Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đã cận kề, chuyên gia chia sẻ cách tránh căng thẳng

29/07/2020 14:49
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy nhớ không thức khuya để học, không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc và điều thứ 3 các em luôn giữ cho mình một tâm trạng vui vẻ, không lo lắng.

Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đây là lúc các em học sinh đang gấp rút ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi quan trọng đánh dấu kết quả 12 năm đèn sách.

Vậy cách thức để ôn tập kiến thức cũng như có một chế độ nghỉ ngơi thư giãn trong thời gian này ra sao cho thật hiệu quả cũng là một điều mà các em học sinh cần lưu tâm.

Trạng thái tâm lý thoải mái nhất sẽ giúp các em vượt qua căng thẳng khi thi và sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trạng thái tâm lý thoải mái nhất sẽ giúp các em vượt qua căng thẳng khi thi và sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam, thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam chia sẻ:

“Học sinh trước mỗi kỳ thi thường có tâm lý lo lắng nhất là với những kỳ thi quan trọng, các em có những hành động phổ biến và vô tình đã làm gia tăng áp lực lên chính bản thân mình:

Thứ nhất là thức khuya để học, thứ 2 là sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc…để có thể tỉnh ngủ và điều thứ 3 là các em thường có tâm trạng rất lo lắng.

Các em cần phải hiểu tất cả các kỳ thi trong những năm gần đây đều đã đổi mới theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, và đã là năng lực thì không bao giờ có thể hình thành được trong một thời gian ngắn.

Năng lực được hình thành trong cả một quá trình dài học tập chứ không phải chỉ vài ngày, chính vì vậy mà các em nên có một kế hoạch ôn tập từ sớm.

Trong những ngày này các em cần duy trì một lịch sinh hoạt đều đặn, phù hợp và tránh những cuộc đi chơi xa dài ngày để giữ gìn sức khỏe.

Phải đảm bảo thời gian ngủ không quá muộn và đủ giấc từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ, việc này sẽ quyết định rất nhiều đến chất lượng học tập, nếu ngủ ít đầu óc sẽ không được minh mẫn ảnh hưởng đến sự ghi nhớ kiến thức”.

Thầy Nam cho biết: “Cần tự nhắc mình có một chiến lược học tập cho hiệu quả, theo nghiên cứu thì não bộ của con người chỉ hoạt động tốt nhất vào một khoảng thời gian nhất định trong ngày và thường là buổi sáng.

Não bộ của chúng ta hoạt động theo hai cơ chế khác nhau là hưng phấn và ức chế.

Khi ta tập trung cao độ vào giải quyết một bài toán hay bài văn, khi đó não sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động.

Khi ta rơi vào thế bí như tình huống đã chỉ ra, thì dù có cố gắng đến mấy cũng chỉ có vùng não tập trung được hoạt động.

Có nghĩa chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại các cách giải quyết vấn đề và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc. Khi đó hành động rà soát lại lời giải hay đi lại từng bước từ đầu sẽ không có ích gì.

Vậy nên hãy tận dụng thời gian nào mà các em cảm thấy tập trung nhất để mà ôn tập cho hiệu quả. Cũng cần lưu ý một điều là thời gian học càng nhiều thì không đồng nghĩa với việc chất lượng học sẽ tốt.

Não chúng ta chỉ có khả năng chú tâm suy nghĩ trong một thời gian rất ngắn, chừng 10 phút đồng hồ rồi sau đó là sẽ đến giai đoạn mất tập trung.

Đây là cơ chế phòng vệ hết sức tự nhiên của não người, vì vậy hãy phân chia các bài ôn tập, bài giảng thành từng phân đoạn ngắn hơn cho hiệu quả.

Sau khoảng mười phút tập trung, hãy thiết kế một hoạt động để não bộ thư giãn và chuyển đổi sang phân đoạn tiếp theo.

Khi não bộ đang trong giai đoạn hưng phấn mà chúng ta không biết tận dụng cơ hội đó để học, đến khi qua giai đoạn đó rồi thì các em có học trong thời gian bao nhiêu đi nữa thì kiến thức cũng sẽ không vào đầu”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Hãy tận dụng thời gian nào mà các em cảm thấy tập trung nhất để mà ôn tập cho hiệu quả. Cũng cần lưu ý một điều là thời gian học càng nhiều thì không đồng nghĩa với việc chất lượng học sẽ tốt". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Thành Nam: "Hãy tận dụng thời gian nào mà các em cảm thấy tập trung nhất để mà ôn tập cho hiệu quả. Cũng cần lưu ý một điều là thời gian học càng nhiều thì không đồng nghĩa với việc chất lượng học sẽ tốt". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Nam nói: “Vào những lúc như vậy các em nên dừng lại khoảng 5 phút đồng hồ để thư giãn, đi một vòng và nhìn ra xa, hít thở đều và sâu, uống một chút nước rồi sau đó trở lại bàn học thì sẽ hiệu quả hơn.

Theo những quan sát và trải nghiệm thực tế của tôi trong giai đoạn trước khi thi phần lớn các em học sinh hay mất thời gian tham gia mạng xã hội.

Sau khi học tập cảm thấy mệt mỏi, thay vì nghỉ ngơi thì các em lại chọn cách thư giãn là vào mạng, như vậy thời gian hàng tiếng đồng hồ sẽ trôi qua rất nhanh mà các em thường không kiểm soát được.

