Kỷ vật của thầy giáo- liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng tiếp lửa nghề cho con

19/11/2020 06:10
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đã 47 năm trôi qua, bức thư của người cha gửi về từ chiến trận vẫn được thầy Nguyễn Anh Tuấn trân trọng, giữ gìn, lời nhắn gửi của cha là kim chỉ nam dẫn đường...

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, có một thế hệ thầy giáo xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Nhiều người trong đó đã mãi mãi không thể quay lại bục giảng, không thể tiếp tục sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hướng - giáo viên dạy văn tại Trường Trung học cơ sở Tráng Việt (Mê Linh - Vĩnh Phúc) lên đường nhập ngũ năm 1972 và hy sinh nơi chiến trường K. Kỷ vật là những bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng để lại cho vợ và con trai - thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn thực sự khiến người đọc xúc động.

Nhật ký những ngày huấn luyện, chiến đấu được viết bằng thơ. Những dòng thư động viên vợ cũng là giáo viên dạy văn vừa có chất thơ, vừa chứa đựng tâm tình của đôi vợ chồng trẻ và cả những nhắn nhủ, động viên từ nơi trận mạc với vợ về trách nhiệm của một giáo viên. Những người sẽ đào tạo thế hệ tương lai của đất nước.

Những bức thư được thầy giáo Nguyễn Văn Hướng gửi về từ chiến trường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Những bức thư được thầy giáo Nguyễn Văn Hướng gửi về từ chiến trường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Lật dở những bức thư úa màu thời gian, nét chữ đã nhòe đi, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) nghẹn ngào nói với tôi, những bức thư này là tất cả ký ức của thầy về cha - thầy giáo, liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng.

Sinh ra giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, ký ức tuổi thơ vắng bóng hình ảnh người cha, đã biết bao lần, cậu bé Nguyễn Anh Tuấn hỏi mẹ: “Cha con đâu”?

Để rồi, người mẹ lại nghẹn ngào, lặng lẽ gạt dòng nước mắt: “Cha đi bộ đội, rồi sẽ trở về con ạ”.

Còn quá nhỏ để cậu có thể hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh, trong tâm tưởng của cậu bé khi ấy, cậu vẫn chờ mong đến ngày cha trở về.

Sau này lớn lên, cậu mới biết rằng, người cha mình chưa một lần gặp mặt và luôn nhớ mong ngày đêm mãi mãi không thể trở về nữa. Chiến trường K là nơi cha anh đã ngã xuống cùng nhiều đồng đội để Tổ quốc được bình yên.

Giờ đây, khi đã trở thành thầy giáo và đảm nhận công tác quản lý trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Anh Tuấn vẫn chưa bao giờ thôi nhớ về những ký ức xưa. Tay mân mê những kỷ vật của cha là những lá thư gửi về từ chiến trường, thầy lại nghẹn ngào, xúc động hồi tưởng về hình ảnh cha mẹ qua những dòng thư đã nhòe nét chữ.

Với thầy Tuấn, những bức thư của cha và trang nhật ký của mẹ chính là những kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời.

“Nếu anh không trở về,…”

Thầy Nguyễn Anh Tuấn là con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng, chiến sĩ trung đoàn 48, sư đoàn 320. Bố thầy là giáo viên dạy văn tại Trường Trung học cơ sở Tráng Việt, mẹ thầy là giáo viên của Trường Trung học cơ sở Văn Khê (thuộc huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc).

Ngày 17/09/1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thầy giáo Nguyễn Văn Hướng lên đường nhập ngũ khi cậu con trai đầu lòng còn chưa chào đời.

Trong những tháng ngày chiến đấu ở chiến trường miền Bắc, đặc biệt là những ngày chuẩn bị hành quân vào Nam, người lính xa nhà đã gửi nỗi nhớ, tình yêu qua những trang thư viết vội. Những lá thư mang nặng nỗi niềm của một người con yêu tổ quốc, của một người chồng, người cha hết mực thương vợ con, của một người thầy tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Trong lá thư, người chiến sĩ kể về những gian khổ, khó khăn của cuộc chiến:

“Em và con!

