được lạm dụng để sao chép y nguyên". Ảnh: NVCC.

Có ý kiến cho rằng, học sinh trong một lớp có bài viết na ná giống nhau khi tả về ông bà, cha mẹ…hoặc một cảm nhận gì đó về người thân. Như vậy có phải là giáo viên đã lạm dụng văn mẫu, áp đặt ý của mình vào học sinh, làm triệt tiêu cảm xúc cũng như sự sáng tạo trong dạy và học văn, nếu học sinh làm “lệch” ý của cô sẽ bị điểm kém?

Vấn đề này, thầy Quân chia sẻ: “Tôi nghĩ không phải giáo viên nào cũng áp đặt như vậy, hoặc có thể tư duy của trẻ chưa hiểu hết lời giáo viên giảng khi làm mẫu về một đối tượng định miêu tả. Trong quá trình nghe giảng, học sinh có thể quá hăng say vào một đặc điểm nào đó, quá tập trung vào các chi tiết ấy… đã khiến cho các em làm theo mẫu một cách vô thức.

Sĩ số quá đông trong một lớp khiến thầy cô chưa quan tâm được hết, hoặc không nhấn mạnh đó là ý kiến của riêng mình nên đã khiến cho học sinh không nhận thức được. Giáo viên chưa cho học sinh thấy được cách họ quan sát để đưa ra được những đặc điểm định miêu tả, họ chỉ liệt kê ra đặc điểm ông bà như thế này, đặc điểm bố mẹ sẽ thế kia…nhưng lại chưa hướng cho các em cách tìm ra những đặc điểm tương tự đó ở nhiều nhân vật khác.

Những vấn đề nêu trên sẽ được khắc phục bởi sự thay đổi của chương trình mới hiện nay, căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như sự phát triển của xã hội. Chương trình mới chú trọng đến cách, ví dụ: Cùng một đối tượng miêu tả, nếu là mẹ của cô giáo thì cô sẽ miêu tả thế này, nhưng nếu là mẹ của học sinh thì các em sẽ phải miêu tả thế kia, và dựa trên cách giáo viên miêu tả như thế, học sinh sẽ có cách miêu tả mẹ theo sự quan sát, liên tưởng và cảm xúc riêng của chính mình. Và sản phẩm có được là một bài văn miêu tả mẹ của riêng em mà không giống với bài văn tả mẹ của các bạn khác”.

Văn mẫu là công cụ, ngữ liệu để tham khảo

Thầy Quân nêu quan điểm: “Giáo viên phải là người đầu tiên cần thay đổi, bản thân tôi khi dạy luôn nhấn mạnh với các con phải quan sát 2 điều, thứ nhất là nội dung thầy truyền đạt cái gì, và thứ hai là các con phải tập trung xem phương pháp nào, cách làm nào mà thầy đã đưa ra nội dung đó? Học sinh phải biết được đích đến, nhưng cũng phải biết cách làm thế nào để đạt được đích đó.

Quan điểm của tôi là khuyến khích học sinh sáng tạo, các em diễn đạt, thể hiện theo cách của riêng mình, nhưng về phương pháp, về cách làm phải tuần tự từng bước theo quy chuẩn. Bên cạnh đó cũng có không ít học sinh hiểu cách khai thác, biết cách tìm ý nhưng lại không biết cách diễn đạt, thể hiện, lúc này văn mẫu sẽ “xuất hiện” để giúp đỡ học sinh cách hành văn, cách đặt câu, giúp thể hiện từ ngữ câu chữ... Chính vì vậy, có thể nói văn mẫu nên có một vị trí là phương tiện chứ không phải là sản phẩm cuối cùng.

Qua phân tích văn mẫu, học sinh sẽ hiểu được các bước miêu tả một nhân vật, vị trí quan sát, trình tự miêu tả, các cách để tái hiện lại đối tượng sao cho chân thực và sinh động nhất, từ đó rút ra được kĩ năng, biết cách làm một bài văn miêu tả và có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng miêu tả khác nhau. Văn mẫu có một vị trí nhất định, chúng ta hãy coi nó là công cụ chứ không phải là sản phẩm để đánh giá học sinh, thầy cô cũng không nên áp đặt, lạm dụng nó”.

Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NVCC.
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) trong giờ học. Ảnh: NVCC.

Thay đổi cách kiểm tra đánh giá sẽ loại bỏ văn mẫu?

Nhiều giáo viên môn Ngữ văn nói rằng nếu không dùng văn mẫu để dạy, học sinh sẽ không được điểm cao trong các kỳ thi. Nguyên nhân là do cách ra đề của Bộ đều ở các tác phẩm trong sách giáo khoa, dù mở nhưng cũng có phần bó buộc giáo viên nhặt đúng ý cho điểm, chấm theo ba rem. Vậy nên, Bộ và các Sở cần đổi mới hoàn toàn cách thức ra đề kiểm tra, đánh giá ở các kỳ thi sẽ triệt tiêu được văn mẫu?

Thầy Quân cho biết: “Dạy học theo phát triển năng lực là mục tiêu, là nhiệm vụ, là định hướng của chương trình mới. Ví dụ: Học sinh trong toàn bộ quá trình sẽ học 5 văn bản, nhưng đến khi kiểm đánh giá sẽ là văn bản thứ 6 hoàn toàn mới, lúc này các em sẽ phải vận dụng tất cả các kĩ năng đã được học qua 5 bài kia để giải quyết các vấn đề đặt ra trong văn bản thứ 6 này.

Sẽ phải thay đổi từ kiểm tra đánh giá giúp loại bỏ việc áp đặt văn mẫu vào bài viết, cho dù giáo viên có áp đặt ý của mình vào văn mẫu cũng không thể được bởi kiểm tra đánh giá lại là một bài văn khác hoàn toàn, nó sẽ giải quyết được vấn đề các bài kiểm tra viết na ná giống nhau. Vậy nên rất cần đổi mới cách ra đề cũng như đánh giá kết quả học tập của học sinh”.

Hiện nay, trong khi sách giáo khoa và yêu cầu giảng dạy đã đổi mới, nhưng có ý kiến lo ngại về phía giáo viên nếu vẫn dạy theo lối mòn cũ “ngại” thay đổi, liệu việc áp đặt ý và Văn mẫu cho học sinh vẫn sẽ tiếp diễn?

Về vấn đề này, thầy Quân nói: “Khi yêu cầu về đổi mới dạy học theo phát triển năng lực, lúc này nội dung sách giáo khoa không còn là một vị trí tiên quyết giống như chương trình cũ. Hiện nay là chú trọng phát triển năng lực cho học sinh theo mục tiêu chương trình, mục tiêu bài học đặt ra, vì vậy giáo viên cũng phải thay đổi chính mình, thay đổi cách nhận xét, đánh giá, thay đổi phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình. Nếu giáo viên không thay đổi sẽ khó mà đạt được kết quả”.

Tùng Dương