Việc vào mạng xã hội kiểu mất kiểm soát như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tập trung học tập.

Một điều nữa là khi lên mạng trong thời điểm này thì phần lớn tất cả những lời bình luận, diễn giải… về kỳ thi lại có xu hướng làm cho các em lo lắng thêm.

Với kiểu diễn giải như kỳ thi này rất quan trọng, rồi nếu thi không đỗ thì làm sao, hướng đi thế nào và tương lai của chúng ta ra sao…?

Thậm chí có em nói nghe thấy tin đề thi năm nay sẽ theo hướng này, hoặc theo hướng kia và như vậy càng làm các em mất tập trung vào việc ôn tập và định hướng của thầy cô.

Rất nhiều em đã bị ảnh hưởng xấu khi lên mạng xã hội và tham gia vào những bình luận kiểu như vậy”.

Lời khuyên của chuyên gia

“Trong giai đoạn này các em hãy tự tin vào chính bản thân mình, tin vào định hướng của các thầy cô trên lớp và những kế hoạch hoặc đáp án ôn tập.

Một nguyên tắc nữa được nhiều nhà tâm lý đưa ra là các em không nên tâm sự hay trao đổi nhiều với những người hay lo lắng, người có tâm lý luôn giao động nhưng lại hay đưa ra những thông tin làm cho các em hoang mang.

Rất nhiều thông tin trên mạng xã hội hiện nay các em không thể biết được độ đúng sai của nó, và phần lớn là những tin đồn truyền tai nhau không chính xác.

Vậy theo tôi thay vì các em dùng thời gian vào mạng xã hội thì các em nên dùng thời gian đó để nghỉ ngơi thư giãn, tái tạo sức khỏe cho não bộ, như vậy thì sẽ có ích hơn đối với kỳ thi sắp tới”, thầy Nam nhấn mạnh.

Thầy giáo Đỗ Văn Bảo "Trước ngày thi, các em nên tránh nhồi nhét kiến thức mà nên làm cho đầu óc được thoải mái hơn bằng cách luyện tập thể thao nhẹ nhàng. Những giấc ngủ ngon sẽ giúp các em tỉnh táo và sẵn sàng đón nhận thử thách của kỳ thi". Ảnh: Tùng Dương.

Thầy giáo Đỗ Văn Bảo "Trước ngày thi, các em nên tránh nhồi nhét kiến thức mà nên làm cho đầu óc được thoải mái hơn bằng cách luyện tập thể thao nhẹ nhàng. Những giấc ngủ ngon sẽ giúp các em tỉnh táo và sẵn sàng đón nhận thử thách của kỳ thi". Ảnh: Tùng Dương.

Đồng quan điểm trên khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Văn Bảo - Giáo viên dạy môn Toán Trường trung học Vinschool, chia sẻ:

“Trong thời gian sắp thi và những ngày thi cử, các em rất cần được sự quan tâm, đồng hành, gần gũi của cha mẹ để vơi đi những lo lắng.

Sự lo âu quá mức thường dẫn đến việc giảm khả năng tập trung khiến kiến thức trở nên lộn xộn. Cần giữ thái độ lạc quan khi ôn tập và khi thi, các em hãy luôn tự nhủ rằng mình sẽ làm được.

Cha mẹ cần động viên chia sẻ để các em không còn cảm thấy áp lực thi cử quá nặng nề, căng thẳng và quá ép mình vì sợ thất bại.

Gia đình cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả thi của các em vì quãng thời gian trước, trong và sau khi thi xong rất nặng nề. Chỉ một chút sơ sểnh khi thi sẽ khiến tâm lý các em bị ảnh hưởng.

Vì vậy, trạng thái tâm lý thoải mái nhất sẽ giúp các em vượt qua căng thẳng khi thi và sẽ đem lại hiệu quả cao nhất.

Trước ngày thi, các em nên tránh nhồi nhét kiến thức mà nên làm cho đầu óc được thoải mái hơn bằng cách luyện tập thể thao nhẹ nhàng. Những đêm trước ngày thi, một giấc ngủ ngon sẽ giúp các em tỉnh táo và sẵn sàng đón nhận thử thách của kỳ thi.

Trong ngày dự thi, cần đến phòng thi sớm hơn một chút với tâm thế thoải mái nhất. Đặc biệt không được để đói bụng, nên tự thưởng cho mình một bữa ăn sáng hợp sở thích, ăn uống đầy đủ sẽ giúp các em có được thể chất tốt nhất.

Cần đọc kỹ đề bài thi để xem nội dung và giúp bản thân có một ý tưởng khái quát về mỗi câu hỏi sẽ mất bao lâu để hoàn thành.

Nếu không hiểu rõ đề bài thì rất dễ gây thể gây căng thẳng, vì vây bằng cách biết làm bài thi hết thời gian bao lâu, các em sẽ bớt căng thẳng.

Tập trung làm bài thi, nếu bị vướng mắc ở một câu hỏi trong khoảng thời gian dài, thay vì căng thẳng hãy nhớ rằng có thể bỏ qua câu hỏi đó và quay lại làm vào cuối giờ nhưng phải nhớ phân bổ thời gian.

Để ý tới đồng hồ và dành từ 5 đến10 phút xem lại câu trả lời, kiểm tra xem có bất kỳ sai sót hay ước chừng những câu hỏi mà các em đã bỏ qua lúc đầu”.

Tùng Dương