Anh đã nhận được thư của em. Anh đã viết thư xong, dán tem, định gửi cho em kẻo em lại mong. Nhưng vì trên đường hành quân không đi qua 1 bưu điện nào cả, đường núi rừng, trèo núi cao lội suối suốt ngày đêm”.

Giữa cuộc chiến cam go, khốc liệt, chiến sĩ Nguyễn Văn Hướng vẫn không quên gửi tình yêu, nỗi nhớ đến người vợ tần tảo sớm hôm ở nhà cùng con nhỏ:

“Em ơi, giờ đây anh mới hiểu sâu sắc cuộc đời của người lính, giờ đây anh chỉ có một ước ao, được gần em và con một giây lát, được đặt chiếc môi hôn lên em và con.

Anh hiểu lắm em! Vợ anh ở xa vất vả, nhớ anh buồn lắm, lúc con khóc, lúc con ốm bao đêm trông vào bàn tay của em. Và chỉ có em gánh vác những việc nặng nề đó. Anh hiểu lắm, anh hiểu tâm trạng của em lúc vắng chồng. Anh hiểu em lắm trong hoàn cảnh như thế. Tuy anh không thể giúp đỡ em được nhưng anh vẫn lo lắng hoàn cảnh của em và con”.

Khi phải hy sinh tình cảm gia đình để lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc, anh vẫn luôn động viên vợ:

“Anh vẫn khoẻ và bước vào tháng huấn luyện cuối cùng, chắc rằng anh không thể ở trên đất Bắc này hết tháng 12, nên anh viết thư về cho em. Và có lẽ bức thư này là bức thư cuối cùng trước khi anh vào Nam.

Anh hiểu lắm, rất hiểu cuộc chiến tranh hao người tốn của này. Một cuộc chiến tranh ác liệt mà lịch sử chưa có bao giờ. Cho nên, sự hi sinh tình cảm để lên đường như vợ chồng ta là một việc tự nhiên, khi trên mảnh đất vợ chồng ta, con ta đang sống vẫn còn kẻ thù sẵn sàng bóp chết hạnh phúc.

Em! chiến tranh không chỉ có vợ chồng ta xa cách mà hàng triệu trường hợp như chúng ta. Thiếu thốn về vật chất và tình cảm thì ở đâu cũng có, nó diễn ra ngay trước mắt em, em ạ!

Mùa đông thực sự đã đến, nỗi nhớ em và con đốt cháy trong lòng anh. Nhiều lúc anh gặp em trong giấc mơ, gặp em trong những đêm giấc ngủ không thành.

Em à, hơn bao giờ hết em phải có nghị lực, phải dũng cảm. Và em hãy đọc và nhớ lại cuộc đời trước đây của Các Mác và Jenny mà anh thường kể cho em...Thiếu thốn, hoàn cảnh khó khăn đến thế mà vợ chồng Mác vẫn cảm thấy hạnh phúc. Tại sao vậy em? Anh tin em có thể giải thích được điều kỳ lạ ấy”.

Ảnh: Gia đình cung cấp

Ảnh: Gia đình cung cấp

Giữa mưa bom bão đạn, người chiến sĩ vẫn hiên ngang, kiên cường, sẵn sàng hành quân chi viện cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng, chiến tranh nào ai dám nói trước được điều gì, lá thư viết ngày 09/11/1972, chiến sĩ Nguyễn Văn Hướng đã lo lắng cho tương lai rằng “Nếu anh không trở về”.

“Em phải chủ động, phải dứt khoát, phải có bản lĩnh, có lập trường, đừng để cho tâm hồn lung lay, phải đấu tranh, phải rèn luyện, phải chịu đựng trong hoàn cảnh khó khăn.

Còn anh thì hi vọng vào bàn tay em, anh đặt nhiều tin tưởng ở tương lai.

Nếu anh không trở về thì em có đứng vững nuôi con được không? Khi anh về cả em và con sẽ đón anh với cả niềm sung sướng dù trăn trở lắm khi người chồng bỏ mình ra đi. Anh sung sướng đến chảy nước mắt nếu em làm được lời anh dặn”.

Từ một giáo viên, chàng trai trẻ khoác lên mình màu xanh áo lính nhưng vẫn không thôi những trăn trở về sự nghiệp trồng người:

“Giờ đây với em trách nhiệm nặng nề , làm mẹ, làm con, làm vợ của ông chồng đi xa. Hơn nữa, em còn có trách nhiệm là người thầy, người giáo viên của cả một thế hệ.

