Là giáo viên tôi thấy bất ngờ với trả lời của Vụ trưởng Thành về sách giáo khoa

07/05/2022 06:13
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sách giáo khoa nào cũng sẽ không ảnh hưởng khi học sinh chuyển trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung?

Trước đây, mỗi khối lớp trong cả nước chỉ dùng chung một bộ sách giáo khoa thì dù học ở trường nào, ở địa phương nào, phụ huynh cũng chỉ cần mua một lần sách là đủ.

Thế nhưng hiện nay, mỗi khối lớp có đến vài ba bộ sách giáo khoa, có khi 2 trường học ở cạnh nhau nhưng vẫn có thể mỗi trường sử dụng riêng một bộ sách.

Chuyển trường, phụ huynh phải mua cho con bộ sách mới (Ảnh: Phan Tuyết)

Chuyển trường, phụ huynh phải mua cho con bộ sách mới (Ảnh: Phan Tuyết)

Để đảm bảo việc học hành của con, phụ huynh có thể phải bỏ thêm một khoản tiền không hề nhỏ để mua sách giáo khoa mới khi con cái chuyển trường từ nơi này sang nơi khác.

Mất gần nửa triệu đồng để đổi sách cho con

Cháu tôi học lớp 2 tại Đắk Nông mới chuyển trường về Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đầu tiên nhập trường, ba mẹ cô bé được nhà trường thông báo bộ sách của trường đang dạy là bộ Chân trời sáng tạo, còn bộ sách của cháu tôi đang học là bộ Kết nối tri thức.

Để thuận tiện cho bé vào học cùng các bạn thì gia đình phải mua cho con một bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo.

Thế là, gia đình em gái tôi phải bỏ ra hơn bốn trăm ngàn đồng để mua cho con bộ sách khác (sách giáo khoa gần 200 ngàn đồng + một số cuốn vở bài tập + sách và bài tập Anh văn).

Thế là, bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức (cùng sách Anh văn) mới mua đầu năm, bỗng chốc trở thành giấy lộn vì không dùng lại được nữa.

Đầu tháng 5 này, lớp tôi đang dạy cũng tiếp nhận một học sinh ở Khánh Hòa về. Gia đình em cũng phải bỏ bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức cùng sách, vở bài tập Tiếng Anh để mua thêm bộ sách Chân trời sáng tạo.

Nhìn bộ sách giáo khoa cũ dù rất tiếc nhưng không thể dùng được. Chẳng lẽ một mình em lại học riêng một bộ sách? Giáo viên sẽ dạy thế nào?

Bộ sách còn mới đã phải bỏ (Ảnh: Phan Tuyết)

Bộ sách còn mới đã phải bỏ (Ảnh: Phan Tuyết)

Với những gia đình có kinh tế, việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua lại sách vở có lẽ cũng không đến mức khó khăn lắm.

Tuy nhiên, với những gia đình nghèo khó, gia đình lâm vào tình cảnh ngặt nghèo, mua một bộ sách cho con học là cả một sự cố gắng, chắt bóp chi tiêu, nay phải mua thêm một bộ sách khác cũng chẳng dễ dàng gì.

Học sinh chuyển trường dùng bộ sách giáo khoa khác sẽ học thế nào?

Đây không phải là câu hỏi mới, trước đó, đã có nhiều ý kiến băn khoăn, khi học sinh chuyển trường từ tỉnh này sang tỉnh khác thì liệu có gặp khó khăn khi các tỉnh lựa chọn những bộ sách giáo khoa khác nhau?

Ông Nguyễn Xuân Thành, khi đó là Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho biết: Điểm mới trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo chương trình giáo dục thống nhất trên cả nước.

Sách giáo khoa chỉ là phương tiện dạy học, đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình. Vì thế dùng sách giáo khoa nào cũng sẽ không ảnh hưởng khi học sinh chuyển trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung.

Cụ thể, chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”. Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào.

Thầy cô, học sinh sẽ yên tâm và dần dần quen với việc tài liệu sách giáo khoa để sử dụng trong các hoạt động học nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình mong muốn.{1}

Học sinh trong một lớp không thể học nhiều bộ sách khác nhau

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình mới, người viết thật sự bất ngờ với câu trả lời của ông Nguyễn Xuân Thành: “Sách giáo khoa chỉ là phương tiện dạy học, đảm bảo mục tiêu cần đạt của chương trình. Vì thế dùng sách giáo khoa nào cũng sẽ không ảnh hưởng khi học sinh chuyển trường hay kiểm tra, đánh giá trong các kỳ thi chung”.

Về lý thuyết là thế thật, nhưng thực tế không thể làm như vậy vì sẽ rất khó cho việc dạy của thầy và việc học của trò.

Có ai hình dung trong một lớp có mấy chục học sinh, giáo viên dạy thế nào khi có những em học sách giáo khoa khác nhau? Thời gian nào để thầy cô giáo dạy cho cả lớp rồi phải đến hướng dẫn riêng cho những học sinh ấy?

Chưa nói đến việc, mỗi bộ sách lại có cách sắp xếp các chủ để, chủ điểm khác nhau. Với bộ sách này, kiến thức này được dạy trước nhưng bộ sách kia kiến thức đó lại để dạy sau.

Ví như ở môn Toán lớp 2, tuần đầu tiên đã dạy cộng trừ có nhớ nhưng có sách phải cuối học kỳ I hoặc sang học kỳ II mới học. Khi học sinh chuyển đến, thầy cô phải mất thời gian kiểm tra xem các em đã học những gì so với kiến thức ở bộ sách hiện tại để có kế hoạch phụ đạo cho kịp thời.

Giá như khi học sinh chuyển trường sẽ không cần mua bộ sách khác mà nhà trường sẽ cho mượn từ tủ sách dùng chung. Thế nhưng nhà trường lấy kinh phí nào để mua sách dự trữ trong khi mỗi bộ sách lên đến vài trăm ngàn đồng?

Không cách nào hiệu quả hơn bằng việc, mỗi năm các nhà xuất bản cần dành ra vài chục bộ sách để tặng lại các nhà trường hoặc Bộ Giáo dục cần dành một nguồn kinh phí nhất định để hỗ trợ vào tủ sách dùng chung, giúp gánh nặng tài chính bớt oằn trên vai những gia đình nghèo khó.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://khoahocdoisong.vn/hoc-sinh-chuyen-truong-dung-bo-sach-giao-khoa-khac-se-hoc-the-nao-133212.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết