Là nhà giáo, tôi thật sự biết ơn những việc Bộ trưởng đã làm trong thời gian qua

23/05/2022 08:47
Hoài Thu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thời gian qua đều đi vào trọng tâm, phù hợp.

Tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ tư lệnh ngành giáo dục, một lĩnh vực được coi là “nóng” bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, ảnh hưởng đến mọi gia đình, được mọi người, mọi nhà hết sức quan tâm.

Tác giả Hoài Thu - một giáo viên đang giảng dạy Trung học cơ sở tại tỉnh Tiền Giang đã gửi đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một số chia sẻ ở cương vị là người công tác trong ngành về những chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ảnh: moet.gov.vn)Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ảnh: moet.gov.vn)

Qua hơn 1 năm, Bộ trưởng đã thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn lớn, có tâm với giáo dục

Chặng đường 5 năm 2021-2025 được xem là giai đoạn quan trọng đối với giáo dục nước nhà khi không chỉ thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng là “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” mà quan trọng hơn nữa là lấy lại niềm tin của dư luận. Thách thức này đặt lên vai tư lệnh ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Có thể nói, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn nhận nhiệm vụ Bộ trưởng chỉ hơn 1 năm, là giáo viên, tôi nhận thấy Bộ trưởng đã rất cầu thị, lắng nghe và có những chỉ đạo, điều hành đi vào trọng tâm, phù hợp.

Dấu ấn của Bộ trưởng thời gian qua trên rất nhiều phương diện như nâng cao năng lực của giáo dục Việt Nam so với quốc tế, nhiều trường đại học vào top xếp hạng đại học quốc tế, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế bên cạnh những phát ngôn về học thật, thi thật,…được dư luận đánh giá rất cao.

Có thể liệt kê một số đầu việc mà Bộ trưởng thực hiện đã đem lại niềm tin trong nhân dân:

Thứ nhất, giáo viên có thể không cần viết nhận xét từng học sinh

Trước đây, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT phần đánh giá bằng nhận xét yêu cầu giáo viên phải nhận xét từng học sinh, khiến giáo viên quá tải.

Nhận thấy bất cập này, sau đó Bộ Giáo dục có công văn yêu cầu: “Thông tư này không quy định giáo viên bộ môn phải ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh, học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp học và học bạ học sinh.” [1]

Tiếp theo, Bộ Giáo dục ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT đánh giá học sinh theo chương trình mới, phần nhận xét được thay bằng dùng lời nói hoặc viết cũng được giáo viên đồng tình.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, các thành viên ban soạn thảo đã có những điều chỉnh về đánh giá, nhận xét học sinh được xem là tiến bộ, phù hợp, giáo viên không phải chịu áp lực và quá tải.

Rất tiếc, hiện nay vẫn còn 1 số địa phương chưa đổi mới vẫn yêu cầu giáo viên nhận xét từng học sinh, đi ngược với chủ trương của Bộ.

Thứ hai, đổi mới đánh giá học sinh theo Thông tư 22 được nhân dân đồng tình

Thông tư 22/2021 đánh giá học sinh theo chương trình mới được mọi người nhận xét là điểm sáng về đổi mới giáo dục trong đó không phân biệt môn chính, môn phụ, không còn điểm trung bình chung, không phân biệt học sinh này với học sinh khác, không còn khen thưởng tràn lan, hạn chế học sinh ở lại,…cũng được các chuyên gia, giáo viên, phụ huynh đồng tình rất cao.

Tuy nhiên, do nhiều nơi chạy theo thành tích khiến việc đánh giá học sinh theo Thông tư 22 còn chưa thực chất.

Thứ ba, tháo gỡ vướng mắc về tuyển dụng giáo viên, bổ nhiệm quản lý

Những năm trước hàng ngàn giáo viên ở nhiều nơi do tuyển dụng sai, tuyển dụng không đủ điều kiện, thiếu tiêu chuẩn,…dẫn đến nhiều giáo viên mất việc gây bức xúc lớn.

Nhận thấy bất cập, Bộ trưởng đã có chỉ đạo và ban hành công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD tháo gỡ những vướng mắc do lịch sử để lại bằng các hành động cụ thể được giáo viên đồng tình hoan nghênh và biết ơn.

Cụ thể trong công văn đề nghị các địa phương tuyển dụng giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2005 nhưng chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 được tuyển dụng, tuyển dụng đặc cách.

Cũng theo công văn trên có thể hợp đồng, thỉnh giảng các trường hợp chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 cũng gỡ khó cho giáo viên, cho các trường và tạo điều kiện cho những giáo viên trên được đạt chuẩn theo lộ trình nâng chuẩn Nghị định 71/NĐ-CP.

Công văn cũng cho phép bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 nhưng có trình độ cử nhân quản lý giáo dục.

Thứ tư, ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 kịp thời

Có thể nói với hàng loạt bất cập, bất hợp lý của chùm Thông tư 01-04/2021 về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông rất khó có thể sửa đổi.

Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao của Bộ trưởng, các thành viên ban biên soạn đã ban hành được dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông 01-04 với rất nhiều đổi mới được nhiều giáo viên ghi nhận, đồng tình, hoan nghênh.

Những vấn đề bức xúc về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, thăng hạng, bổ nhiệm hạng cũ sang hạng mới,…được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong dự thảo, tôi cho rằng vô cùng hợp lý. Nhiều giáo viên thầm cám ơn Bộ trưởng vì dự thảo này.

Có thể sắp tới đây họ sẽ được bổ nhiệm và hưởng lương hạng mới mà không gặp quá nhiều bất cập như trong thời gian qua.

Tất nhiên, do là dự thảo nên vẫn rất cần sự đóng góp chân thành, thẳng thắn của đội ngũ chuyên gia, nhà giáo cả nước để hoàn thiện và khi ban hành chính thức sẽ đi vào cuộc sống.

Thứ năm, một Bộ trưởng tận tâm, lắng nghe ý kiến nhiều nguồn

Bản thân tôi nhận thấy Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không chỉ là người có bản lĩnh chính trị, am hiểu chuyên môn mà còn biết lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ nhiều nguồn khác nhau kể cả thông tin trái chiều.

Bằng chứng là để có cơ sở ban hành dự thảo sửa đổi Thông tư 01-04, Bộ Giáo dục lấy ý kiến của cán bộ quản lý, chuyên gia và hàng trăm ngàn giáo viên cả nước, nên khi ban hành dự thảo cơ bản đáp ứng mong mỏi của giáo viên, khiến nhà giáo ấm lòng, biết ơn.

Bên cạnh đó, gần đây phát biểu của Bộ trưởng về việc sẽ cân nhắc và xin ý kiến cấp có thẩm quyền về môn Lịch sử là môn tự chọn cũng được nhân dân đánh giá cao tính cầu thị, trách nhiệm với giáo dục nước nhà.

Chính điều đó khiến cho Bộ trưởng luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng từ đội ngũ nhà giáo.

Dù phía trước vẫn còn những bức xúc về dạy thêm học thêm, thu nhập nhà giáo, bạo lực học đường, bệnh ngụy thành tích,…nhưng người viết tin rằng với sự lãnh đạo, điều hành có tâm, có tầm vì sự nghiệp giáo dục chung, Bộ trưởng cùng Bộ Giáo dục sẽ vượt qua được các thách thức để đổi mới giáo dục thành công.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-tho-phao-vi-khong-phai-viet-nhan-xet-cho-hang-tram-hoc-sinh-post217835.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hoài Thu