Em ơi, trách nhiệm to lớn khó khăn biết ngần nào. Liệu em có làm tốt được không em”?

Tiếp nối sự nghiệp trồng người còn dang dở của cha mẹ

Đọc lại những dòng thư, những câu thơ mà cha đã viết trên đường hành quân, thầy Nguyễn Anh Tuấn nghẹn ngào:

“Trong thư, cha tôi có lời nhắn gửi “nếu anh không trở về”, và sự thật ông đã ra đi mãi mãi”.

Năm 1973, chiến sĩ Nguyễn Văn Hướng đã anh dũng hy sinh trên chiến trường K, lời hứa với người vợ trong trang thư hôm nào đã chẳng thể thực hiện được:

Anh nhớ em và con!

Anh có làm một số câu thơ ghi lại chặng đường của vợ chồng mình. Em hãy ghi lại vào cuốn nhật ký để lúc trở về ta cùng đọc và khi con lớn lên, nó sẽ đọc để hiểu thêm cuộc đời bố mẹ”.

Thầy Nguyễn Anh Tuấn tâm sự: “Khi cha tôi hy sinh, mẹ tôi vừa tròn 24 tuổi. Một mình mẹ vất vả nuôi tôi ăn học. Khi tôi học lớp 12, mẹ tôi vì bệnh tật cũng rời xa tôi.

Sau này, tôi được học tập tại Trường Nguyễn Viết Xuân - ngôi trường nuôi dạy con liệt sỹ ở Thủ đô Hà Nội. Từ đây, tôi nuôi ước mơ và quyết tâm thi vào trường Đại học Sư phạm, tôi muốn nối tiếp sự nghiệp trồng người cao quý mà bố mẹ còn dang dở”.

Bước chân vào trường đại học với mơ ước trở thành giáo viên, một mình chàng sinh viên phải đối mặt với vô vàn những khó khăn. Cậu phải vừa học vừa làm thêm để có tiền ăn uống và mua sách vở, tài liệu học tập.

“Nhiều lần tôi rơi vào cảm giác bi quan, những khó khăn như muốn nhấn chìm và đẩy tôi lùi về phía sau.

Những lúc đó, tôi lại mở lá thư của cha, đọc lại trang nhật ký của mẹ. Từng câu, từng chữ trên nét bút của cha mẹ là nguồn động lực lớn lao giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời”.

Trong dòng hồi tưởng, thầy Tuấn đọc lại những câu thơ mà cha đã làm tặng mình trong những lúc rảnh rỗi của cuộc hành quân:

“Máu cha có đổ trên đồng

Con ơi hãy nhớ nỗi lòng mẹ con

Cha vẫn còn bên con mãi mãi

Vẫn bên mẹ con đã từng trải khổ đau

Em và con hãy dành trái tim giàu

Ngày chiến thắng cha sẽ về, ai là người sướng nhất”.

Tiếp nối tình yêu nghề từ bố mẹ, thầy Nguyễn Anh Tuấn ý thức sâu sắc về trách nhiệm, sứ mệnh của một người thầy.

Trong khoảng thời gian dạy học, thầy Tuấn vẫn không ngừng học hỏi, rèn luyện. Đến thời điểm hiện tại, thầy đã tốt nghiệp hệ chính quy của ba trường đại học: Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội.

Với tinh thần phấn đấu, học hỏi không ngừng, thầy Nguyễn Anh Tuấn đã bảo vệ xong hai luận văn cao học về Công nghệ thông tin và Quản lý kinh tế; hoàn thành chương trình đại học ngoại ngữ chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Anh.

Từ giáo viên đứng lớp giảng dạy, thầy được tín nhiệm và nhận công tác quản lý trên cương vị Hiệu trưởng và nay là Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, Hà Nội. Để vượt qua được những khó khăn, để vững tâm tiếp nối truyền thống gia đình, chính những lời căn dặn của cha - liệt sĩ Nguyễn Văn Hướng qua những lá thư đã tiếp lửa yêu nghề cho thầy Nguyễn Anh Tuấn.

Phạm Minh