Làm bài môn Văn tốt nhưng viết ngoáy, GV khó đọc thì điểm sao cao được

06/06/2022 06:55
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh lưu ý, việc thường xuyên cập nhật tin tức thời sự mỗi ngày góp phần cho các em thêm kiến thức và tư liệu để khai thác sâu hơn nội dung bài tập làm văn.

Ngữ văn là môn có trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Do đó, học sinh cần biết cách để ôn luyện sao cho hiệu quả để đạt kết quả thi tốt nhất. Ngữ văn không phải là môn học thuộc lòng, vì thế, việc “học vẹt”, làm theo bài văn mẫu, hoặc chỉ đơn thuần nhớ nguyên bài thơ nhưng không nắm chút ý chính nào, bài thi đó sẽ khó đạt điểm cao.

Việc thường xuyên cập nhật tin tức mỗi ngày góp phần cho các em thêm kiến thức và tư liệu để khai thác sâu hơn nội dung bài tập làm văn. Theo đó, học sinh dễ dàng nắm bắt sự kiện nào đang “hot” và có khả năng đưa vào làm dẫn chứng trong bài thi, hoặc biết cách triển khai ý sao cho thật hợp lý, có tính thuyết phục.

Để giúp học sinh cách ôn tập và làm bài thi một cách tốt nhất trong kì thi vào lớp 10 năm nay, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).

Cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Cô Vũ Thị Tuyết Nga - Giáo viên dạy Ngữ văn lớp 9 Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nga cho biết: “Cấu trúc đề thi Ngữ văn qua nhiều năm của Hà Nội thường có hai phần, câu hỏi trả lời đọc hiểu và câu hỏi tạo lập văn bản. Phần đọc hiểu trong các ngữ liệu của văn bản trong chương trình lớp 9. Mọi kỹ năng học sinh đều được rèn luyện từ năm lớp 6 nên càng lên cao kỹ năng đó càng thuần thục hơn.

Phần tạo lập văn bản về nghị luận văn học, có nghĩa viết đoạn văn cảm nhận về một nhân vật, hay cảm nhận về một đoạn thơ, hoặc cảm nhận về một chi tiết trong tác phẩm truyện. Một phần học sinh sẽ được tạo lập văn bản về nghị luận xã hội, trình bày ý kiến của mình về một hiện tượng nào đó, hay một vấn đề nào đó đang rất nổi bật, hoặc vấn đề đó giúp định hướng về mặt tư tưởng, hành vi cho học sinh.

Phần nghị luận xã hội đã phát huy được sự sáng tạo của học sinh bởi các em được trình bày ý kiến của mình, đặc biệt phom đề của Hà Nội cũng như gợi ý đáp án chấm điểm bao giờ cũng khuyến khích học sinh có khả năng sáng tạo trong việc trình bày quan điểm của mình về một vấn đề hoặc hiện tượng xã hội, tư tưởng đạo lý”.

Lưu ý khi tự ôn tập ở nhà

Cô Nga chia sẻ: “Đối với các văn bản trong sách giáo khoa không nhất thiết phải học thuộc, học sinh nên luyện các kỹ năng như viết đoạn văn, kỹ năng trả lời câu hỏi đọc hiểu, kỹ năng khai thác văn bản.

Với tất cả các văn bản phải nắm vững được phần kiến thức cơ bản như thông tin về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác, những thông tin về nội dung, về nghệ thuật, những thông tin về nhan đề, và đặc biệt là các bài học liên hệ từ văn bản đó. Các văn bản truyện cần nắm được đặc điểm của nhân vật, từ nhân vật đó chúng ta cảm nhận được những bài học gì ở trong cuộc sống, cũng như liên hệ được vấn đề nào.

Văn bản thơ, học sinh cần nắm bắt được những tín hiệu nghệ thuật trong văn bản thơ đó, cần đọc để nắm được mạch cảm xúc, những biện pháp tu từ nổi bật, tình cảm, tư tưởng của tác giả thể hiện qua bài thơ.

Hay là những biện pháp tu từ và phải nắm được cấu trúc tạo lập văn bản, khi tạo lập văn bản dưới dạng các đoạn văn theo các phép lập luận quy nạp, diễn dịch, tổng hợp phân tích…Vậy đối với đoạn đó học sinh phải mở hay kết đoạn ra sao?

Đặc biệt, form đề thi vào lớp 10 của Hà Nội thường có một câu tích hợp về kiến thức Tiếng Việt, trong đoạn văn đó học sinh phải chú thích được phép liên kết hay sử dụng một câu ghép, câu phủ định hay sử dụng một câu bị động, hay một thành phần biệt lập, hay một khởi ngữ. Tất cả những phần đó học sinh phải rèn luyện để đặt được những kiểu câu có những yêu cầu như vậy. Nhưng lưu ý câu văn đó phải phù hợp với nội dung của đoạn văn mà học sinh tạo lập.

Việc thao tác này thuộc về kỹ năng, ví dụ: Ở đoạn văn theo phép lập luận diễn dịch thì câu mở đoạn phải giới thiệu được vấn đề, giới thiệu được tác giả, tác phẩm, phải đưa ra được bình luận của mình về vấn đề đó một cách khái quát nhất. Đối với đoạn quy nạp thì câu chủ đề nằm cuối đoạn thì bao giờ học sinh cũng dùng những từ mang tính chất tổng hợp khái quát như: "Tóm lại".

