Kỳ thi vào 10 nhiều điểm 0, đổ trách nhiệm cho thầy cô có hợp lý?

23/06/2019 06:45
Đỗ Quyên
(GDVN) - Cha mẹ biết con học yếu sẵn sàng bỏ tiền cho học thêm, thầy cô biết trò học yếu, ráng sức dạy gì thi nấy, nhà trường biết trò học kém càng siết chất lượng...

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm 2019 ở Khánh Hòa, môn toán có đến 668 thí sinh bị điểm 0.

Chẳng riêng gì Khánh Hòa, không ít tỉnh thành khác số học sinh bị điểm 0 cũng không phải là ít.

Một kết quả mà bất cứ ai đang quan tâm đến giáo dục cũng phải bất ngờ, sửng sốt.

Kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay nhiều tỉnh khá nhiều điểm kém (ảnh minh họa VOV)
Kỳ thi tuyển vào lớp 10 năm nay nhiều tỉnh khá nhiều điểm kém (ảnh minh họa VOV)

Trong khi đề thi vào lớp 10 chủ yếu là kiến thức cơ bản lớp 9.

Những học sinh bị điểm 0 phải nói rằng trong đầu các em không hề có một tí kiến thức cơ bản nào.

Những học sinh này, công bằng mà nói không chỉ yếu, kém mà là quá kém.

Nói là đi học, chứ lên lớp chỉ ngồi chơi hết buổi rồi về mà chẳng có chữ nào trong đầu.

Thực tế hiện nay ở nhiều trường, số lượng học sinh thế này không phải là ít.

Chúng tôi đã từng tiếp xúc với nhiều học sinh như thế.

Trong lúc chia sẻ, có em đã nói rất buồn rằng, chúng con cũng muốn học nhưng học không hiểu tí gì nên thấy tự ti, chán nản và bất mãn luôn.

Trước thực trạng đáng buồn này, không ít người đã đổ trách nhiệm lên đầu giáo viên.

Một hiệu trưởng trường trung học phổ thông nói rằng, nguyên nhân học sinh chán học, học sinh bị nhiều điểm kém trước hết là lỗi do các thầy cô.

Tổng kết khá, giỏi nhưng điểm thi vào lớp 10 dưới trung bình vì đâu?

Họ cho rằng, thầy dạy dở trò không muốn học, thầy dốt làm gì có trò giỏi?

Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy cô phải tự nhận trách nhiệm cho những "sản phẩm bị lỗi" này, đừng nên đổ lỗi cho ai khác. 

Nhận định như thế cũng chẳng sai, giáo viên dạy mà học sinh toàn yếu kém đương nhiên không thể khen thầy cô giáo ấy là người dạy giỏi.

Thế nhưng áp dụng điều này vào thực tiễn giáo dục hiện nay, không được phù hợp và sẽ khá bất công với nhà giáo.

Bởi, thầy cô không được chịu trách nhiệm khi tuyển đầu vào thì sẽ không thể bắt họ chịu trách nhiệm chất lượng đầu ra.

Đầu vào học trò bết bát, đầu ra không thể đòi hỏi các em khá giỏi được.

Là giáo viên không ai là không biết, không hiểu mình đã bị tước mất quyền xếp loại học sinh đặc biệt là học sinh yếu, chứ nói gì đến học sinh kém.

Đến cả việc nhận xét học sinh (ghi trong biên bản bàn giao chất lượng đầu năm hay ghi trong sổ kiên lạc, sổ học bạ) cũng không được phép ghi “Em học còn yếu”;

“Em học rất kém”… Mà phải tìm những từ ngữ nhẹ hơn để ghi như “ Em còn chậm…”, “Em cần cố gắng hơn”....

Ngay cả việc học trò lười học (vô cùng lười luôn nhé) nhưng thầy cô cũng không được ghi hẳn ra là lười mà chỉ có quyền ghi nhận xét “Em chưa được chăm”…

Ngay từ lớp 1, nhiều học sinh yếu đã không được phép lưu ban dù gia đình các em tha thiết điều đó.

Những học sinh này luôn được lùa lên lớp cho đủ chỉ tiêu.

Lớp 1 đã không biết gì, lên lớp 2 chỉ là ngồi nhờ chỗ, ngồi cho đủ sĩ số.

Và lớp 3, lớp 4, lớp 5…càng thê thảm hơn.

Vẫn là ngồi cho đủ sĩ số, cho đến khi cầm trong tay chứng chỉ hoàn thành chương trình tiểu học.

Vào lớp 6, tiếp tục lên lớp 7, lớp 8 rồi lớp 9…lớp cứ lên đều đều còn kiến thức luôn để lại phía sau.

Nghịch lý học giỏi thi điểm thấp nhiều vô kể

Điều này, các em biết, thầy cô biết đôi khi ba mẹ cũng biết.

Nói đôi khi, vì nhiều phụ huynh không gần con chỉ nhìn vào những điểm số con đưa về nên đã ngộ nhận.

Những điểm số luôn biết làm vừa lòng mọi người.

Và đây, cũng chính là cách để những báo cáo với những con số không chỉ đẹp, còn đáng tự hào được xướng lên.

Thầy cô bị cột chỉ tiêu chất lượng môn học thì sao dám tổng kết các em loại yếu?

Giải pháp để học sinh không bị xếp yếu mà có bảng điểm đẹp như mơ là đi học thêm và cho đề cương (có giáo viên làm sẵn) khi kiểm tra và khi thi.

Học sinh kiểm tra hoặc thi lần 1 điểm thấp lại cho khất, cho nợ kiểm tra lần 2, lần 3 cho đến khi đạt điểm theo yêu cầu mới thôi.

Cha mẹ biết con học yếu, kém sẵn sàng bỏ tiền cho con học thêm, thầy cô biết trò học yếu nên cũng ráng sức dạy gì thi nấy, nhà trường biết trò học yếu nên càng siết chất lượng giáo viên.

Nhưng điểm số đẹp các em đưa về như liều thuốc mê ru ngủ tất cả. Mọi người đều bằng lòng với kết quả dù biết chưa hẳn là thật.

Cho đến khi, tất cả được bóc trần thì người ta quay lại đổ dồn tội lỗi lên đầu giáo viên mà không biết rằng chẳng thầy cô giáo nào lại muốn điều đó.

Ai cũng muốn dạy thật, đánh giá thật để mình và đồng nghiệp cũng khỏe hơn.

Thế nhưng thầy cô nào có đủ sức để chống chọi với những “ý chỉ” từ bên trên đè xuống?

Không! Và chắc chắn là không! Vì thế, hàng trăm con điểm 0 vào mỗi mùa thi chính là sản phẩm lỗi của cả một hệ thống giáo dục.

Chúng ta quy tội giáo viên thì oan cho các thầy cô giáo quá.

Và nếu cứ như thế cũng chưa chỉ ra được nguyên nhân căn cơ dẫn đến thất bại này nên sẽ không thể khắc phục được.

Nếu người bệnh chưa bị bắt đúng bệnh thì dù là bác sĩ giỏi cũng sẽ chẳng bao giờ chữa lành vết thương.

Đỗ Quyên