Lạ đời, nhiều giáo viên đang xếp hàng nộp hồ sơ bán… kiến thức

07/05/2020 06:30
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Đúng như lo lắng của nhiều người, dạy thêm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác, thậm chí tinh vi hơn khó quản lý hơn.

Đến giai đoạn này, hầu hết các địa phương đã cho học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19.

Giáo viên và học sinh đã được nghỉ học gần 3 tháng do dịch bệnh phức tạp, cũng ngần ấy thời gian giáo viên phải ngừng việc dạy thêm.

Khi vào học, mới bắt đầu những ngày đầu tiên thay vì chăm lo hướng dẫn học sinh cách phòng dịch bệnh, chăm lo an toàn cho học sinh thì tại một số nơi giáo viên đang sốt sắng, tích cực đi đăng ký kinh doanh… dạy thêm vì hiện nay giáo viên hiện nay không được dạy thêm ngoài nhà trường theo quy định mới.

Chắc giáo viên nhớ… dạy thêm hay cũng có thể nhớ điều gì khác!

Hiện nay, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường

Theo đó, kể từ ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số: 2499/QĐ-BGDĐT quyết định về việc công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, các giấy phép dạy thêm bên ngoài nhà trường hết hiệu lực đồng nghĩa với việc các tổ chức, cá nhân không được dạy thêm ngoài nhà trường.

Trên cơ sở đó, nhiều Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng ban hành các quyết định công bố hết hiệu lực của việc cấp phép dạy thêm ngoài nhà trường tại các địa bàn.

Đến giai đoạn này thì gần như các tổ chức, cá nhân không được tổ chức hay dạy thêm ngoài nhà trường nên nhiều giáo viên đang “chạy” giấy phép kinh doanh dạy thêm để tiếp tục được dạy thêm.

Giáo viên dạy thêm tại cơ sở ngoài trường học. (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)
Giáo viên dạy thêm tại cơ sở ngoài trường học. (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)

Giáo viên đang nộp hồ sơ kinh doanh… kiến thức

Đúng như lo lắng của nhiều người, dạy thêm nếu không quản lý chặt chẽ sẽ biến tướng từ hình thức này sang hình thức khác, thậm chí tinh vi hơn khó quản lý hơn.

Hiện nay, tại các địa phương một bộ phận giáo viên đang tích cực làm hồ sơ đăng ký kinh doanh về việc dạy thêm.

Theo đó, các giáo viên mỗi người nộp một khoản tiền mua hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh… dạy thêm.

Thủ tục thì cực kỳ đơn giản, giáo viên có nhu cầu kinh doanh dạy thêm chỉ cần nộp đơn xin được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ dạy thêm tại nhà hay tại trung tâm dạy thêm ở bộ phận một cửa (Phòng Tài chính - Kế hoạch) cấp quận/huyện kèm photo chứng minh nhân dân, sau đó từ 03 đến 05 ngày sẽ được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh… dạy thêm hay nói đúng hơn là đủ điều kiện bán… kiến thức.

Việc cấp giấy phép kiểu này sẽ dẫn đến việc cấp giấy phép tràn lan vì hầu như không cần điều kiện gì cả, miễn có đủ hồ sơ là được cấp phép kinh doanh dạy thêm. Việc tiêu chuẩn về chuyên môn, phẩm chất,... cũng không được đề cập đến.

Giáo viên có được tổ chức kinh doanh kiến thức hay không?

Trước đây tại Thông tư 17 về dạy thêm học thêm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm có quy định tại Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm:

“4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;,…”

Do đó có thể hiểu là tại Quyết định 2499 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hết hiệu lực các điều về dạy thêm bên ngoài nhà trường, các điều còn lại như dạy thêm trong nhà trường, các điều về cấm dạy thêm khác vẫn còn hiệu lực.

Nên tại điều 4 trên, giáo viên đang hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức dạy thêm.

Việc giáo viên tự đứng ra đăng ký kinh doanh dạy thêm (chủ kinh doanh) và trực tiếp dạy thêm thu tiền là trái quy định của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm.

Vì sao việc dạy thêm, học thêm lại bị phụ huynh phản đối nhiều đến vậy?
Vì sao việc dạy thêm, học thêm lại bị phụ huynh phản đối nhiều đến vậy?

Sẽ có thể có việc lách luật khác là sẽ nhờ một người khác đứng ra đăng ký kinh doanh dạy thêm, sau đó mướn giáo viên dạy thêm nhưng đã gọi là kinh doanh thì phải có hợp đồng làm việc, mức lương, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng,… khi đó lại vướng Luật Viên chức, hợp đồng làm việc giáo viên tại các cơ sở giáo dục,…

Nên việc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã cấp giấp phép kinh doanh dạy thêm cho giáo viên ở giai đoạn hiện nay là chưa hợp lý khi chưa có hướng dẫn cụ thể.

Kinh doanh dạy thêm khác rất nhiều với việc kinh doanh một món hàng hóa khác.

Việc cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm là việc làm mới, cần thận trọng và cần có hướng dẫn rõ ràng từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khi dạy thêm là mua bán kiến thức

Kinh doanh dạy thêm thực chất là bán kiến thức là một hình thức kinh doanh không cần vốn (vốn tự có là kiến thức hay cũng có thể là những hình thức khác như điểm số, tình thương,…), cha, mẹ học sinh là người mua kiến thức hay cũng có thể là mua sự yên tâm, mà người mua là “thượng đế”.

Đã gọi là kinh doanh, có giấy phép kinh doanh thì gọi là mua, bán không cần bàn cãi.

Sau này, khi người mua (cha mẹ học sinh và học sinh) nhận thấy hàng không chất lượng, có kèm minh chứng (hóa đơn mua hàng) thì có thể khởi kiện người bán (giáo viên dạy thêm hay người đứng ra tổ chức dạy thêm) để đòi quyền lợi chính đáng.

Kiến nghị chưa cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm

Giai đoạn hiện nay học sinh cả nước đang bắt đầu vào học chính thức sau kỳ nghỉ dài, còn rất nhiều việc phải làm trong đó tập trung vào giảng dạy khôi phục kiến thức cho học sinh bị mất và tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 khi bên ngoài còn nhiều tiềm ẩn, nguy cơ.

Việc cấp giấy phép kinh doanh giai đoạn này là không phù hợp và khi chưa có hướng dẫn một cách cụ thể nên xin được phép kiến nghị chưa cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm cho các tổ chức cá nhân đến khi có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó cũng xin được phép kiến nghị cấm dạy thêm tuyệt đối giai đoạn này (trừ học sinh lớp 9 và lớp 12).

Mong Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm tra xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân dạy thêm trái phép trong thời gian này. Xem lại tính hợp pháp, đúng đắn của việc cấp giấy phép kinh doanh dạy thêm đã cấp thời gian qua.

NHẬT KHOA