Còn đối với câu tích hợp Tiếng Việt, khi làm bài học sinh phải gạch chân vào các từ khóa ở đề bài. Khi ôn tập, học sinh phải tự đặt ra được cho mình đối với đề này có thể tích hợp những câu, những kiến thức Tiếng Việt nào…và phải tự đặt những câu đó. Ở trong bất kỳ một đề bài nào học sinh phải tìm được những từ khóa, phải xác định được đề bài đó liên quan đến ngữ liệu trong văn bản nào, phải hình dung ra được kiến thức trong văn bản đó”.

Cô Nga phân tích: “Với các văn bản trong phần nghị luận văn học, khi ôn tập ở nhà, học sinh hãy mở sách giáo khoa đọc văn bản đó và hình dung tất cả những đơn vị kiến thức của văn bản đấy. Sau đó gấp sách rồi tự nhớ lại, nếu em nào có khả năng tập trung cao sẽ nhớ lại được tất cả những thông tin đó, còn em nào không có khả năng thì hãy viết ra giấy, đó là quá trình viết và tự ghi nhớ.

Phần nghị luận xã hội cũng rất đơn giản và thường có “công thức”, để ôn tập được dạng bài này với 2 điểm trong đề bài, học sinh phải ghi nhớ được những luận điểm chính ở trong văn bản nghị luận xã hội đó. Ví dụ muốn làm gì, muốn trình bày gì thì đầu tiên phải giới thiệu được vấn đề để người nghe công nhận ý kiến của mình về vấn đề đó, để người ta hiểu được, rồi sau đó “mổ xẻ” trình bày quan điểm của mình”.

Nhà giáo Lê Hoài Quân – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huy Văn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Lê Hoài Quân – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huy Văn (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cách ôn tập trọng tâm, lưu ý khi làm bài

Cũng về vấn đề này, nhà giáo Lê Hoài Quân – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Huy Văn (Đống Đa, Hà Nội), đã cho biết khi trao đổi: “Trước hết, học sinh cần xác định mục tiêu là không học tủ, không khoanh vùng, mà cần có kiến thức tổng quát, cần tích hợp ngang dọc với bộ môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở.

Phần văn bản (phát hiện, đọc hiểu, cảm thụ): Cần chú trọng vào việc phân tích tác phẩm văn xuôi như hiểu nhân vật, hình huống truyện, ngôi kể.... Với tác phẩm thơ phải nắm được mạch cảm xúc, ý nghĩa nhan đề và biết khai thác các tín hiệu nghệ thuật trong từng câu từng khổ thơ.

Phần Tiếng Việt (phát hiện, phân tích tác dụng, vận dụng đặt câu…): Cần nắm vững khái niệm, các kiểu, biết phân tích tác dụng của biện pháp tu từ, các dạng câu,... biết vận dụng một cách linh hoạt và sáng tạo trong khi viết đoạn văn.

Viết đoạn văn (nghị luận văn chương và nghị luận xã hội): Học sinh cần xác định chính xác nội dung và yêu cầu nghị luận, từ đó có cách lập luận phù hợp đồng thời biết vận dụng sáng tạo và linh hoạt các kỹ năng để làm sáng tỏ vấn đề.

Về kiến thức: Ôn kỹ, học đều, chắc kỹ năng, rõ phương pháp, cách làm.

Khi vào phòng thi: Các em nên tạo cho mình một tâm thế tốt nhất, luôn bình tĩnh, tự tin để sáng suốt làm bài. Cần đọc kĩ đề thi:

Đọc lần thứ nhất để khoanh vùng các vấn đề, nội dung cần trả lời.

Đọc lần thứ hai để đánh dấu phân loại những câu hỏi dễ - khó theo khả năng cá nhân.

Đọc lần thứ ba để đi vào trả lời chi tiết từng câu hỏi trong bài thi. Tránh bỏ sót các câu hỏi nhỏ, nên viết vào nháp dàn ý khái quát, sơ đồ hoá kiến thức, tìm từ khóa quan trọng cho mỗi câu trả lời.

Phân bổ thời gian hợp lý, nên ưu tiên làm trước các phần mà bản thân cảm thấy tự tin, cố gắng làm trọn vẹn từng phần một, tránh trả lời lẫn lộn các câu hỏi giữa các phần khác nhau. Chú ý cách trình bày các phần, các câu rõ ràng, khoa học, sạch đẹp không gạch xóa".

Thầy Quân nhấn mạnh: "Làm bài thi Ngữ văn khác với những môn khác, ngoài cảm hứng ra các em phải lưu ý đến cách trình bày, cách diễn đạt câu trả lời để người đọc dễ hiểu rõ ý, đặc biệt không được viết tắt, viết ẩu. Có nhiều em viết nội dung rất tốt nhưng vì viết ngoáy nhanh quá khiến cho các thầy cô chấm bài không đọc được ý, dẫn đến hiểu sai và đương nhiên bị trừ điểm.

Còn một lưu ý nữa đối với đề thi vào lớp 10 là phần tạo lập văn bản, có nghĩa chỉ tạo lập một đoạn văn, mà đã là đoạn văn thì trong suốt quá trình diễn đạt đoạn văn đó các em không được chấm xuống dòng, bởi khi đã chấm xuống dòng là tách thành 2 đoạn rồi, việc này sẽ bị mất điểm hình thức”.

Tùng Dương